31/01/2011 - 15:40

Từ cầu Cần Thơ - Ước vọng đất Chín Rồng!

* Bút ký: HÀ TRIỀU

... “Niềm hạnh phúc dâng trào”- là tâm trạng của hàng triệu người dân vùng sông nước Cửu Long mỗi khi nói đến cầu Cần Thơ, cây cầu dây văng kỳ vĩ có nhịp chính dài nhất Đông Nam Á chính thức đưa vào sử dụng. Gần 300 ngày qua, hiệu quả kinh tế, xã hội của cầu Cần Thơ mang lại vô cùng to lớn. Điều này càng khẳng định chắc chắn: Sự hiện diện của cầu Cầu Thơ đã tạo nên sắc vóc mới và còn hứa hẹn nhiều điều tốt lành cho vùng đất Chín Rồng cất cánh...

1... Một lần lướt web, tôi bỗng có ý định “cân sức nặng” cầu Cần Thơ với người “anh Hai” - cầu Mỹ Thuận. Vào địa chỉ www.google.com.vn, tôi gõ “cầu Cần Thơ” và nhấn phím enter. Google tìm trong 0,23 giây với khoảng 7,4 triệu kết quả “cầu Cần Thơ” bằng tiếng Việt. Tôi tìm cầu Cần Thơ bằng tiếng Anh (Can Tho Bridge) và được 215.000 kết quả trong vòng 0,22 giây. Với cầu Mỹ Thuận chỉ được 520.000 kết quả ở phép thử tiếng Việt và 13.900 kết quả ở phép thử tiếng Anh... “Một minh chứng cho “tiếng vang” của cầu Cần Thơ, của TP Cần Thơ và cả vùng ĐBSCL trong và ngoài nước?” - tôi tự hỏi.

Nhờ sự hiện diện của cầu Cần Thơ, bây giờ vùng đất đôi bờ sông Hậu: Vĩnh Long - Cần Thơ đã và đang chuyển mình mạnh mẽ. Phía bên bờ Vĩnh Long, khu công nghiệp và cảng Bình Minh có quy mô trên 130 ha với các ngành nghề ưu tiên thu hút đầu tư như: công nghiệp chế biến nông thủy sản; công nghiệp chế biến thực phẩm xuất khẩu; công nghiệp dệt-may; công nghiệp lắp ráp điện-điện tử; dịch vụ trung chuyển và vận chuyển (kho bãi, cảng)... Khu đô thị mới Bình Minh với quy mô 30ha có vị trí chiến lược trong cụm khu công nghiệp và cảng Bình Minh được trang bị các tiện ích như: trung tâm thương mại, trường học, nhà hàng, chung cư... đang là điểm đến đầy hấp lực. Phía bên bờ Cần Thơ, diện mạo của thành phố trẻ đổi thay với các công trình đang nhộn nhịp thi công xây dựng các dự án Khu dân cư Hưng Phú I, Khu dân cư Công ty Xây dựng 8... Trên trục lộ Nam sông Hậu, hướng mở rộng của TP Cần Thơ trong tương lai đang hình thành các khu đô thị như: Khu dân cư Nam Long, Khu dân cư 586, Khu đô thị tái định cư Phú An... Đặc biệt, các Khu công nghiệp Hưng Phú 1, Hưng Phú 2A, Hưng Phú 2B đang được đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tạo quỹ “đất sạch” cho các nhà đầu tư...

Cầu Cần Thơ đến thời điểm này đã có gần 300 ngày chính thức đi vào hoạt động. Chỉ với ngần ấy thời gian, đã có bao sự đổi thay trong nhận thức của mỗi con người vùng ĐBSCL. Bạn Nguyễn Tấn Trường, sinh viên Đại học Y dược Cần Thơ, bày tỏ: “Trước đây, các bạn cùng trang lứa với mình bảo nhau: ra trường xong, tụi mình hẹn gặp ở Sài Gòn tìm việc! Sẽ có nhiều cơ hội cho tụi mình kiếm được việc làm tốt, thu nhập cao”. Nhưng giờ đây, Trường nói: TP Cần Thơ - một thành phố trẻ đang chuyển mình với tốc độ đô thị hóa khá nhanh là một minh chứng sinh động đâu dễ dàng từ bỏ để ra đi tìm miền đất hứa khác.

 Cầu Cần Thơ rực rỡ trong đêm. Ảnh: ĐỖ CHÍ THIỆN

Quê của Trường ở huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp, có anh trai theo học ngành quản trị kinh doanh - Đại học Cần Thơ, lúc ấy ba mẹ định mua một căn nhà ở TP Cần Thơ để họ sinh sống và lập nghiệp. Tuy nhiên, anh em Trường phản đối với một lý do duy nhất: Cách trở đò giang (phà Cần Thơ). Vậy mà giờ đây: “Mình đã chọn TP Cần Thơ làm quê hương thứ hai rồi!” - Trường thổ lộ.

