24/10/2017 - 06:00

Từ điểm tựa truyền thống, tự hào bước tới tương lai 

Hôm nay, 24-10-2017, Báo Hànộimới long trọng tổ chức kỷ niệm 60 năm ra số hằng ngày đầu tiên (24/10/1957-24/10/2017). Nhân dịp này, Báo Cần Thơ trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Nguyễn Hoàng Long, Bí thư Đảng ủy, Tổng Biên tập Báo Hànộimới.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải (đứng, thứ hai từ trái qua) thăm quy trình làm báo của Báo Hànộimới.

Trải qua 60 năm xây dựng, phát triển, các thế hệ cán bộ, phóng viên, nhân viên Báo Hànộimới đã có nhiều đóng góp tích cực cho sự nghiệp đấu tranh thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát triển Thủ đô. Tự hào về lịch sử của đơn vị Anh hùng Lao động, mỗi cán bộ, phóng viên, nhân viên Báo Hànộimới sẽ tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang, không ngừng nỗ lực để Báo Hànộimới luôn mới, thực sự là tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô.

Báo Hànộimới là tờ báo Đảng địa phương mang tầm cả nước có truyền thống lịch sử rất vẻ vang. Được làm việc, cống hiến và trưởng thành trong một cơ quan như vậy là niềm vinh dự, tự hào nhưng cũng là thử thách không nhỏ đối với mỗi người.

Truyền thống vẻ vang 60 năm của Báo với rất nhiều huân, huy chương và cao nhất là danh hiệu Anh hùng Lao động, luôn là một “sức ép” thường xuyên đối với mỗi việc làm của mọi cán bộ, phóng viên, nhân viên. Phải làm gì đây để những trang sử vẻ vang ấy tiếp tục được viết rực rỡ thêm trong tương lai?

Cùng với những bước phát triển rất nhanh của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, báo chí đã, đang và sẽ chịu nhiều tác động mạnh mẽ và trực diện. Sự phát triển phong phú của các công cụ truyền thông hiện đại; sự thay đổi trong xu hướng phát triển báo chí (báo điện tử dần thay thế truyền hình và báo in); sức ép về cạnh tranh thông tin giữa các cơ quan báo chí với nhau, giữa các cơ quan báo chí chính thống với thông tin đa chiều trên mạng xã hội… đòi hỏi phải thay đổi mạnh mẽ về quản lý, tổ chức hoạt động nghiệp vụ, cách đưa thông tin cũng như các hoạt động kinh tế báo chí. Chặng đường phát triển Báo Hànộimới những năm sắp tới sẽ được định hình trong bối cảnh như vậy.

Để hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ được giao, đáp lại sự tin tưởng của bạn đọc, Báo Hànộimới đã có những định hướng phát triển hết sức bài bản, cụ thể và đang từng bước tiến hành đổi mới toàn diện với phương châm “Chủ động, chuyên nghiệp, hiệu quả, nhân văn”. Thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng bộ cơ quan Tòa soạn Báo Hànộimới nhiệm kỳ 2015 - 2017, hai năm qua Đảng ủy Báo Hànộimới đã ban hành và triển khai thực hiện 5 chương trình công tác toàn khóa với 15 đề án cụ thể. Đây chính là những định hướng phát triển cụ thể về toàn diện hoạt động của Báo trong những năm tới và xa hơn. Một số kết quả bước đầu đạt được trong thực hiện những định hướng này là rất khả quan, nhưng nhiệm vụ của chặng đường sắp tới cũng hết sức nặng nề, đòi hỏi phải tiếp tục nỗ lực cao hơn nữa.

