16/06/2018 - 07:17

Trưởng thành sau những chuyến đi… 

Những chương trình giao lưu văn hóa, trao đổi sinh viên đã mở cơ hội để sinh viên Cần Thơ gặp gỡ, học tập, trao đổi kinh nghiệm với bạn bè quốc tế. Làm cách nào để có cơ hội tham gia các chương trình và học hỏi tri thức mới là điều nhiều bạn trẻ quan tâm.

Cơ hội đến từ sự nỗ lực

Mới đây, Nguyễn Hữu Gia Bảo, sinh viên ngành Ngôn ngữ Anh, Trường Đại học Cần Thơ (ĐHCT) đã có chuyến đi đến Singapore dự hội nghị nối tiếp chuyến tham quan học tập từ “Học bổng YSEALI dành cho thủ lĩnh trẻ Đông Nam Á, học kỳ mùa xuân 2018”, do Trường Đại học Kennesaw (Mỹ) và Trường Đại học Yale-NUS (Singapore) phối hợp tổ chức, dành cho các bạn trẻ có những dự án mang lợi ích cho cộng đồng. Trước đó, Gia Bảo từng tham gia chương trình này tại Mỹ trong tháng 2 và tháng 3-2018. “Thời trung học phổ thông, điều tôi quan tâm là đi học và đạt thành tích cao trong học tập. Sau đó, tôi nhận ra giỏi tiếng Anh là chưa đủ, cần có những trải nghiệm học tập ở các nước. Và việc ứng tuyển tham gia các chương trình giao lưu là cơ hội giúp tôi trưởng thành hơn”- Gia Bảo chia sẻ.

Gia Bảo đã có 6 chuyến xuất ngoại đến Philippines, Campuchia, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ và Singapore. Ngoài các hoạt động trao đổi sinh viên, Bảo tìm cơ hội ra nước ngoài bằng cách tham gia các cuộc thi viết về ASEAN, giáo dục, bảo vệ môi trường… do các trường đại học nước ngoài tổ chức. Để có những kỹ năng cho các hoạt động, Gia Bảo tích cực tham gia, làm tình nguyện viên trong các chương trình quốc tế tổ chức ở trường, thành phố, như: Diễn đàn thủ lĩnh sinh viên Đông Nam Á, Trại hè Tuổi trẻ sáng tạo, Hội thảo Du học Mỹ… Bên cạnh đó, Bảo tổ chức nhiều hoạt động tình nguyện cho các thành viên Câu lạc bộ (CLB) Tiếng Anh. Trong đó, Bảo hướng các thành viên CLB vào những mục tiêu phát triển bền vững, tìm cơ hội học tập, làm việc ở nước ngoài. Gia Bảo cho biết: “Các hoạt động giao lưu ở các trường đại học nước ngoài thường yêu cầu ứng viên có sự hiểu biết về ASEAN, toàn cầu hóa, những vấn đề thế giới đang đối mặt… Thế nên những hoạt động tình nguyện gắn với chuyên ngành đã giúp nhiều thành viên CLB có cơ hội ra nước ngoài giao lưu, học tập...”.

Gia Bảo (bìa trái) đã tự tìm nhiều suất học bổng tham dự các chương trình do các trường đại học nước ngoài tổ chức. Trong ảnh: Gia Bảo trong chuyến đi Mỹ.
Gia Bảo (bìa trái) đã tự tìm nhiều suất học bổng tham dự các chương trình do các trường đại học nước ngoài tổ chức. Trong ảnh: Gia Bảo trong chuyến đi Mỹ.