Cầu Cần Thơ đang mang lại những lợi ích hết sức thiết thực cho vùng châu thổ Cửu Long trù phú. Ông La Minh Hồng, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thương nghiệp tổng hợp Cần Thơ, cho biết: Hoạt động thương mại của Cần Thơ đang nhộn nhịp hẳn lên. Sức mua tại các cửa hàng, siêu thị trên địa bàn thành phố, đặc biệt vào các ngày cuối tuần, ngày lễ tăng rất mạnh. Lý do, theo ông Hồng - chính cầu Cần Thơ! Cây cầu đang có sức hút mãnh liệt với du khách đến tham quan và chọn các cửa hàng, siêu thị tại TP Cần Thơ làm nơi dừng chân, mua sắm. Với các doanh nhân ở phía Tây sông Hậu, cầu Cần Thơ đã đem lại lợi ích không nhỏ như tiết kiệm rất nhiều thời gian, chi phí cho con người và vận chuyển hàng hóa. Ông Trần Văn Phẩm, Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Sóc Trăng (Stapimex), tính toán: “Trước đây, vào mùa cao điểm dịp cuối năm, để đưa hàng lên cảng Sài Gòn, công ty phải sử dụng 10 xe đầu kéo container. Bây giờ, cũng với lượng hàng như vậy, do chủ động được thời gian, công ty chỉ dùng từ 6-7 xe đầu kéo chuyển hàng”. Theo ông Phẩm, hiện nay, 1 xe đầu kéo container có giá khoảng 1,5 tỉ đồng. Nếu nhân số lượng đầu kéo container của các doanh nghiệp phải bỏ tiền ra mua phương tiện vận chuyển này, nhất là các doanh nghiệp xuất khẩu ở ĐBSCL thì con số sẽ là rất lớn. Ngoài ra, như ông Phẩm nói: “Khi còn phà Cần Thơ, hàng trăm xe, với hàng ngàn con người bị kẹt hằng ngày tại bến phà, ở góc độ kinh tế nếu quy đổi ra giá trị tiền xăng, ra số giờ làm việc 8 tiếng/ngày/người. Có lẽ, sẽ không có con số học nào là đáp án cho bài toán hiệu quả lớn lao của cầu Cần Thơ ...”.

2. Bác Hai (Huỳnh Văn Thanh), cán bộ hưu trí, ngụ phường An Khánh, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ, kể: Ngày 24-4-2010 (là ngày khánh thành cầu Cần Thơ) bác không thể nào quên! Hôm đó, đèo bác Hai gái sau lưng trên chiếc xe mô tô 50 phân khối, len lỏi giữa dòng người đi xem công trình thế kỷ, đến được nhịp chính cầu Cầu Thơ, dừng xe, nhìn xuống phía hai bên chân cầu, bác Hai không giấu niềm vui, niềm phấn khởi. Nắm tay bác gái, bác Hai trai nói trong xúc cảm: “Bà ơi! Rồi đây đồng bằng mình phát triển nhanh lắm!”... Như bác Hai lý giải, ngày trước, vì “đò giang cách trở”, vùng ĐBSCL đã bỏ lỡ biết bao nhiêu cơ hội để phát triển.

Cũng chính vì lẽ đó, dù là vùng đất xuất khẩu gạo, thủy hải sản đứng đầu cả nước, nhưng ĐBSCL vẫn còn một trong những nơi nghèo nhất nước. Cầu Cần Thơ đi vào hoạt động, nối thông phần còn lại của vựa lúa; mở toang giao thông thuận lợi cho 7 tỉnh tiểu vùng Tây sông Hậu (An Giang, Kiên Giang, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau), nơi hàng năm sản xuất trên 11 triệu tấn lúa, chiếm 54,1% tổng sản lượng lúa và gần 1 triệu tấn thủy sản, chiếm 52,4% sản lượng thủy sản cả vùng châu thổ Nam bộ... Và cùng với cầu Cần Thơ, cùng với những công trình giao thông mang tính chất nối kết đồng bằng đang hình thành, các địa phương tiểu vùng Tây sông Hậu sẽ ngày càng khẳng định vị thế với tiềm năng, thế mạnh của vùng.

Sự hiện diện của cầu Cần Thơ cũng đồng nghĩa với bến phà Cần Thơ chấm dứt sứ mệnh lịch sử gần 100 năm đưa, rước khách qua đôi bờ sông Hậu. Ngần ấy thời gian, biết bao biến cố xảy ra, tình người nơi bến phà sinh sôi, nẩy nở. Đâu dễ nào quên! Những câu chuyện như mới ngày nào về những chuyến phà cần mẫn luôn là tâm điểm của anh em Công ty TNHH một thành viên Quản lý, khai thác cầu Cần Thơ. “Mỗi lần khi gió mùa Đông Bắc kéo về cũng là lúc phà Cần Thơ vào một trong những đợt cao điểm của năm. Tất cả cán bộ, công nhân viên gần như trực 24/24 giờ, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng ùn tắc giao thông tại hai bên bến phà. Những đêm giao thừa, không khí làm việc càng cật lực hơn, khẩn trương hơn. Bởi tất cả anh em đều mong, một chuyến phà kịp thời đưa bà con đón cái Tết sum họp với gia đình” - anh Lê Mạnh Trường, Trưởng trạm Thu phí cầu Cần Thơ, Công ty TNHH một thành viên Quản lý, khai thác cầu Cần Thơ”- chia sẻ.

