17/08/2018 - 09:31

Từ một lớp học đờn ca 

Lớp bồi dưỡng kiến thức Đờn ca tài tử (ĐCTT) 2018 do Trung tâm Văn hóa TP Cần Thơ phối hợp với Trung tâm Thực hành và truyền dạy ĐCTT TP Hồ Chí Minh tổ chức vừa kết thúc. 119 học viên của Cần Thơ được cấp chứng chỉ sau 3 tháng học tập. Niềm đam mê, yêu thích của người học, là sự tận tâm, nhiệt huyết của người dạy và nỗ lực của các đơn vị tổ chức… góp phần truyền nghề và giữ lửa ĐCTT trong đời sống hiện đại.

Một tiết mục diễn báo cáo trong lễ bế giảng.

Tham dự buổi bế giảng lớp bồi dưỡng kiến thức ĐCTT, nhiều đại biểu thỏa lòng khi các học viên diễn báo cáo ở nhiều lứa tuổi, nghề nghiệp: từ cô bé 10 tuổi hát vọng cổ nhịp đôi, cụ bà tuổi 60 ca 2 lớp xang xừ líu, trích đoạn cải lương do 4 người biểu diễn, hợp ca thể điệu “Nam Xuân” do tất cả các học viên thể hiện... Đặc biệt, dàn đờn hỗ trợ có tới 16 học viên lớp đờn trong khóa học này. Những tiết mục diễn báo cáo có thể chưa đạt tới độ xuất sắc, chín mùi trong ca, diễn như những nghệ nhân chuyên nghiệp, nhưng ở họ toát lên tinh thần học tập, biểu diễn nghiêm túc và nhiệt huyết. Thành quả đạt được lớn nhất của học viên là niềm vui, sự tự tin sau khi được đào tạo bài bản, như lời chia sẻ của bà Nguyễn Thị Cẩm Thuần, 60 tuổi: “Trước giờ tôi tự học, tự ca. Sau khi học xong lớp này, tôi biết cách ca sao cho đúng nhịp, đúng giọng, biết được đầy đủ các thể điệu của ĐCTT nên tự tin hơn”.

Khai giảng vào tháng 5-2018, lớp bồi dưỡng kiến thức ĐCTT do Nghệ nhân ưu tú Hoàng Tấn của Trung tâm Thực hành và truyền dạy ĐCTT TP Hồ Chí Minh giảng dạy. Các học viên được hướng dẫn học và thực hành các kỹ năng đờn và ca tài tử, cải lương; các thể điệu của 20 bài bản tổ, vọng cổ từ nhịp đôi đến nhịp 32, các bộ nhạc: Tứ Bửu, Ngũ Châu, Bát Ngự... Ngoài các học viên do các quận, huyện, xã, phường cử đi học, còn có nhiều học viên tự do từ các nơi hay tin cũng đăng ký tham gia. Lớp học miễn phí, giáo viên uy tín, học vào cuối tuần nên số lượng học viên ngày càng tăng, từ chưa đến 100 người tuần đầu tiên, cuối cùng theo học là gần 180 người.

Học viên nhỏ nhất 10 tuổi và cao nhất gần 80 tuổi, có người chân yếu, đi lại khó khăn hay nhiều người ở Thốt Nốt, Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ, Thới Lai… vẫn chăm chỉ đến lớp. Tiêu biểu như bà Huỳnh Thị Khánh, 55 tuổi, ở xã Thới Thạnh, huyện Thới Lai. Được địa phương cử đi học, sau ngày đầu tiên, bà rủ thêm 2 cô cháu gái là Bùi Thị Như Ý, 11 tuổi (cháu nội) và Huỳnh Kim Cương, 10 tuổi (cháu gọi bằng bà cô) cùng đi học. Hằng tuần, từ sáng sớm, 3 bà cháu bắt xe buýt đi học, không nghỉ ngày nào. Đặc biệt, bé Kim Cương khi kiểm tra cuối kỳ đạt 9,75 điểm và được chọn biểu diễn báo cáo trong lễ bế giảng. Ông Trương Văn Sành, 73 tuổi, đến từ Câu lạc bộ ĐCTT phường An Thới, quận Bình Thủy, cho biết: “Tôi học được nhiều điều mới, biết thêm nhịp ngoại, các bài Nam, các bộ nhạc… Qua đó, giúp tôi nâng cao kỹ thuật ca hát và càng thêm hiểu, thêm yêu bộ môn nghệ thuật này”. Trong khi đó, chị Trần Thị Ngọc Điệp, công chức văn hóa xã hội phường Bình Thủy, quận Bình Thủy cùng các cán bộ của phường đến với lớp học không chỉ để vun bồi kiến thức âm nhạc mà còn mong muốn gầy dựng phong trào ĐCTT ở địa phương. Chị Điệp cho biết: “Hiện phường Bình Thủy chưa có câu lạc bộ ĐCTT nào. Sau khóa học này, tôi và các đồng nghiệp dự định xây dựng câu lạc bộ tạo sân chơi cho những người yêu thích ĐCTT ở địa phương”.

Trình độ, kiến thức về ĐCTT của người học không đồng đều, số lượng học viên tăng lên nhiều so với dự kiến ban đầu… là những khó khăn không nhỏ đối với giáo viên và Ban Tổ chức. Tuy nhiên, với sự phối hợp tốt giữa Trung tâm Văn hóa TP Cần Thơ cùng Trung tâm Thực hành và truyền dạy ĐCTT TP Hồ Chí Minh, khóa học đạt được mục tiêu đề ra. Đóng góp rất lớn cho thành công của khóa học là Nghệ nhân ưu tú Hoàng Tấn, các trợ giảng, nhạc công, nghệ sĩ đến từ Trung tâm Thực hành và truyền dạy ĐCTT TP Hồ Chí Minh. Nhiều năm qua, đơn vị đã tổ chức rất nhiều lớp bồi dưỡng kiến thức ĐCTT miễn phí ở nhiều nơi. Theo Nghệ nhân ưu tú Hoàng Tấn, các học viên tại Cần Thơ có tinh thần học tập và yêu thích ĐCTT. Sau khóa học, Ban Tổ chức sẽ thành lập Ban Liên lạc giữa lớp học với các thầy cô để tiếp tục hỗ trợ các học viên khi cần thiết.

* * *

Bà Nguyễn Thị Ánh Lê, Giám đốc Trung tâm Văn hóa TP Cần Thơ, cho biết: “Hằng năm, thành phố đều tổ chức các lớp truyền nghề về ĐCTT nhưng với quy mô nhỏ. Đây là lần đầu tiên chúng tôi phối hợp tổ chức lớp bồi dưỡng kiến thức ĐCTT thu hút đông đảo học viên tham gia như thế này. Lớp bồi dưỡng nhằm hiện thực hóa đề án “Bảo tồn và phát huy nghệ thuật ĐCTT Nam bộ tại TP Cần Thơ, giai đoạn 2016-2020”. 119 học viên được cấp giấy chứng nhận, trong đó có 78 học viên đạt loại giỏi, sẽ là những hạt nhân góp phần lan tỏa và phát triển phong trào ĐCTT cho địa phương”.

Bài, ảnh: LỆ THU

Chia sẻ bài viết