26/03/2014 - 13:50

BỆNH VIÊM LOÉT DẠ DÀY

Tuân thủ tốt điều trị để tránh biến chứng nguy hiểm

Viêm loét dạ dày là bệnh phổ biến hàng đầu trong các bệnh đường tiêu hóa, có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm như: chảy máu dạ dày, thủng dạ dày, thậm chí ung thư dạ dày. Ở Việt Nam, áp lực cuộc sống và chế độ ăn uống chưa hợp lý, khiến tỷ lệ mắc bệnh ngày càng cao. Theo Hội Khoa học Tiêu hóa Việt Nam, 70% người Việt có nguy cơ bị đau dạ dày. Bác sĩ Phan Nguyễn Bảo Huy – Chuyên khoa nội tiêu hóa, gan, mật – Trưởng khoa khám bệnh đa khoa Phương Châu, Bệnh viện Quốc tế Phương Châu, trao đổi với phóng viên Báo Cần Thơ những vấn đề xoay quanh căn bệnh này.

* Thưa bác sĩ, vì sao viêm loét dạ dày không phải bệnh nan y nhưng khó chữa khỏi, dễ tái phát? Làm gì để điều trị dứt viêm loét dạ dày?

- Những ổ loét trong dạ dày là do sự phá hủy một vùng có giới hạn nhỏ làm mất lớp niêm mạc dạ dày, có thể lan xuống lớp dưới niêm mạc, lớp cơ thậm chí tới lớp thanh mạc và có thể gây ra thủng. Cơ chế chủ yếu là do mất cân bằng giữa yếu tố bảo vệ và yếu tố gây loét. Bệnh viêm loét dạ dày tuy không phải là bệnh nan y nhưng có quá nhiều nguyên nhân dẫn tới viêm loét dạ dày như: nhiễm vi khuẩn Helicobacter Pylori (HP), uống nhiều rượu, bia, hút thuốc lá, lạm dụng thuốc giảm đau như Aspirin, corticoids… yếu tố tâm lý như: căng thẳng, rối loạn vận động và các bệnh lý tiêu hóa khác; ăn uống thất thường... Vì thế, điều trị hết viêm loét dạ dày cũng rất khó khăn. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân tuân thủ điều trị tốt, kết hợp hài hòa với chế độ ăn uống, sinh hoạt, nghỉ ngơi…, bệnh ít có nguy cơ tái phát.

* Bệnh nhân bị viêm loét dạ dày có nguy cơ bị ung thư dạ dày không? Làm sao để tầm soát, phát hiện ung thư dạ dày sớm trên bệnh nhân bị dạ dày?

- Bệnh viêm loét dạ dày nếu không chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời, nguy cơ dẫn đến ung thư dạ dày rất cao. Theo nghiên cứu của Giáo sư, bác sĩ Nguyễn Chấn Hùng, Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam, tỷ lệ bệnh nhân bị viêm loét dạ dày nếu nhiễm HP thì 5,5% có nguy cơ dẫn tới ung thư dạ dày. Để tầm soát ung thư dạ dày sớm trên những bệnh nhân có hội chứng dạ dày, bệnh nhân được nội soi dạ dày, kết hợp với làm xét nghiệm Clotest hoặc cấy HP (nếu nghi ngờ trên nội soi). Sau đó, bác sĩ sẽ làm sinh thiết giải phẫu bệnh để chẩn đoán.

Nội soi dạ dày qua ngã mũi, giảm đau cho bệnh nhân, tăng hiệu quả chẩn đoán.

* Nhiều bệnh nhân ngại đau khi nội soi dạ dày. Hiện nay, có trang thiết bị nào nội soi ít đau nhưng hiệu quả chẩn đoán cao không?

- Nội soi cho phép đánh giá và chẩn đoán các bệnh về dạ dày chính xác hơn chụp phim X-quang. Ngoài ra, thông qua nội soi, bác sĩ có thể tiến hành điều trị như: tiêm cầm máu do ổ loét dạ dày, tá tràng gây ra; chẩn đoán ung thư dạ dày sớm… Hiện nay, nội soi tiêu hóa là nỗi ám ảnh của nhiều bệnh nhân. Tuy nhiên, khoa học ngày càng tiến bộ và phát triển không ngừng, nhiều máy nội soi thế hệ mới ra đời, giúp bệnh nhân giải tỏa lo lắng. Hiện nay, Bệnh viện Quốc tế Phương Châu trang bị máy nội soi thế hệ mới của Nhật Bản, hiện đại nhất ĐBSCL, sử dụng ánh sáng màu để tầm soát ung thư sớm và nội soi dạ dày qua ngã mũi, giảm cảm giác khó chịu, kích thích, nôn ọe và đặc biệt giúp bệnh nhân đỡ đau. Qua phỏng vấn trên 1.000 bệnh nhân nội soi dạ dày qua ngã mũi, bệnh nhân rất hài lòng, vì giảm đau rất nhiều, nên không còn e ngại nội soi.

* Nhiều bệnh nhân bị viêm loét dạ dày lo ngại điều trị thuốc tây lâu dài sẽ ảnh hưởng đến gan, thận nên thấy bệnh thuyên giảm thì ngưng điều trị. Có giải pháp nào hạn chế tác dụng phụ của thuốc điều trị đến gan, thận?

- Như chúng ta đã biết, gan, thận là nơi bài tiết chất độc ra khỏi cơ thể, thanh lọc độc tố. Gan được xem là hàng rào bảo vệ cơ thể để chống lại các yếu tố độc hại xâm nhập vào cơ thể qua đường tiêu hóa, đồng thời làm giảm độc tính và thải trừ một số chất được tạo ra trong quá trình chuyển hóa của cơ thể. Cơ chế chống độc của gan là do tế bào Kupffer và tế bào gan đảm nhận, liên hợp với acid glucuronic. Các chất độc như: Bilirubin, phenol, aspirin, kháng sinh, barbiturate… sẽ liên hợp với acid glucuronic, sau đó, được thải ra ngoài trong nước tiểu hoặc dịch mật. Trong quá trình điều trị bệnh viêm loét dạ dày, bệnh nhân phải tuân thủ nghiêm ngặt chế độ điều trị của thầy thuốc, tái khám đúng hẹn, tránh tình trạng ngưng thuốc trong quá trình điều trị, đặc biệt, lúc đang điều trị theo phác đồ, để tránh nguy cơ kháng thuốc. Ngoài ra, nhiều bệnh nhân bị viêm loét dạ dày tự ý mua thuốc tây để uống, nguy cơ kháng thuốc rất cao. Từ đó, những đợt điều trị sau, bác sĩ phải sử dụng những kháng sinh thế hệ mới, bệnh nhân rất tốn kém tiền bạc. Tái khám đúng hẹn, thầy thuốc có thể kiểm tra chức năng gan, thận và xem xét điều chỉnh liều lượng thuốc, sẽ hạn chế tác dụng phụ của thuốc đối với bệnh nhân.

* Xin cảm ơn bác sĩ!

H.Hoa (thực hiện)

Chia sẻ bài viết