“Nhưng quy luật của sự phát triển, “bỏ bắc, lên cầu” là điều tất yếu! Chính vì thế, tôi luôn động viên anh em trong công ty phải cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ trong môi trường mới. Điều này cũng là để sống thật với chính ký ức tốt đẹp của mình về bến phà Cần Thơ” - ông Phan Quang Dự, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Quản lý, khai thác cầu Cần Thơ -tâm sự. Hiện nay, hơn 170 công nhân viên Cụm phà Cần Thơ - Hậu Giang được giữ lại làm việc tại Công ty TNHH một thành viên Quản lý, khai thác cầu Cần Thơ, ai cũng phấn đấu học tập nâng cao trình độ chuyên môn để quen dần với nhiệm vụ mới. Tại Trạm Thu phí cầu Cần Thơ, hơn 90 cán bộ công nhân viên luôn nỗ lực đáp ứng yêu cầu công việc. Anh Lê Mạnh Trường, Trưởng trạm Thu phí cầu Cần Thơ, cho biết: Trước đây, tại bến phà, các bộ phận từ bán vé, kiểm soát vé... gần như thủ công. Bây giờ, hoạt động điều phối cầu Cần Thơ 100% bằng máy móc. Tuy nhiên, với nỗ lực và tinh thần học hỏi không ngừng, các nhân viên tại trạm thu phí đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ, dù các phương tiện giao thông qua cầu Cần Thơ tăng 5-10% so với thời điểm phà Cần Thơ còn hoạt động. Bây giờ, Trạm Thu phí cầu Cần Thơ là đơn vị đầu tiên trên cả nước thực hiện thí điểm dịch vụ trạm thu phí không dừng khi xe qua cầu Cần Thơ, càng đòi hỏi các nhân viên tại trạm thu phí không ngừng nâng cao trình độ để hoàn thành tốt nhiệm vụ.

3. Dì Út định cư bên Úc hồi năm 1990. Khi đã dành dụm được số vốn kha khá, với kinh nghiệm trong lĩnh vực ẩm thực, dì muốn về Cần Thơ đầu tư xây dựng nhà hàng. Trong những lá thư tay viết cho tôi, dì luôn nhắc tới ý tưởng này. Dì bày tỏ: “Khi xa quê hương mới thật sự cảm nhận cái nghèo khó, cái cơ cực của người dân vùng mình. Dì cũng như nhiều kiều bào khác chỉ mong muốn góp một phần nhỏ bé của mình để xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp hơn”. Trong thư, dì hỏi: “Cầu Cần Thơ khánh thành rồi phải không? TP Cần Thơ mình thay đổi nhiều lắm hả? Dì muốn về thực hiện ước mơ!”... Tôi có nhiều điều muốn nói, muốn kể với dì... Cầu Cần Thơ bắc qua sông Hậu, nối đôi bờ Vĩnh Long và TP Cần Thơ. Đôi bờ này đã và đang được khoác chiếc áo mới rạng rỡ hơn, tươm tất hơn. Với các khu đô thị, khu công nghiệp mới hình thành, đôi bờ Vĩnh Long - Cần Thơ đã và đang từng bước khẳng định vị thế trong sự phát triển chung của đất nước...

Tôi cùng nhóm bạn đến từ Hà Nội ngồi trên chiếc du thuyền dạo trên sông Hậu! Những câu chuyện ngày xưa của chúng tôi cứ rôm rả. Khi ngang qua cây cầu thế kỷ, con trai tôi bi bô: “Cầu Cần Thơ hả ba! Đẹp quá! Đẹp quá!”. Tất cả chúng tôi đều dõi mắt theo tay thằng bé chỉ. Ánh trăng đêm rằm tháng Chạp phản chiếu ánh sáng lung linh ánh đèn từ cầu Cần Thơ. Cầu Cần Thơ hiện lên như một con rồng sắp sửa chuyển mình uốn lượn trên sóng nước Cửu Long.

Đêm tĩnh mịch, tôi ngồi viết thư cho dì Út: “...Cần Thơ mình đang thay đổi hằng ngày dì à! Con hy vọng, dì sớm thu xếp công việc về lại quê hương. Chắc chắn dì sẽ nhận ra nơi đây sẽ có nhiều cơ hội làm ăn. Đầu tư vào TP Cần Thơ hay đầu tư vào đồng bằng mình cũng là giúp người dân có việc làm, thay đổi cuộc sống như niềm mong mỏi của dì”...

* * *

Năm mới bắt đầu! Rồi đây: “Phương Nam Tổ quốc ánh lên một viên ngọc sáng. Điểm tô thêm sắc màu cho đất mẹ Việt Nam”(*)... Vâng, chúng ta có quyền hy vọng cho đất Chín Rồng cất cánh tương xứng với sắc vóc và tầm ảnh hưởng của chiếc cầu Cần Thơ.n

------------

(*) Bài hát “Cần Thơ một khúc ca”, nhạc sĩ Phạm Tuyên.

Chia sẻ bài viết