13/08/2017 - 17:05

Trung Quốc vung tiền khuếch trương sức mạnh mềm ở Malaysia 

Trung Quốc đang sử dụng một dự án đường sắt trị giá nhiều tỉ USD ở Malaysia để tranh thủ sự ủng hộ từ quốc gia Đông Nam Á này tại thời điểm mối quan hệ giữa Bắc Kinh với các nước khác trong khu vực đang căng thẳng.

Giới chức Malaysia và Trung Quốc quan sát mô hình ECRL. Ảnh: Reuters

Theo báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) của Hồng Công, Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Vương Dũng và Thủ tướng Malaysia Najib Razak hôm 9-8 đã dự lễ động thổ Tuyến đường sắt bờ Đông (ECRL) với tổng vốn đầu tư lên tới 13 tỉ USD.

Tuyến đường sắt dài 688 km, dự kiến được hoàn thành vào năm 2024 này sẽ kết nối phía Đông và phía Tây bán đảo Mã Lai. Giới chuyên gia nhận định, ECRL có thể sẽ làm thay đổi các tuyến thương mại trong khu vực hiện hành, vốn đi xuyên qua eo biển Malacca và Biển Đông thông qua cảng Singapore.

Đây là một trong những dự án nổi bật nhất trong chiến lược “Một vành đai, một con đường” của Bắc Kinh nhằm xây dựng “Con đường tơ lụa” hiện đại kết nối nền kinh tế lớn thứ hai thế giới với Đông Nam Á, Pakistan, Trung Á, Trung Đông và châu Âu. Straits Times cho biết, ECRL sẽ là tuyến đường đi qua các bang Kelantan, Terengganu, Pahang và Selangor.

Với 12 ga hành khách, 3 ga hàng hóa và 7 ga hỗn hợp, ECRL dự kiến sẽ làm tăng GDP của các bang duyên hải phía Đông Malaysia thêm 1,5%.

Phát biểu tại lễ động thổ, Thủ tướng Najib mô tả ECRL như một nhân tố “làm thay đổi cuộc chơi và tư duy” ở Malaysia do nó sẽ cắt giảm đáng kể thời gian di chuyển qua lại giữa bờ biển phía Đông và Tây của bán đảo Mã Lai.

Trong khi đó, ông Vương Dũng nói rằng đây là biểu hiện tình hữu nghị giữa hai quốc gia. “Chính phủ Trung Quốc rất coi trọng mối quan hệ Trung Quốc-Malaysia, luôn xem Malaysia là một nước láng giềng, một đối tác đáng tin cậy” – ông Vương tại buổi lễ cho biết.

Tuy nhiên, giới quan sát nhận định tuyến đường sắt gây tranh cãi do Công ty Xây dựng Giao thông Trung Quốc (CCCC) thi công và được Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc (China Eximbank) hỗ trợ cho vay 85% kinh phí nói trên nằm trong chiến lược mở rộng sức mạnh mềm của Trung Quốc tại Malaysia trong thời điểm Bắc Kinh cần các đồng minh khu vực.

Họ cho rằng nó rất quan trọng đối với các lợi ích chiến lược cũng như lợi ích địa chính trị của Trung Quốc. Nghê Lạc Hùng, nhà phân tích quân sự tại Đại học Luật và Khoa học chính trị Thượng Hải, nhận định ECRL được đưa ra là nhằm làm giảm tầm ảnh hưởng của Singapore trong khu vực.

“Hiện tại, 70% khí đốt và dầu mỏ nhập khẩu của Trung Quốc đi qua eo biển Malacca. Do đó, Singapore có thể kiểm soát việc tiếp cận quân sự và thương mại của Trung Quốc qua eo biển này và đã sử dụng nó như là đòn bẩy để cân bằng giữa Trung Quốc và Mỹ” – ông Nghê nói.

Trong những năm gần đây, Malaysia trở thành một trong những đối tác thân cận nhất của Trung Quốc trong khu vực.

Báo cáo của Tập đoàn Nomura International (Nhật Bản) hồi tháng rồi cho thấy, đầu tư trực tiếp nước ngoài từ Trung Quốc vào Malaysia tăng 119% trong năm 2016 và tiếp tục tăng 64% trong quý I- 2017.

Theo Hứa Lợi Bình, nhà nghiên cứu tại Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Trung Quốc, mối quan hệ hợp tác an ninh giữa Trung Quốc và Malaysia sẽ tiếp tục được tăng cường. Thời gian qua, Kuala Lumpur đã hết mình ủng hộ Bắc Kinh trong những vấn đề đa phương.

Song, liệu Malaysia có trở thành Pakistan hay Campuchia tiếp theo hay không thì vẫn còn là một nghi vấn do Malaysia đánh giá cao mối quan hệ giữa nước này với Mỹ lẫn Trung Quốc.

TRÍ VĂN

Chia sẻ bài viết