11/09/2017 - 13:47

Từ “Dạ cổ tri âm” nghĩ về tương lai của cải lương 

Từ tháng 5-2017, cứ ngày 17 hằng tháng, Đoàn Nghệ thuật tổng hợp Tiền Giang tổ chức chương trình “Dạ cổ tri âm” tại rạp hát Thầy Năm Tú- rạp hát cải lương đầu tiên của nước ta. Các nghệ sĩ Tiền Giang và nhiều nghệ sĩ đến từ TP Hồ Chí Minh, Đồng Tháp, Long An… đã tề tựu về “cái nôi” cải lương để diễn lại những trích đoạn cải lương xưa.

Thế hệ trẻ vẫn còn nhiều em rất yêu thích cải lương. Trong ảnh: Học sinh Cần Thơ biểu diễn trích đoạn “Tiếng trống Mê Linh” trong chương trình “Sân khấu học đường”. Ảnh: DUY KHÔI

Khán giả còn được nghe về lịch sử hình thành và phát triển của cải lương; hiểu hơn về đời nghệ sĩ từ xưa đến nay. Những trích đoạn “Lá sầu riêng”, “Tiếng trống Mê Linh”, “Cờ nghĩa Giồng Sơn Quy”… được tái diễn trong sự chăm chú, say sưa của rất đông khán giả. Qua 4 kỳ phát sóng, ngày 17 hằng tháng đã trở thành ngày hội của người mộ điệu cải lương đất Tiền Giang. Rủ nhau đi coi hát- không khí tưởng chỉ còn trong ký ức nay được hồi sinh.

Nhắc đến cải lương, nhiều người vẫn nghĩ: “Giờ, ai mà coi!”. Nói vậy thật chủ quan, nếu không nói bất nhẫn cho một loại hình nghệ thuật dân tộc. Người Nam bộ vẫn yêu quý cải lương, vẫn thổn thức khi cung Oán cung Nam trỗi điệu. Chỉ có điều, cách để đem cải lương đến với bữa ăn tinh thần của người hiện đại phải được đổi mới.

Nỗ lực của các nghệ sĩ Tiền Giang thật đáng ghi nhận, bởi được biết, kinh phí cho mỗi đêm diễn đều từ kinh phí hoạt động của đoàn. Nghệ sĩ đã “nhường cơm xẻ áo” để sân khấu cải lương được sáng đèn. Điều này thật đáng trân trọng giữa thời “gạo châu củi quế”.

Nhìn lại, ĐBSCL vẫn còn rất nhiều đoàn nghệ thuật cải lương, nhiều rạp hát, nhưng nghịch lý là khán giả muốn xem cải lương lại không biết xem ở đâu. Các đoàn cải lương bây giờ chủ yếu phục vụ theo chỉ tiêu được giao và cứ 3 năm thì dựng vở mới- theo đúng tiêu chí “thi để có giải” xong rồi… cất. Lãng phí! Ngay tại Cần Thơ, lâu lắm rồi khán giả vẫn chưa thể xem trực tiếp được trọn một vở tuồng do Đoàn Cải lương Tây Đô biểu diễn. Nhà hát Tây Đô cũng thường xuyên “tối đèn” thì trách sao khán giả không còn mê cải lương.

Dĩ nhiên, việc làm cải lương sống lại, được khán giả thời công nghệ số đón nhận phải có sự cộng lực, chung tay từ nhiều phía, song những người làm nghề- đặc biệt là các nhà quản lý- nên chăng tự “xốc vác” hàng đầu. Cách làm của Đoàn Nghệ thuật tổng hợp Tiền Giang thể hiện trách nhiệm của người nghệ sĩ, thật đáng trân trọng. Triết lý “mình phải tự cứu mình trước khi chờ người khác cứu” trong trường hợp này thật đúng!

Một vài câu chuyện lạc quan. Trong các chương trình truyền hình thực tế, những trích đoạn cải lương, màu sắc cải lương luôn được khán giả rất yêu thích. Những trích đoạn cải lương đan xen trong các chương trình nghệ thuật vẫn được giới trẻ chăm chú theo dõi. Hiện nay xuất hiện nhiều thiếu nhi có năng khiếu và ham thích cải lương… Đó là những tín hiệu vui cho cải lương. Còn tương lai của cải lương ra sao, phần nhiều câu trả lời có trong tư duy, tình yêu và trách nhiệm của người làm nghề và làm quản lý nghệ thuật. 

Đăng Huỳnh

Chia sẻ bài viết