27/10/2017 - 21:32

Tự truyện- công cụ đánh bóng mới của nghệ sĩ trẻ? 

Gần đây thị trường sách liên tục xuất hiện tự truyện của nghệ sĩ. Ngoài số ít tác phẩm có giá trị của những nghệ sĩ gạo cội, có tầm và có tâm, còn lại đa phần là chuyện đời tự kể của những người tuổi đời còn rất trẻ và gần như không có thành tựu trong sự nghiệp. Dường như tự truyện đang được xem là công cụ đánh bóng tên tuổi. 

Với những nghệ sĩ chân chính, tự truyện không chỉ để kể chuyện đời, chuyện nghề của cá nhân; mà có khi là chứng nhân của một giai đoạn hoàng kim, thể hiện những nhân sinh quan và giá trị thẩm mỹ tuyệt vời của loại hình nghệ thuật mà nghệ sĩ đó gắn bó, có khi là cả cuộc đời. Tiêu biểu là tự truyện “Sống cho người sống cho mình” của NSND Kim Cương, “Tâm Thành và Lộc đời” của NSƯT Thành Lộc, “Đằng sau những nụ cười” của danh ca Khánh Ly, “Chuyện tình không tên” của nhạc sĩ Vũ Thành An, “Bên kia Bức Tường” của cố nhạc sĩ Trần Lập…

Tự truyện của ca sĩ Sơn Tùng M-TP là một trong số ít tác phẩm thành công về mặt số lượng phát hành.

Tuy nhiên, người đọc không thể tìm được những điều đẹp đẽ đó ở hàng loạt tự truyện vừa ra mắt gần đây của những nghệ sĩ trẻ như siêu mẫu Hà Anh, ca sĩ chuyển giới Hương Giang Idol và Lâm Chí Khanh, hoa hậu Trúc Diễm, ca sĩ Thanh Thảo… Thậm chí một nhân vật không có tài năng ngoài những chiêu trò rẻ tiền câu người xem trên mạng xã hội có biệt danh “Bà Tưng” cũng ra tự truyện. Dễ nhận thấy trong những tự truyện này câu chuyện “ôn nghèo kể khổ”, giật gân mang yếu tố “sốc, sex, sến”, những chuyện thị phi trong nghề… Nội dung thiếu chiều sâu, điểm nhấn, cách thể hiện na ná nhau, văn phong nhàn nhạt khiến những tự truyện này nhanh chóng chìm vào quên lãng.

Đời sống riêng tư của nghệ sĩ vốn là đề tài được đám đông tò mò. Thế nên cũng không có gì ngạc nhiên khi một số tự truyện của nghệ sĩ trẻ bán chạy trên thị trường. Mới đây, “Chạm tới giấc mơ” của ca sĩ Sơn Tùng M-TP trở thành một “hiện tượng” khi chỉ sau 2 ngày ra mắt đã phải tái bản vì đã tiêu thụ 10.000 cuốn. Sách cũng tương tự như những tự truyện gần đây khi kể lại chặng đường quá khứ đã đi qua với những thăng trầm và “vinh quang” của một ca sĩ vô danh từng bước khẳng định mình và thành công với nghề. Thế nhưng, một cuốn tự truyện được viết bởi một ca sĩ chỉ vừa bước qua ngưỡng cửa tuổi 23, tuy có chỉ số truyền thông rất cao nhưng cũng gắn liền với tai tiếng đạo nhạc và ăn cắp phong cách của nhóm nhạc Hàn Quốc nổi tiếng, không khỏi làm độc giả băn khoăn về mọi mặt.

Sắp tới sẽ còn nhiều tự truyện ra mắt bạn đọc và đã được quảng bá rộng rãi trên các phương tiện truyền thông: “Vàng Anh và Phượng Hoàng” của diễn viên- ca sĩ Hoàng Thùy Linh, “Cỏ hạnh phúc” của ca sĩ người Hàn gốc Việt Hari Won… Độc giả tự hỏi: Có gì đáng để đọc trong những tự truyện của những nghệ sĩ hầu như không có thành tựu nghề nghiệp? Rõ ràng, tự truyện đang được các nghệ sĩ trẻ sử dụng như một công cụ truyền thông, để gây chú ý với dư luận và tiếp thị bản thân. Đáng buồn cho một bộ phận ngành xuất bản giờ cũng bị cuốn theo cơn lốc tiền và tai tiếng. 

CÁT ĐẰNG

Chia sẻ bài viết