Trước hết, như tên gọi “Đổi mới, nâng cao chất lượng các ấn phẩm Báo Hànộimới giai đoạn 2016-2020” (Chương trình công tác số 02-CTr/ĐU-HNM), Báo không ngừng đổi mới kết cấu nội dung, hình thức trình bày, cách chuyển tải thông tin… để nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh thông tin ở cả 3 nhóm ấn phẩm: báo in hằng ngày, báo điện tử và các ấn phẩm chuyên san. Là tờ báo Đảng của Thủ đô, các ấn phẩm của Hànộimới tập trung phản ánh nhanh - chính xác - chuẩn mực về kết quả thực hiện các nhiệm vụ phát triển Thủ đô cũng như muôn mặt đời sống của thành phố. Đồng thời, Báo cũng quan tâm thông tin về các địa phương trong cả nước, nhất là Vùng Thủ đô, để vừa đáp ứng nhu cầu của bạn đọc, vừa góp phần thực hiện tốt quan điểm phát triển “Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội”. Các ấn phẩm chính của Báo còn phải tăng cường lượng thông tin xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, tuyên truyền đối ngoại, đấu tranh chống quan điểm sai trái, những biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa...

Theo đó, báo điện tử sẽ tập trung đổi mới để hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ thông tin các sự kiện thời sự; nâng sức cạnh tranh để tăng nhanh lượng truy cập, thu hút quảng cáo tạo hiệu quả kinh tế.

Trên cơ sở thực tiễn thời gian qua, báo in hằng ngày tiếp tục bám sát nhu cầu thông tin để phục vụ tốt hơn nữa các cán bộ, đảng viên, bí thư chi bộ, tổ trưởng dân phố… ở cơ sở, và đặc biệt là các đảng viên trên 50 năm tuổi Đảng.

Các ấn phẩm chuyên san của Báo Hànộimới từng bước đổi mới theo hướng khẳng định rõ đặc trưng chuyên san, chuyên đề trong từng ấn phẩm, đồng thời nâng cao hiệu quả tuyên truyền và hiệu quả kinh tế.

Yêu cầu đặt ra hàng đầu trong quá trình đổi mới là mọi hoạt động nghiệp vụ phải chuyên nghiệp, hiệu quả hơn; các ấn phẩm phải giữ đúng vị thế, tôn chỉ, mục đích của Báo Hànộimới, song lại phải hấp dẫn bạn đọc hơn và sớm hình thành mô hình tòa soạn hội tụ.

Về hoạt động kinh tế báo chí, bên cạnh việc  “Nâng cao hiệu quả hoạt động dịch vụ quảng cáo, phát hành các ấn phẩm Báo Hànộimới và các hoạt động kinh tế báo chí, giai đoạn 2016-2020” (Chương trình 03-CTr/ĐU-HNM), Báo sẽ tập trung “Nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng cơ sở vật chất và nghiên cứu triển khai dự án xây dựng trụ sở mới của Báo Hànộimới 2016-2020” (Chương trình số 05 - CTr/ĐU-HNM).

Việc xây dựng và phát triển cơ quan được thực hiện trên cơ sở định hướng của hai chương trình công tác “Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở Đảng và chất lượng đảng viên; hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các phòng, ban; và chất lượng hoạt động của các tổ chức chính trị cơ sở” (Chương trình số 01 - CTr/ĐU-HNM) và “Xây dựng cơ quan Báo Hànộimới văn hóa, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tham nhũng” (Chương trình số 04 -CTr/ĐU-HNM). Báo sẽ tiến hành đồng bộ các biện pháp nhằm tăng cường công tác xây dựng Đảng, đoàn thể trong cơ quan, tạo dựng nền nếp quản lý khoa học, kỷ cương, hiệu quả, đáp ứng tốt hơn yêu cầu thực hiện nhiệm vụ trong giai đoạn mới theo tinh thần “5 rõ” (rõ người, rõ việc, rõ quy trình, rõ trách nhiệm và rõ hiệu quả). Công tác xây dựng đội ngũ của Báo là khâu đột phá nên được tiến hành công khai, dân chủ, tuân thủ theo nguyên tắc “vì việc chọn người” và đúng các quy định về công tác cán bộ.

Kỷ niệm 60 năm Ngày Báo Hànộimới xuất bản số báo hằng ngày đầu tiên là một dấu mốc quan trọng và tự hào của những người làm báo Đảng Thủ đô. Truyền thống vẻ vang của đơn vị là điểm tựa, là nguồn cổ vũ động viên to lớn để đội ngũ hôm nay đoàn kết, sáng tạo tự tin viết tiếp trang sử vẻ vang mà các thế hệ đi trước đã tạo dựng.

