02/02/2018 - 10:13

Tự hào Chiến thắng Ông Cửu! 

Hôm nay, 2-2-2018, cùng với hoạt động chào mừng 88 năm Ngày thành lập Đảng (3/2/1930 - 3-2-2018), kỷ niệm 50 năm Cuộc Tổng tiến công  và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, UBND quận Cái Răng đưa vào sử dụng khu di tích lịch sử “Địa điểm chiến thắng của Tiểu đoàn Tây Đô tại rạch Ông Cửu năm 1968” (gọi tắt là Chiến thắng Ông Cửu). 50 năm trôi qua, Chiến thắng Ông Cửu vẫn luôn là niềm tự hào của người dân Cần Thơ nói chung, quận Cái Răng nói riêng. Khu di tích còn là nơi thể hiện sự tiếp nối truyền thống của quê hương anh hùng.

Chiến công hào hùng

Giữ vững lời thề sắt đá “Ra đi là chiến thắng, đánh là tiêu diệt”, sau khi được thành lập vào ngày 24-6-1964, Tiểu đoàn Tây Đô liên tiếp tổ chức nhiều trận đánh địch lớn, nhỏ trên khắp các địa bàn tỉnh Cần Thơ, tiêu diệt nhiều sinh lực địch. Trận đánh tại Ông Hào (Phong Điền), Ông Đưa (Thới Lai)… là những chiến công chói lọi của Tiểu đoàn Tây Đô anh hùng. Và, sẽ là thiếu sót nếu không nhắc đến chiến thắng của Tiểu đoàn Tây Đô tại rạch Ông Cửu (Cái Răng) vào năm 1968- chiến thắng góp phần quan trọng làm rạng danh trang sử của Tiểu đoàn Tây Đô cũng như quân- dân Cái Răng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Tuổi trẻ phường Thường Thạnh tham quan, tìm hiểu lịch sử tại khu di tích Chiến thắng Ông Cửu. Ảnh: HUỲNH MAI

Tuổi trẻ phường Thường Thạnh tham quan, tìm hiểu lịch sử tại khu di tích Chiến thắng Ông Cửu. Ảnh: HUỲNH MAI

Tháng 5-1968, được sự chỉ đạo của cấp trên, Tiểu đoàn Tây Đô tổ chức đợt II- Tổng tấn công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Nổi bật cho đợt II này là trận đánh tại rạch Ông Cửu, thuộc ấp Thạnh Huề, xã Thường Thạnh, huyện Châu Thành B (nay là khu vực Thạnh Hòa, phường Thường Thạnh, quận Cái Răng) vào ngày 10-6-1968. Chiến thắng Ông Cửu nối tiếp những chiến công của Tiểu đoàn Tây Đô anh hùng, đánh bại cuộc hành quân “Tìm diệt” của Sư đoàn 21 thuộc Vùng IV chiến thuật của chính quyền Sài Gòn.

Trận chiến diễn ra phức tạp, ta và địch tranh chấp quyết liệt, giành giật từng công sự, bờ mương. Địch chiếm ưu thế về quân số, mạnh về hỏa lực, vũ khí hiện đại: pháo binh mặt đất, xe M113, các loại máy bay ném bom… Nhưng với tinh thần “Ra đi là chiến thắng, đánh là tiêu diệt”, sau 1 ngày chiến đấu, những người lính Tây Đô anh dũng đã tiêu diệt Tiểu đoàn 2, làm thiệt hại nặng 2 Tiểu đoàn khác của Trung đoàn 33, Sư đoàn 21 của ngụy. Quân ta đã tiêu diệt khoảng 500 tên địch, bắn rơi trực thăng, thu nhiều súng các loại và nhiều quân trang, quân dụng…

Chiến thắng Ông Cửu không chỉ thể hiện sự trưởng thành, lớn mạnh của Tiểu đoàn Tây Đô về trình độ tác chiến từ phòng ngự sang xuất kích tiêu diệt địch, mà còn thể hiện sự mưu trí, kiên cường của những người lính Tây Đô, sự sát cánh của quân- dân… Chiến thắng Ông Cửu đã giáng đòn sấm sét vào địch, góp phần cùng quân và dân miền Nam đánh bại kế hoạch “Tìm diệt và bình định”, phá sản chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ ở miền Nam.

