08/12/2007 - 22:23

Tự ý nghỉ việc có phải là đình công?

Hỏi: Do công ty không chịu trả lương đúng thời hạn, tôi cùng một số anh em công nhân trong công ty đình công bằng cách tự nghỉ việc hết mấy ngày. Khi trở lại làm việc, tôi và những người đình công bị công ty kỷ luật. Xin hỏi trường hợp đình công của chúng tôi như vậy có hợp pháp không? Công ty kỷ luật chúng tôi có đúng không? Đình công như thế nào mới đúng luật?

Nguyễn Trung, (quận Bình Thủy, TP Cần Thơ)


Về vấn đề này, ông Lê Xuân Trị, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật LĐLĐ TP Cần Thơ trả lời như sau: Công ty trả lương không đúng thời hạn là vi phạm hợp đồng lao động, nhưng cần tìm hiểu rõ nguyên nhân, để có cách xử sự cho đúng. Việc anh cùng một số anh em công nhân trong công ty “đình công” bằng cách tự nghỉ việc mấy ngày, mới vào làm việc không được xem là đình công, mà đó là hành vi vi phạm tổ chức kỷ luật, nên việc công ty xử lý kỷ luật là có cơ sở .Theo quy định tại Điều 172, 172a của Bộ luật Lao động đã được sửa đổi bổ sung năm 2006 thì : Đình công là sự ngừng việc tạm thời, tự nguyện và có tổ chức của tập thể lao động để giải quyết tranh chấp lao động tập thể . Do đó, một cuộc đình công phải hội đủ 4 điều kiện sau : có hành vi ngừng việc tạm thời của tập thể lao động; có sự tự nguyện ; có tổ chức ; mục đích nhằm giải quyết tranh chấp lao động tập thể về quyền hoặc lợi ích. Đình công phải do Ban chấp hành công đoàn cơ sở hoặc Ban chấp hành công đoàn lâm thời lãnh đạo. Đối với doanh nghiệp chưa có Ban chấp hành công đoàn cơ sở, thì việc tổ chức và lãnh đạo đình công phải do đại diện được tập thể lao động cử và việc cử này đã được thông báo với công đoàn cấp huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh hoặc tương đương .

Đình công đúng luật đòi hỏi phải thực hiện đầy đủ các trình tự, thủ tục theo quy định tại các Điều 174, 174a , 174b, 174c của Bộ luật Lao động đã được sửa đổi bổ sung, cụ thể có thể chia ra các bước như sau:

- Bước 1: Lấy ý kiến người lao động về tổ chức đình công: Ban chấp hành công đoàn cơ sở nơi có tổ chức công đoàn hoặc tập thể lao động nơi chưa có tổ chức công đoàn phải tiến hành lấy ý kiến người lao động về tổ chức đình công . Đối với doanh nghiệp hoặc bộ phận doanh nghiệp có dưới 300 CNLĐ lấy ý kiến trực tiếp người lao động. Đối với doanh nghiệp hoặc bộ phận doanh nghiệp có 300 CNLĐ trở lên lấy ý kiến thành viên BCH công đoàn cơ sở ,Tổ trưởng công đoàn; doanh nghiệp không có công đoàn cơ sở lấy ý kiến Tổ trưởng, Tổ phó Tổ sản xuất . Nội dung lấy kiến là những tranh chấp lao động tập thể đã được giải quyết nhưng tập thể lao động không đồng ý; địa điểm và thời điểm bắt đầu đình công; ý kiến đồng ý hay không đồng ý đình công .

- Bước 2: Ra quyết định đình công và lập bản yêu cầu : Đối với doanh nghiệp hoặc bộ phận doanh nghiệp có dưới 300 CNLĐ phải có trên 50% tổng số CNLĐ đồng ý đình công . Doanh nghiệp hoặc bộ phận doanh nghiệp có từ 300 CNLĐ trở lên phải được 75% số người được hỏi ý kiến đồng ý đình công. Nội dung quyết định đình công phải ghi rõ địa điểm và thời điểm bắt đầu đình công. Có chữ ký của đại diện Ban chấp hành công đoàn cơ sở và đóng dấu nếu có tổ chức công đoàn .

- Bước 3: Trao quyết định đình công và bản yêu cầu trong thời gian ít nhất 5 ngày trước ngày đình công cho người sử dụng lao động, cơ quan lao động cấp tỉnh, Liên đoàn Lao động cấp tỉnh .

- Bước 4: Thương lượng, hòa giải : Trong quá trình chuẩn bị tổ chức đình công, Ban chấp hành công đoàn cơ sở hoặc tập thể lao động có quyền tiến hành thương lượng, hoặc cùng đề nghị với các cơ quan lao động, Liên đoàn Lao động, đại diện người sử dụng lao động ở địa phương hoặc cơ quan tổ chức khác tiến hành hòa giải .

Bước 5: Tổ chức đình công : Ban chấp hành công đoàn cơ sở hoặc tập thể lao động được cử ra tổ chức, lãnh đạo đình công khi người sử dụng lao động không chấp nhận giải quyết các yêu cầu.

VÂN LÂM (thực hiện)

Chia sẻ bài viết