Đêm 19-12-1946, Toàn quốc kháng chiến bùng nổ. Ba ngày sau (22-12), tờ Thủ đô của Ủy ban Kháng chiến khu XI ra mắt chỉ 2 trang khổ 20 x 30cm in giấy đen, đăng tin chiến sự nhà Majestic, trường Bưởi, Sainteny bị thương, kêu gọi dè sẻn đạn… Báo tồn tại đến đầu năm 1947.

Duy trì tiếng nói của kháng chiến trong thành phố, tờ Dân ý của nhóm Vũ Đức Toa (Muỗi Sài Gòn), Hoàng Công Khanh… ra đời, sống được 5 số. Xuất bản bí mật có Tiến lên của Quận ủy nội thành, Lao động của ban Công vận, Nhựa sống của Đoàn Học sinh kháng chiến, Quăng súng của Ban Địch vận… Tia sáng, tờ báo đang sống khỏe đình bản năm 1954, chủ báo đi Nam, tin ở kỳ hạn tổng tuyển cử sau 2 năm của hiệp định Geneve nên để lại máy in Rotative mới mua và rất nhiều giấy.

11-10-1954: là ngày ra số 1 của Thời mới, tờ báo tư nhân được Việt Minh góp tay, cũng có thể coi là tục bản của Tia sáng vì “bê” hầu hết phóng viên tờ này về làm.

Hà Nội hàng ngày

Ra tháng 7-1955 trên 4 trang khổ 52 x 41cm, tòa soạn tại 28 Lê Thái Tổ. Đây là nhật báo thứ hai của Hà Nội, thứ ba của miền Bắc. 

Thủ đô - tờ báo của Thành ủy

Dù mang đặc thù Hà Nội, Thời mới, Hà Nội hàng ngày đều là báo tư nhân. Theo nghị quyết thời Bí thư Thành ủy Trần Danh Tuyên, Thủ đô, tiếng nói chính thức của Đảng bộ thành phố chuẩn bị ra đời. Ban phụ trách lâm thời gồm các nhà báo Bùi Hạnh Cẩn, Phạm Viết, Lê Hưng, Hải Ly. Báo có trụ sở ở 6 Hai Bà Trưng, Tổng Biên tập đầu tiên là ông Đinh Nho Khôi vốn là Chủ nhiệm Báo Cứu quốc, Trưởng ban Quốc tế Báo Nhân Dân, làm tới năm 1968. Sau gần một năm báo nới khổ lên 32,5 x 47cm, tăng diện phát hành, phóng viên được bồi dưỡng nghiệp vụ.

Thủ đô Hà Nội - tờ báo hợp nhất đầu tiên

Hà Nội hàng ngày sống không mấy “mạnh khỏe” nên hợp nhất với Thủ đô theo thông tư ngày 9-12-1958 của Thành ủy. Tên báo Thủ đô Hà Nội do Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt, ghép từ măng sét hai tờ báo. Báo ra 4 trang khổ lớn 40 x 60cm, trụ sở vẫn ở 6 Hai Bà Trưng, số 1 ra ngày 1-1-1959.

Hợp nhất lần thứ hai: Hànộimới

Thời mới mặc dù đang bán chạy, ra cả ngoại tỉnh, nhưng là báo tư nhân nên vẫn bị phân biệt, phóng viên khó tham dự nhiều sự kiện lớn. Do vậy, nhu cầu hợp nhất Thời mới với Thủ đô Hà Nội để có tờ báo chính thức của Đảng bộ thành phố là tất yếu.

Hànộimới lấy tên ghép từ hai tờ trên, đóng ở 44 Lê Thái Tổ đến ngày nay. Như vậy, Hànộimới giai đoạn trước khi hợp nhất với Báo Hà Tây là kết quả của sự hợp nhất từ ba nguồn chính Thủ đô, Hà Nội hàng ngày và Thời mới. Tài sản, nguồn nhân lực, bộ máy cộng tác viên… của cả ba tòa soạn trên từ đây góp phần quan trọng làm nên truyền thống 60 năm cho tờ báo Đảng của Thủ đô.

Hoàng Định 

Nguyễn Hoàng Long
Bí thư Đảng ủy, Tổng Biên tập Báo Hànộimới

Chia sẻ bài viết