22/04/2008 - 09:36

Tự hào, trăn trở và tin tưởng...

Ngày 19-4-2008 đã đi vào lịch sử ngành thông tin viễn thông của Việt Nam nói riêng và của cả dân tộc nói chung. Việt Nam chính thức trở thành 1 trong 93 quốc gia có vệ tinh riêng trên vũ trụ! Hàng triệu trái tim con dân nước Việt gần như “rơi lệ” khi chứng kiến giờ phút thiêng liêng: cách hàng vạn dặm tại Trung tâm vũ trụ châu Âu đặt tại Kourou (Nam Mỹ), vệ tinh Vinasat-1 đã rời bệ phóng bay vào vũ trụ thành công.

Chúng ta tự hào vì sau bao nhiêu năm mong chờ, đến nay Việt Nam đã chính thức ghi tên trong danh sách những nước có vệ tinh riêng được phóng vào vũ trụ. Hình ảnh phóng vệ tinh Vinasat-1 được các phương tiện truyền thông thế giới đưa tin giúp cho bạn bè quốc tế có cái nhìn mới hơn về một Việt Nam đổi mới và phát triển. Việc phóng thành công vệ tinh Vinasat-1 giúp chúng ta gần như hoàn toàn chủ động trong việc khai thác các thông tin phục vụ phát triển kinh tế- xã hội và an ninh quốc phòng. Và đặc biệt, với việc phóng vệ tinh Vinasat-1, Việt Nam đã khẳng định chủ quyền không gian của mình trên vũ trụ.

Trong niềm tự hào to lớn ấy, nhiều người Việt Nam cũng đang mang theo nỗi trăn trở: Bao giờ Việt Nam có thể tự chế tạo thành công các thiết bị với công nghệ hiện đại như vệ tinh Vinasat-1, đưa nước ta tiến đến thịnh cường, sánh vai với các cường quốc trên thế giới?

Chỉ làm một phép so sánh giản đơn nhiều người có thể nhận thấy rằng giá trị (tính bằng tiền) làm ra trên số dân của chúng ta hiện vẫn còn quá khiêm tốn. Lĩnh vực dệt may là một ví dụ điển hình. Mấy năm qua, dệt may luôn luôn là một trong hai mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu cao nhất của nước ta, đạt khoảng 5 tỉ USD/năm. Nhưng để làm ra 5 tỉ USD đó (Việt Nam chỉ thu về khoảng 1,5 tỉ USD) phải cần đến công sức của cả triệu công nhân. Trong khi đó, ở các nước phát triển, chỉ cần bán một con chíp máy tính người ta đã thu về cả ngàn USD; một cái máy điện thoại di động sản xuất trong vòng 2 tiếng có giá trị bằng mấy tấn lúa hoặc mấy ngàn sản phẩm dệt may. Tính ra, giá trị sản xuất sản phẩm/lao động của ta và các nước phát triển đang chênh lệch ở mức 1- 20; thậm chí 1- 100. Trở lại với vệ tinh Vinasat-1, chúng ta phải đặt hàng của một công ty Mỹ với giá 300 triệu USD. Để có được 300 triệu USD ấy, chỉ cần mấy trăm con người làm trong vòng hơn một năm. Còn ta, mấy chục triệu nông dân “một nắng hai sương” suốt một năm cũng chỉ xuất khẩu được vài tỉ USD.

Tất nhiên, mọi sự so sánh đều là khập khiễng. Mỗi nước có hoàn cảnh lịch sử riêng; có điều kiện, có thế và lực phát triển riêng. Song, xét về truyền thống và niềm tự hào dân tộc, không vì thế mà chúng ta không dám suy nghĩ và không dám hy vọng về sự vươn lên, sánh vai cùng các cường quốc năm châu. Người Việt Nam về độ thông minh không kém gì các nước khác. Tại sao người Nhật, người Hàn Quốc, người Trung Quốc... có thể phát minh, sáng chế, sản xuất những sản phẩm có hàm lượng khoa học- công nghệ và giá trị kinh tế cao được cả thế giới thừa nhận, còn người Việt Nam thì lại không? Chúng ta càng tự hào bao nhiêu về lịch sử oai hùng của dân tộc, về sự kiện lần đầu tiên Việt Nam có vệ tinh trên vũ trụ, thì chúng ta - nhất là thế hệ trẻ – cũng không thể không cảm thấy trăn trở khi nước ta vẫn còn là một nước nghèo, chưa thể vươn lên góp mặt với bạn bè quốc tế như là một quốc gia có nền kinh tế- công nghệ phát triển.

Dân tộc nào cũng có ưu điểm và những tồn tại, khiếm khuyết. Nhưng điều quan trọng là có biết và có dám nhận những tồn tại, khiếm khuyết đó để tìm cách sớm khắc phục, để làm cuộc bứt phá vươn lên hay không. Với bản lĩnh Việt Nam, với trí tuệ Việt Nam, với tinh thần đại đoàn kết, với niềm tự hào dân tộc cháy bỏng, chúng ta hoàn toàn tin tưởng trong một tương lai không xa, Việt Nam sẽ trở thành một Con Rồng Châu Á trên nhiều lĩnh vực kinh tế- khoa học- công nghệ. Khi đó, Vinasat không phải hoàn toàn do Mỹ hay do một nước Tây Âu sản xuất mà sẽ do chính những con người Việt Nam sản xuất. Tại sao không? Chúng ta tự hào, chúng ta trăn trở và chúng ta tin tưởng!

LÊ HÀ

Chia sẻ bài viết