21/07/2018 - 15:01

Từ quyền lực mềm đến quyền lực cứng

Chủ tịch Trung  Quốc Tập Cận Bình đang có chuyến công du qua các nước gồm Các Tiểu vương quốc A-rập Thống nhất (UAE), Senegal, Rwanda, Nam Phi và Mauritius. Ngoại trừ Nam Phi là nơi ông Tập dự hội nghị thượng đỉnh nhóm BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi), các nước còn lại nằm trong kế hoạch mở rộng và phát triển sáng kiến “Vành đai, Con đường” (BRI) của Bắc Kinh. Hoàn cầu Thời báo cho biết chuyến xuất ngoại nhiều ngày lần này của Chủ tịch Tập đặt trọng tâm vào việc quảng bá các dự án BRI.

Điểm đến đáng chú ý nhất của ông Tập là UAE, nơi các doanh nghiệp Trung Quốc có nhiều dự án phát triển kết cấu hạ tầng, trong đó có cảng Khalifa, xây dựng và bảo trì các mỏ dầu khổng lồ. UAE có lẽ là quốc gia đầu tiên tại Trung Đông tham gia các dự án BRI của Trung Quốc. Tại Diễn đàn hợp tác Trung Quốc và các quốc gia A-rập hôm 10-7 ở Bắc Kinh, Chủ tịch Tập cam kết dành khoản vay 20 tỉ USD cùng gói viện trợ 106 triệu USD cho các quốc gia Trung Đông, điều này đánh dấu BRI chính thức bước vào khu vực giàu dầu mỏ. Các khoản vay và viện trợ của Trung Quốc thường được coi là tấm ván lót đường cho BRI bành trướng tham vọng.

Theo tờ Breibart, BRI là sáng kiến kết nối kết cấu hạ tầng toàn cầu, nơi mà Trung Quốc đang tìm cách xây dựng và kiểm soát các mạng lưới cảng biển, sân bay, đường bộ và đường sắt mới nhất và lớn nhất thế giới. Trong tiến trình này, Trung Quốc “nhử” các nước đang phát triển bằng những khoản vay không thể trả với lãi suất cao và đánh đổi quyền kiểm soát kết cấu hạ tầng trọng yếu của con nợ kiệt quệ. Như trường hợp Sri Lanka đã buộc phải trao quyền kiểm soát cảng Hambantota cho Trung Quốc hồi tháng 12-2017 để trừ nợ. Bên cạnh đó, thông qua các khoản vay và viện trợ, Trung Quốc dễ dàng xuất khẩu trang thiết bị vật tư-công nghệ (kể cả lạc hậu), nhân lực và quyền bảo hành các dự án mà họ hợp tác đầu tư.

Bộ Ngoại giao Mỹ nhiều lần lên án BRI là mối đe dọa đối với sự ổn định thế giới và cảnh báo các nước đang phát triển đừng vay nợ của Trung Quốc. Viết trên tờ The Diplomat, giáo sư J Xiaochen Su bình luận rằng kiểu cho vay của Trung Quốc là một “dạng thức mới của chủ nghĩa đô hộ kiểu mới”. Nói một cách nhẹ nhàng hơn, nhà phân tích Bonnie Girard cho rằng các khoản vay và viện trợ dễ dãi của Trung Quốc là “quyền lực mềm” nhưng nó sẽ trở thành “quyền lực cứng” khi những nước tiếp nhận không thể thanh toán món nợ khổng lồ của mình. Quyền lực mềm của hôm nay sẽ là quyền lực cứng của ngày mai

 ĐỨC TRUNG

Chia sẻ bài viết