07/12/2018 - 19:44

Trung tâm cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung 

Việc bà Mạnh Vãn Châu, giám đốc tài chính (CFO) của tập đoàn công nghệ viễn thông hàng đầu Trung Quốc Huawei, bị Canada bắt giữ không đơn thuần liên quan đến hành vi công ty này vi phạm cấm vận Iran của  Mỹ, mà thực chất là sự khởi đầu cho một mặt trận mới - mặt trận trung tâm trong cuộc chiến thương mại khó có hồi kết giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Trung Quốc đã kịch liệt chỉ trích vụ bắt giữ con gái của nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi, nhưng cho biết Bắc Kinh  không muốn phá vỡ sự tiến triển trong tranh chấp thương mại với Washington. Người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc Cao Phong tỏ ý tin tưởng vào khả năng Mỹ-Trung sẽ đạt được thỏa thuận trong vòng 90 ngày “đình chiến thương mại” mà Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Donald Trump đưa ra tại Argentina mới đây.

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng vụ bắt giữ trên có thể không liên quan đến việc Huawei vi phạm lệnh trừng phạt Tehran của Washington, mà là bước leo thang đáng kể trong thương chiến Mỹ-Trung, làm dấy lên  nghi ngờ mới về 90 ngày “đình chiến” mong manh giữa hai nước. Hãng CNN nhận định việc bà Mạnh Vãn Châu bị bắt giữ đang mở ra một mặt trận mới trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, bởi việc chính quyền Trump đánh thuế hàng hóa của Trung Quốc là một phần trong nỗ lực ngăn chặn Bắc Kinh sử dụng công nghệ Mỹ một cách không công bằng thông qua các hành động đánh cắp hoặc ép buộc các công ty Mỹ chia sẻ bí mật thương mại. Nói cách khác, công nghệ là trung tâm trong cuộc chiến thương mại chống Trung Quốc của Mỹ.

Hãng Bloomberg thậm chí đánh giá việc bắt giữ “sếp lớn” của Huawei khiến cho dư luận có cảm giác đây là thương chiến thứ hai, sau cuộc chiến đánh thuế, giữa Mỹ và Trung Quốc. Cuộc chiến mới này thầm lặng hơn nhưng với những vũ khí  tinh vi và tàn phá hơn so với đánh thuế. Vũ khí của Mỹ là cấm xuất khẩu công nghệ và hạn chế đầu tư của doanh nghiệp công nghệ Trung Quốc. Mất lợi thế dẫn đầu trong cuộc đua công nghệ toàn cầu đồng nghĩa lợi nhuận thấp và ưu thế quân sự suy yếu. 

Huawei vì thế được coi là một trong những mục tiêu ngăn cản của các cơ quan trọng yếu Mỹ. Huawei vừa vượt qua hãng Apple của Mỹ để trở thành nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn thứ 2 thế giới sau Samsung, điều này đánh dấu sự thay đổi của các công ty Trung Quốc từ việc chỉ làm gia công lắp ráp có giá trị thấp đến phát triển năng lực cạnh tranh về thiết kế, chế tạo và quảng bá thương hiệu. Giới tình báo Mỹ coi Huawei là mối đe dọa an ninh quốc gia vì cho rằng tập đoàn này có liên hệ với các cơ quan an ninh và quân đội Trung Quốc. Nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi là cựu kỹ sư quân đội và trở thành một trong những doanh nhân thành công nhất của Trung Quốc. Cũng vì lý do an ninh, Mỹ kêu gọi các nước khác cấm Huawei phát triển dịch vụ viễn thông G5 và đã được nhiều quốc gia phương Tây hưởng ứng. Cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng John Bolton cho biết các tập đoàn công nghệ toàn cầu của Trung Quốc như Huawei sẽ là “chủ đề lớn” trong các cuộc đàm phán thương mại đang diễn ra giữa hai nước. 

Kế hoạch đầy tham vọng của Trung Quốc là vượt qua Mỹ để thống trị lĩnh vực công nghệ và lãnh đạo kinh tế toàn cầu. Do đó, rất ít có hy vọng Trung Quốc sẽ chấp nhận nhượng bộ ở các vòng đàm phán sắp tới và thỏa thuận “đình chiến thương mại” 90 ngày có thể chỉ là kế hoãn binh.

KIẾN HÒA

Chia sẻ bài viết