15/08/2017 - 10:02

Bà Trần Hồng Thắm, Giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo TP Cần Thơ:

Trường điển hình đổi mới là nền tảng để nâng cao chất lượng giáo dục 

Năm học 2016-2017 là năm đầu tiên ngành giáo dục TP Cần Thơ thực hiện thí điểm Trường điển hình đổi mới. Qua 6 tháng triển khai mô hình Trường điển hình đổi mới tại một số trường,  tư duy giáo dục hiện đại đã lan tỏa, thúc đẩy phong trào thi đua dạy tốt, học tốt. Bà Trần Hồng Thắm, Giám đốc Sở GD&ĐT TP Cần Thơ, cho biết: 

Giám đốc Sở GD&ĐT TP Cần Thơ Trần Hồng Thắm.

- Thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW ngày 4-11-2013 của Ban Chấp hành Trung ương về đổi mới căn bản toàn diện GD-ĐT, ngành giáo dục thành phố Cần Thơ đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để nâng cao toàn diện chất lượng giáo dục ở các bậc học. Trong đó có Trường điển hình đổi mới- là điểm được tập trung chỉ đạo tổ chức triển khai nhiều hoạt động cụ thể hóa đổi mới tư duy giáo dục trong thực hiện chương trình các bậc học, cấp học, các chuyên đề theo chỉ đạo của ngành. 

Qua đó, tạo bước chuyển biến cơ bản, vững chắc và toàn diện về chất lượng giáo dục các cấp học sau năm 2018; cũng là nền tảng để nâng cao chất lượng GD&ĐT của thành phố.

Ngành xây dựng mỗi cấp học 1 Trường điển hình đổi mới gồm: Mầm non Hướng Dương, THCS Châu Văn Liêm (quận Ô Môn); Tiểu học Ngô Quyền (quận Ninh Kiều); THPT Bùi Hữu Nghĩa (quận Bình Thủy).

Kinh phí đầu tư cho mỗi trường gần 6,8 tỉ đồng. Đây là các đơn vị tiên phong trong việc đổi mới phương pháp dạy và học, tổ chức hoạt động giáo dục điển hình, sử dụng hiệu quả các thiết bị dạy học và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, dạy học; cán bộ quản lý, giáo viên đạt chuẩn; chất lượng giảng dạy từng bước nâng lên. Đây là mô hình mẫu đại diện cho từng cấp học để từ đó nhân rộng ra toàn hệ thống giáo dục mầm non và phổ thông của thành phố trong những năm tiếp theo.   

* Qua 6 tháng thực hiện Trường điển hình đổi mới, ngành có gặp khó khăn? Giải pháp khắc phục ra sao, thưa bà?

- Do đây là năm đầu tiên thực hiện Trường điển hình đổi mới nên cán bộ quản lý, giáo viên các trường đều bỡ ngỡ; phải vừa làm vừa học. Tính chủ động thực hiện nhiệm vụ chưa đồng đều trong đội ngũ cán bộ quản lý và tổ chuyên môn, vẫn còn hiện tượng làm cho xong việc. Đó là do nhận thức của một bộ phận cán bộ quản lý và giáo viên về nhiệm vụ xây dựng trường điển hình đổi mới chưa sâu, chưa xác định được ý nghĩa quan trọng của mô hình.

Bên cạnh đó, việc xây dựng Trường điển hình đổi mới đòi hỏi trường lớp phải đạt chuẩn quốc gia, đáp ứng tốt nhu cầu dạy và học. Đó là chưa kể vấn đề tạo sự đồng thuận trong học sinh, phụ huynh, vì áp dụng chương trình mới, học sinh phải thay đổi theo lối học trải nghiệm sáng tạo, phát huy khả năng tư duy và độc lập của các em…

Một tiết học thực hành ROBOTICS của học sinh Trường Tiểu học Ngô Quyền. Ảnh: THU HẰNG

Những khó khăn đó từng bước được khắc phục bởi ngành đã có bước chuẩn bị chu đáo, từ khâu xây dựng bộ tiêu chí đến ban hành khung kế hoạch cụ thể, chặt chẽ. Ngành giáo dục thành phố còn đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị đảm bảo triển khai các hoạt động giáo dục theo định hướng lấy học sinh làm trung tâm như: bổ sung một số bàn ghế phù hợp phương pháp dạy- học mới; đầu tư thiết bị giáo dục; hỗ trợ kinh phí hợp đồng giáo viên người nước ngoài; kinh phí thêm giờ cho giáo viên tổ chức các hoạt động trải nghiệm sáng tạo… 

Qua 6 tháng thực hiện, ở bậc trung học, hoạt động của tổ chuyên môn, của đội ngũ giáo viên chủ nhiệm dần đi vào nề nếp; năng lực dạy và học, đặc biệt là kỹ năng tổ chức các hoạt động trải nghiệm của giáo viên được nâng lên; thái độ thân thiện, tích cực trong học tập, hoạt động phong trào của học sinh thay đổi rõ rệt.

Ở bậc tiểu học, ngành mời chuyên gia tập huấn cho giáo viên về dạy học theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực học sinh; tổ chức các hoạt động trải nghiệm theo năng lực, sở thích của học sinh (STEM- ROBOTICS); thỉnh giảng giáo viên người nước ngoài dạy học sinh giao tiếp tiếng Anh; dạy bơi lội... Nhờ vậy, học sinh thực hành kỹ năng nghe- nói tiếng Anh tốt hơn, tăng cường kỹ năng sống và năng động hơn.

* Thưa bà, hướng phát triển Trường điển hình đổi mới là gì?

- Hiện nay, Sở GD&ĐT TP Cần Thơ đã được UBND TP Cần Thơ phê duyệt kế hoạch xây dựng Trường điển hình đổi mới trên địa bàn TP Cần Thơ giai đoạn 2018-2020. Tổng kinh phí thực hiện trên 89,2 tỉ đồng. Mục tiêu chung vẫn là tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng và hiệu quả GD-ĐT. Lộ trình thực hiện Trường điển hình đổi mới được cụ thể hóa.

Năm 2018, thành phố thực hiện mô hình ở 9 trường (4 mầm non, 1 tiểu học; 2 trường THCS, 2 trường THPT); năm 2019 mở rộng thêm 18 trường (9 mầm non, 3 tiểu học; 3 trường THCS, 3 trường THPT); đến năm 2020 thực hiện cho 22 trường (8 mầm non, 5 tiểu học; 5 trường THCS, 4 trường THPT).

Để đạt mục tiêu trên, ngành tiếp tục trực tiếp chỉ đạo toàn diện, kiểm tra đôn đốc Trường điển hình đổi mới thực hiện các nhiệm vụ. Các phòng chuyên môn trực thuộc hỗ trợ, chỉ đạo các đơn vị tiếp tục triển khai, nhân rộng mô hình; tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên đáp ứng yêu cầu thực hiện Trường điển hình đổi mới. Đồng thời tham mưu UBND thành phố cấp kinh phí và đề xuất lộ trình thực hiện Trường điển hình đổi mới trong những năm tiếp theo.

* Xin cảm ơn bà! 

B.KIÊN (thực hiện)

 
Chia sẻ bài viết