Phạm Thị Thùy Linh, sinh viên ngành Kỹ thuật môi trường khóa 41, Trường ĐHCT vừa có chuyến trải nghiệm tại Trường Đại học Songkhla (Thái Lan) trong chương trình học tập ngắn hạn, do Khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên cử đi. 4 năm qua, Thùy Linh đã giữ vững thành tích học tập xuất sắc, cao nhất khối ngành Kỹ thuật môi trường. Đồng thời tham gia tập sự, thực hiện nhiều dự án bảo vệ môi trường ở các công ty. Thùy Linh tham gia tích cực vào nghiên cứu khoa học ở trường, các cuộc thi, hoạt động xã hội và từng đạt nhiều thành tích: Giải Nhất cuộc thi “Sinh viên với biến đổi khí hậu” do Trường ĐHCT tổ chức; giải Nhất khu vực ĐBSCL và giải Ba toàn quốc cuộc thi “Dynamic- Sinh viên nhà doanh nghiệp tương lai năm 2017”;  nhóm 5 dự án xuất sắc nhất tại vòng bán kết cuộc thi “INSEE  Prize 2018”… Theo Thùy Linh, sau chuyến đến Thái Lan, Trường Đại học Songkhla cho biết sẽ hỗ trợ học bổng nếu Linh muốn học chương trình thạc sĩ tại trường.

Cuối năm 2017, Nguyễn Quốc Toàn, sinh viên ngành Khoa học máy tính Trường Đại học Kỹ thuật– Công nghệ (KT-CN) Cần Thơ có chuyến trải nghiệm 7 ngày ở Trường Đại học Rajabhat Rajanagarindra (Thái Lan). Theo Quốc Toàn, để đạt tiêu chuẩn về ngoại ngữ, Toàn luôn nỗ lực tự học tiếng Anh. Hằng ngày, Toàn dành 2 giờ để tự luyện tiếng Anh. Bên cạnh đó, Toàn cũng tích cực tham gia hoạt động để rèn luyện các kỹ năng, như: Chiến dịch thanh niên tình nguyện hè, tổ chức Tết Trung thu cho trẻ có hoàn cảnh đặt biệt khó khăn, làm tình nguyện viên các chương trình giao lưu quốc tế… “Lúc qua Thái Lan, tôi rất bỡ ngỡ, gặp nhiều khó khăn trong giao tiếp với sinh viên các nước vì tiếng Anh chưa giỏi. Tôi sẽ rèn luyện thêm tiếng Anh để sau khi ra trường có cơ hội sang Đài Loan du học. Đó cũng là động lực để tôi học ngoại ngữ”- Quốc Toàn chia sẻ.

Cho và nhận 

Theo Phạm Thị Thùy Linh, khi mới đến Trường Đại học Songkhla, Linh giao tiếp bằng tiếng Anh rất khó khăn. Các sinh viên Thái Lan đã tạo cho Linh và các bạn cảm giác gần gũi, thân thiện nên vài ngày sau nhóm sinh viên Việt Nam đã hòa nhập được với mọi người. Linh và các bạn cũng mạnh dạn nói tiếng Anh ở mọi nơi, dù một giảng viên ở trường nói rằng các bạn cần cải thiện tiếng Anh để tự tin hơn trong lần gặp lại sau. “Tuy trình độ ngoại ngữ chưa tốt nhưng chúng tôi vẫn giới thiệu được với các bạn về ngôi trường mình đang theo học, về lịch sử, văn hóa của TP Cần Thơ. Quê tôi ở Đồng Tháp nên tôi mang theo một số món quà từ sen, như: hạt sen, trà sen… Các sinh viên Thái Lan rất thích những món quà này và họ bày tỏ mong muốn đến với đất nước, con người Việt Nam”- Linh hào hứng kể.

Nhiều lần giao lưu với giảng viên, sinh viên các nước, Nguyễn Hữu Gia Bảo đã có cơ hội chia sẻ về văn hóa, ẩm thực Việt Nam nói chung và TP Cần Thơ nói riêng. Sau các chuyến đi, Bảo nhận ra rằng các quốc gia đều giữ gìn được bản văn hóa dân tộc song song với việc tiếp thu những tinh túy của sự hiện đại. Trong đó thành phố Kyoto (Nhật Bản) là hình mẫu của sự phát triển hiện đại và truyền thống. Ở Kyoto, bên cạnh các tòa nhà cao tầng, lộng lẫy sắc màu là những ngôi nhà kiểu Nhật truyền thống được dùng làm nơi kinh doanh trà đạo, kimono và ẩm thực. Điều thú vị là khi khách du lịch muốn trải nghiệm các dịch vụ thì phải tuân theo các quy định của chủ nhà. Những chuyến đi cũng giúp Gia Bảo nhận ra trong thời đại toàn cầu hóa, kinh tế là chủ đề then chốt khi bạn bè ở các nước nói về Việt Nam. Gia Bảo kể: “Khi chúng tôi đến Mỹ, điều đầu tiên sinh viên, giảng viên các nước nhắc về Việt Nam là sự phát triển thần kỳ của kinh tế nước ta thời gian gần đây. Vì vậy, tôi nghĩ rằng sự giao lưu văn hóa thúc đẩy tôi nỗ lực nhiều hơn để có thể đóng góp xây dựng đất nước”.

