08/07/2018 - 07:29

Trung Quốc trấn an EU 

Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 7 giữa 16 nước Trung - Đông Âu (CEEC) và Trung Quốc (còn gọi là Hội nghị thượng đỉnh 16+1) đã diễn ra tại Thủ đô Sofia của Bulgaria  ngày 7-7, với sự kỳ vọng vào nguồn tài chính mới đến từ các công ty Trung Quốc. Tuy vậy, Reuters nhận định cuộc gặp giữa các nhà lãnh đạo CEEC và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường sẽ là nơi mà những cam kết mang đến các hợp đồng cơ sở hạ tầng lớn của Bắc Kinh  được “soi” nhiều hơn.

Được thành lập vào năm 2012, Hội nghị thượng đỉnh 16+1 được coi là một nền tảng đa phương nhằm tạo điều kiện hợp tác giữa Trung Quốc và 16 quốc gia CEEC. Ở lần họp mặt đầu tiên tại Warsaw (Ba Lan), sự thành lập này ban đầu đã được chấp nhận khi Trung Quốc hứa hẹn cung cấp hàng tỉ đôla dưới dạng các khoản vay và đầu tư dành cho các nước dựa vào các quỹ phát triển của EU, hoặc các nước nghèo ở phía Tây Balkan đang tìm kiếm tài chính từ bên ngoài để xây dựng đường sắt, đường bộ, sân bay và nhà máy điện.

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường (trái) và Thủ tướng Bulgaria Boyko Borissov tại Sofia hôm 6-7. Ảnh: SNA
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường (trái) và Thủ tướng Bulgaria Boyko Borissov tại Sofia hôm 6-7. Ảnh: SNA

Nhiều lo ngại và ngờ vực

Bộ Thương mại Trung Quốc hồi năm ngoái cho biết đầu tư vốn lũy kế của Trung Quốc ở các nước CEEC đã tăng lên hơn 8 tỉ USD vào năm 2016. Còn theo ước tính khác của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), Trung Quốc cam kết đầu tư khoảng 15  tỉ USD trong giai đoạn 2012 -2016. Nhưng đến nay, một số quốc gia đã bắt đầu cằn nhằn về việc thiếu kết quả, mà đôi khi có liên quan đến việc sử dụng lao động và vật liệu, tài chính và các điều khoản hợp đồng của Trung Quốc, cũng như những khó khăn khi đáp ứng các tiêu chuẩn của EU. Đơn cử, giới chức Slovakia cho biết Trung Quốc hiện không có khoản đầu tư lớn nào tại nước này, còn Romania xác nhận thỏa thuận ký kết hồi năm 2015 với Trung Quốc để xây dựng thêm 2 lò phản ứng hạt nhân trị giá khoảng 6 tỉ euro vẫn không có gì tiến triển. Còn phía Ba Lan xác nhận các công ty Trung Quốc đã bỏ rơi một số công trường tại nước này trước thềm giải vô địch bóng đá Euro năm 2012. Vì thế, một số nước phàn nàn rằng việc tham dự thượng đỉnh thường niên 16+1 không đem lại lợi ích đáng kể.

Tuy vậy, Trung Quốc dưới thời của Chủ tịch Tập Cận Bình đã thay đổi đường lối chính sách đối ngoại khi thúc đẩy tăng cường sự hiện diện ở nhiều nơi trên thế giới. Việc xúc tiến sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) như là công cụ chính sách đối ngoại chính của Trung Quốc đã được yểm trợ bằng lợi thế của các sáng kiến trong khu vực  giống như thượng đỉnh 16 + 1. Nhờ đó, nhiều đề nghị tài trợ cho cơ sở hạ tầng thuộc kế hoạch BRI đã được dùng để xây dựng các tuyến giao thông và thương mại từ châu Á đến châu Âu, trong bối cảnh Bắc Kinh muốn gia tăng tầm ảnh hưởng.

Mặt khác, trong những năm gần đây, Hội nghị thượng đỉnh 16 + 1 đã thu hút rất nhiều sự chú ý - đặc biệt là ở Tây Âu. Mức độ cam kết ngày càng tăng giữa 16 nước CEEC và Trung Quốc đã gây lo lắng đáng kể cho giới chức châu Âu và Đức. Nhiều quan sát viên lẫn các nhà hoạch định chính sách Tây Âu đã nêu lên những lo ngại về nguy cơ tiềm ẩn từ  sự hiện diện đang lớn lên của Trung Quốc ở Đông Âu, khẳng định rằng lợi ích to lớn của Bắc Kinh trong việc dính líu vào khu vực này là một phần trong chiến lược dài hạn nhằm làm suy yếu sự đoàn kết của EU.

Trấn an và hợp tác để đối phó Mỹ?

Trước khi sang Sofia dự thượng đỉnh 16+1, Thủ tướng Lý có bài viết đăng trên hai nhật báo của Bulgaria, trong đó nói rằng “Trung Quốc hiện tại và tương lai ủng hộ sự hội nhập của châu Âu, đồng thời hoan nghênh một châu Âu đoàn kết, ổn định, mở cửa và thịnh vượng cùng với đồng euro mạnh”.

Trong cuộc họp báo với Thủ tướng Bulgaria Boyko Borissov hôm 6-7, ông Lý trấn an mối lo ngại của EU về tham vọng của Trung Quốc ở CEEC: “Cơ chế hợp tác 16+1 không phải là một diễn đàn địa chính trị. Một số người có lẽ cho rằng sự hợp tác này có thể gây chia rẽ EU nhưng không đúng sự thật. Chúng tôi hy vọng thông qua sự hợp tác, chúng tôi sẽ cải thiện sự phát triển của tất cả các nước có liên quan và hỗ trợ họ hội nhập tốt hơn trong tiến trình hội nhập của châu Âu”. Phát biểu với tư cách nước đồng chủ trì Hội nghị thượng đỉnh 16+1, Thủ tướng Bulgaria Borissov phụ họa: “Chúng tôi không nhằm chia rẽ EU, trái lại chúng tôi muốn giúp Đông Âu và Balkan vốn đang ở phía sau bắt kịp EU”.

Hội nghị diễn ra trong bối cảnh Mỹ đã bắt đầu cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, EU và nhiều nước khác. Cho nên đây là thời điểm Bắc Kinh cần xoa dịu  và thúc đẩy hợp tác với châu Âu để đối phó với chủ nghĩa bảo hộ của chính quyền Tổng thống Donald Trump. Năm nay, EU được mời tham dự hội nghị với tư cách quan sát viên. Ngay bên lề hội nghị, có hơn 250 doanh nghiệp Trung Quốc và 700 doanh nhân từ các nước CEEC tham dự diễn đàn kinh tế nhằm tìm kiếm các thỏa thuận trên các lĩnh vực thương mại, công nghệ, kết cấu hạ tầng, nông nghiệp và du lịch.

Sau hội nghị, Thủ tướng Lý Khắc Cường sẽ sang thăm Đức. Đây là phần trong bước chuẩn bị của Trung Quốc cho hội nghị thượng đỉnh với EU tại Bắc Kinh trong 2 tuần tới. EU đang chịu áp lực phải thống nhất hợp tác với Trung Quốc chống lại chính sách thương mại của Mỹ.

HẢI NGUYỆT (Theo Reuters, Diplomat)

Chia sẻ bài viết