25/06/2018 - 21:08

Từ ngất đến đột tử 

Một bệnh nhân lên cơn đột tử bị hôn mê sâu đang được các bác sĩ Khoa Hồi sức tích cực chống độc Bệnh viện (BV) Đa khoa TP Cần Thơ theo dõi chặt chẽ diễn tiến bệnh.

Anh N. được cấp cứu kịp thời, đang điều trị tiếp tục tại Khoa Hồi sức tích cực chống độc BV Đa khoa TP Cần Thơ.

Gần 2 giờ sáng 12-6, anh Nguyễn V. N. (45 tuổi, ở tỉnh Vĩnh Long, đang thăm người thân điều trị tại BV Phụ sản TP Cần Thơ) đột ngột khó thở, người tím tái và bị ngất. Anh được các bác sĩ tại đây cấp cứu khỏi tình trạng ngưng tim rồi chuyển qua BV Đa khoa TP Cần Thơ tiếp tục điều trị.

Bác sĩ CKI Trịnh Thanh Tâm, Phó Trưởng Khoa Hồi sức tích cực chống độc – Trưởng ê kíp can thiệp tim mạch BV Đa khoa TP Cần Thơ cho biết, bệnh nhân N. bị ngất do rối loạn nhịp thất hội chứng đột tử ban đêm, tên khoa học là Hội chứng Brugada. Đây là hội chứng thường gặp ở nam giới, có tính di truyền, là hội chứng gây rối loạn nhịp tim, gây tử vong rất cao.

Theo các thống kê, đây là bệnh hiếm gặp, tỷ lệ xấp xỉ 4- 5 /10.000 người và tần suất cao hơn ở châu Á. Biểu hiện thường gặp là những cơn đánh trống ngực, nhịp tim không đều. Nhiều người bệnh nhưng không hề có triệu chứng nên ít được chẩn đoán sớm. Những cơn ngất không rõ nguyên nhân, không theo một chu kỳ nào, có khi chính là những biểu hiện sớm và duy nhất của bệnh. Nhiều trường hợp bệnh nhân ngừng tim đột ngột do rối loạn nhịp thất dẫn đến tử vong.

Hiện nay, phương pháp điều trị được chứng minh có hiệu quả nhất là cấy máy phá rung tự động (ICD). Khi hiện tượng rung thất xảy ra máy sẽ phá rung bằng xung điện theo lập trình được cài đặt sẵn để đưa nhịp tim về bình thường.

Theo bác sĩ Trịnh Thanh Tâm, khi có người thân cùng huyết thống (đặc biệt ở nam giới như cha và các anh em trai) có hội chứng này hoặc bị đột tử không rõ nguyên nhân, hoặc có những cơn ngất thì bắt buộc phải đi thăm khám với bác sĩ chuyên khoa tim mạch và thực hiện các phương pháp cận lâm sàng cần thiết. 

THU SƯƠNG

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
đột tử