12/03/2017 - 13:12

Trường học dành cho các cụ bà ở Ấn Độ

Tọa lạc tại làng Fangane, bang Maharashtra, Aajibaichi Shaala hay còn được gọi với cái tên thân thiện "Trường của các bà nội ngoại" là nơi dạy những phụ nữ đã hơn 60 tuổi cách đọc, cách viết.

Ngôi trường đặc biệt này mở cửa 6 ngày/tuần, vào mỗi buổi chiều. Do đó, học viên có thể làm xong việc nhà hoặc việc đồng áng trước khi đến lớp. "Tôi trước hết phải hoàn thành tất cả công việc nhà rồi mới đi học. Rất mừng khi ngôi trường này mọc lên tại làng của chúng tôi" – cụ Drupada Pandurangkedar, 70 tuổi, vui mừng nói với Reuters.

Các học viên đang lên lớp tại trường Aajibaichi Shaala. Ảnh: IB Times

Học cụ của trường là bảng chữ cái được sơn trên những viên gạch để các học viên mắt kém có thể đọc được dễ dàng, cùng với những dụng cụ khác do học viên tự làm. Và các học viên đến trường đều mặc sari truyền thống Ấn Độ màu hồng.

Đa số học viên theo học tại Aajibaichi Shaala đều nói rằng họ đã có được sự tự tin sau khi tham gia các lớp học tại đây, đặc biệt là có cơ hội quen nhiều bạn mới. "Kể từ khi trường mở cửa, chúng tôi thật sự rất vui. Chúng tôi đến lớp, ngồi cùng nhau và tận hưởng không khí bầu bạn ở đây" – học viên Janabai Daji Kedar nói. Còn học viên Keshavtupange thì cho biết: "Đầu gối tôi không được khỏe, nên tôi không thể ngồi dưới sàn lâu được. Đó là vấn đề duy nhất. Tuy nhiên, ngày nào tôi cũng đi học". Dilip Dalal, người sáng lập Tổ chức Từ thiện Motiram Dalal, nơi hỗ trợ việc thành lập trường, vui mừng nói rằng tất cả các học viên đều rất ham học hỏi và tiến bộ qua từng ngày.

Sheetal Prakash More, giáo viên 30 tuổi của trường, cho hay cô hy vọng phụ nữ ở những làng khác cũng được đến trường như vậy. "Những giáo viên khác dạy trẻ con. Duy chỉ có tôi có cơ hội được dạy những phụ nữ lớn tuổi. Bạn có thể dạy trẻ bằng cách hét lên hoặc thậm chí la mắng chúng nhưng bạn không thể làm điều đó với các cụ bà. Bạn phải dạy đi dạy lại cho họ bằng tất cả tình yêu và sự kiên nhẫn. Một số cụ bà khó có thể nghe những gì bạn giảng và một số không thể nhìn thấy những gì bạn viết, vì vậy bạn phải đến gần họ và dạy đi dạy lại. Song, đây là một cơ hội tuyệt vời và tôi cảm thấy rất vui khi được dạy họ" - cô Sheetal tâm sự.

Theo thống kê mới nhất, tỷ lệ biết chữ ở Ấn Độ đã tăng lên 74% vào năm 2011. Tuy nhiên, tỷ lệ biết đọc biết viết của phụ nữ và nam giới vẫn còn "một trời một vực". Một báo cáo hồi 2011 cho biết chỉ khoảng 65% phụ nữ biết đọc biết viết, trong khi con số đó ở nam giới là 82%. Các chuyên gia và nhà nghiên cứu giáo dục nhận định, một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ biết chữ giữa phụ nữ và nam giới ở Ấn Độ chênh lệch như vậy đó là tư tưởng trọng nam khinh nữ và tình trạng tảo hôn.

TRÍ VĂN (Theo IB Times, Reuters)

Chia sẻ bài viết