Trong trận chiến này, những người con của đất mẹ Cần Thơ như Hồ Công Xoàng (Đại đội trưởng Đại đội 23), Nguyễn Văn Sang (Trinh sát Tiểu đoàn), Trần Văn Miên (Trung đội phó- Đại đội 23)… đã anh dũng ngã xuống trên cánh đồng Ông Cửu- Bà Vèn. Máu các đồng chí đã đổ để quê hương được thanh bình, làm dày thêm những trang sử vàng của mảnh đất Tây Đô. 50 năm qua, Tổ quốc, quê hương vẫn luôn ghi công và gìn giữ ngọn lửa hùng anh cháy mãi…

Tiếp nối truyền thống

Nhà sát khu di tích Chiến thắng Ông Cửu, chứng kiến từ ngày khởi công và nay đã cận kề ngày khánh thành, ông Võ Chí Trung (tự Sáu Hộ) xúc động, nôn nao. Là cựu chiến binh, ông Sáu Hộ càng trân quý những chiến công của Tiểu đoàn Tây Đô tại quê hương mình và thấu hiểu những giá trị thiêng liêng của khu di tích này. “Xứng đáng lắm! Người dân Thường Thạnh sẽ có nơi hun đúc và phát huy tinh thần cách mạng khi qua lại khu di tích này”- ông Sáu Hộ nói.

Khu di tích Chiến thắng Ông Cửu được xây dựng trên diện tích hơn 6.000m2, bao gồm các hạng mục: Lễ đài trung tâm, Tượng đài và phù điêu, Nhà truyền thống, Bến tàu… Công trình do UBND quận Cái Răng làm chủ đầu tư với kinh phí gần 19 tỉ đồng. Với thiết kế các hạng mục, cảnh quan thông thoáng, trang nghiêm mà gần gũi, khu di tích hứa hẹn sẽ là điểm tham quan thu hút người dân và du khách.

Ông Bùi Hữu Sang, Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin quận Cái Răng, cho biết: Địa phương xác định công trình Di tích Chiến thắng Ông Cửu có ý nghĩa trong giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ nên sớm có những biện pháp nhằm phát huy giá trị di tích. Hiện tại, Tổ Quản lý Di tích Chiến thắng Ông Cửu đã được thành lập với 5 thành viên, đảm bảo việc chăm sóc, bảo quản và phục vụ khách tham quan.

Phòng Văn hóa và Thông tin cũng đã có kế hoạch liên tịch với Trung tâm Xúc tiến Du lịch, Quận Đoàn Cái Răng và phường Thường Thạnh về giáo dục truyền thống, đưa giới trẻ đến tìm hiểu về di tích… “Ngoài ra, chúng tôi cũng sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan đưa Khu di tích Chiến thắng Ông Cửu vào các tour, tuyến tham quan du lịch”- ông Bùi Hữu Sang thông tin. Chuỗi điểm đến như: Chợ nổi Cái Răng- Hiệp Thiên Cung- Đình Thường Thạnh- Di tích Chiến thắng Ông Cửu… hứa hẹn sẽ là trải nghiệm thú vị khi đến Cái Răng.

***

Đường về Cái Răng, Thường Thạnh, Ông Cửu… những ngày cuối năm rợp sắc cờ hoa. Tượng đài Chiến thắng Ông Cửu sừng sững giữa cánh đồng “chìm trong biển lửa” 50 năm trước là minh chứng cho lòng yêu nước, tinh thần đấu tranh giải phóng dân tộc kiên cường của người Cần Thơ, mà tiêu biểu là Tiểu đoàn Tây Đô anh hùng. Nửa thế kỷ trôi qua, Chiến thắng Ông Cửu- xiết bao tự hào!

HUỲNH MAI

Có tham khảo thông tin từ Lý lịch Di tích Chiến thắng Ông Cửu do Bảo tàng TP Cần Thơ thực hiện, 2013.

Chia sẻ bài viết