Hai lần sang Thái Lan theo chương trình trao đổi sinh viên giữa Trường Đại học KT-CN Cần Thơ và Trường Đại học Rajabhat Rajanagarindra, Nguyễn Thị Phương Dung (sinh viên ngành Quản lý công nghiệp khóa 2) đã có nhiều trải nghiệm thú vị và để lại dấu ấn tốt đẹp với bạn bè quốc tế đến từ Thái Lan, Trung Quốc, Myanmar, Campuchia… Phương Dung kể: “Sinh viên các nước rất nhiệt tình, thân thiện. Họ mạnh dạn thể hiện năng lực cá nhân và tinh thần đoàn kết rất cao. Điều đó thể hiện rất rõ qua các buổi biểu diễn văn nghệ truyền thống giữa các nước và tham gia trò chơi tập thể, các lớp học thủ công. Giao lưu với họ, tôi như được truyền thêm năng lượng tích cực để thúc đẩy mình năng động, nhanh nhẹn hơn”.

 Đầu tháng 3-2018, Phương Dung là một trong những tình nguyện viên đón tiếp các sinh viên Thái Lan đến TP Cần Thơ tham gia Hội trại truyền thống 26-3 với chủ đề “Giao lưu văn hóa, văn nghệ Việt Nam – Thái Lan – Nhật Bản”. Trong chương trình, Phương Dung và các bạn trong CLB Tiếng Anh Trường Đại học KT-CN Cần Thơ đã giới thiệu đến các sinh viên Thái Lan những cảnh đẹp, lịch sử TP Cần Thơ. Các bạn chọn nhà của một sinh viên ở huyện Thới Lai để các sinh viên Thái làm nơi ăn nghỉ, trải nghiệm cuộc sống ở miền Tây sông nước qua những hoạt động: mặc áo bà ba ra đồng, thu hoạch trái cây, chèo xuồng, làm bánh dân gian... Theo Phương Dung, các hoạt động giao lưu đã giúp Dung và các sinh viên Thái Lan hiểu về văn hóa của nhau nhiều hơn, cũng như nâng cao khả năng ngoại ngữ, có thêm nhiều kỹ năng về giao tiếp, xử lý tình huống, kỹ năng tự bảo vệ bản thân, tự lập…

Theo nhiều sinh viên, để có được những cơ hội giao lưu, học tập ở nước ngoài, trong quá trình học tập, các sinh viên cần xây dựng tốt mối quan hệ với giảng viên để được tư vấn, giới thiệu về các chương trình; theo dõi một số trang mạng tổng hợp các cơ hội đi nước ngoài… Bên cạnh đó, một trong những điều sinh viên cần có trong các chuyến giao lưu, học tập ở nước ngoài là sự tự tin. Vì tự tin sẽ giúp các bạn mạnh dạn tham gia các hoạt động, giao tiếp với bạn bè các nước và giải quyết những khó khăn trong hành trình. Nguyễn Hữu Gia Bảo chia sẻ: “Theo tôi, tìm cơ hội đi giao lưu, học tập ở nước ngoài không khó. Cái khó là chúng ta cần tạo thêm được những giá trị cho bản thân ngoài việc học giỏi, nói tiếng Anh tốt. Đó là những hoạt động hướng tới lợi ích cộng đồng mà nhiều chương trình đòi hỏi các ứng viên có sự trải nghiệm cũng như định hướng sắp tới cho các hoạt động vì cộng đồng”.

PHẠM TRUNG

Chia sẻ bài viết