13/12/2009 - 21:48

Trung Quốc thắng thế ở Trung Á

Chuyến thăm Trung Á đang diễn ra của Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đã giúp Bắc Kinh củng cố vị trí của mình như một thế lực đang lên tại khu vực giàu năng lượng này. Sở hữu trữ lượng dầu khí và kim loại thuộc hàng lớn nhất thế giới, Trung Á hiện là trung tâm của cuộc chiến địa chính trị giữa Nga, Trung Quốc và phương Tây.

 Chủ tịch Hồ Cẩm Đào (trái) và Tổng thống Nazarbayev nhấn nút khai trương đường ống dẫn khí đốt đoạn Kazakhstan-Trung Quốc hôm 12-12. Ảnh: Reuters

Trong chuyến thăm Kazakhstan và Turkmenistan bắt đầu từ cuối tuần trước, hôm nay 14-12 ông Hồ Cẩm Đào sẽ cùng các nhà lãnh đạo trong khu vực dự lễ khánh thành giai đoạn đầu của đường ống dẫn khí đốt dài 7.000 km nối Turkmenistan với khu tự trị Tân Cương của Trung Quốc, ngang qua Uzbekistan và Kazakhstan. Đây được xem là thành quả của Trung Quốc sau nhiều năm âm thầm tiếp cận nguồn cung khí đốt từ Trung Á. Khi đạt công suất tối đa vào năm 2012, đường ống này mỗi năm vận chuyển 40 tỉ mét khối khí đốt, giúp Turkmenistan giảm lệ thuộc vào Nga. Trước đây, Nga mua khoảng 50 tỉ mét khối khí đốt mỗi năm từ Turkmenistan cho đến khi hai nước xảy ra tranh cãi về các điều khoản của hợp đồng hồi đầu năm nay. Việc tập đoàn Gazprom của Nga ngừng mua khí đốt khiến Turkmenistan tổn thất khoảng 1 tỉ USD/tháng, buộc nước này quay sang tìm kiếm các khách hàng khác. Và Trung Quốc đã chớp thời cơ khi không những mua khí đốt của Turkmenistan mà còn cho nước này vay hơn 3 tỉ USD phát triển một mỏ khí tự nhiên có trữ lượng khổng lồ. Liên minh châu Âu (EU) cũng muốn lợi dụng rạn nứt trong quan hệ giữa Nga với Turkmenistan để giảm bớt phụ thuộc vào nguồn cung khí đốt từ Mát-xcơ-va nhưng xem ra đã chậm chân hơn Trung Quốc.

Đầu năm nay, Bắc Kinh cũng cam kết cho Astana vay 10 tỉ USD, đồng thời dự định bỏ ra 3,5 tỉ USD thành lập một liên doanh phát triển lĩnh vực phi năng lượng ở Kazakhstan nhằm giúp Tổng thống Nursultan Nazarbayev thực hiện kế hoạch đa dạng hóa nền kinh tế và bớt lệ thuộc vào nguồn thu từ xuất khẩu dầu khí. Trung Quốc hiện sở hữu khoảng 1/3 trữ lượng dầu của Kazakhstan và sắp tới sẽ tiến hành khai thác uranium ở nước này (Kazakhstan chiếm 1/5 trữ lượng uranium toàn cầu).

Nói về đường ống dẫn khí Turkmenistan-Trung Quốc, ông Nazarbayev cho rằng “Đây là một dự án khổng lồ và một ngày nào đó sẽ giúp khôi phục Con đường tơ lụa cổ xưa”. Theo các nhà phân tích, chỉ riêng việc các tổng thống Kazakhstan, Uzbekistan và Turkmenistan gạc sang một bên những bất đồng để có mặt tại lễ khai trương ở Turkmenistan đã cho thấy cái “uy” của Trung Quốc. Những năm gần đây, lãnh đạo các nước này thường chỉ gặp nhau tại các hội nghị thượng đỉnh do Nga chủ trì. Hãng thông tấn quốc gia Nga Itar-Tass hôm 11-12 cũng thừa nhận rằng Trung Quốc đang dẫn đầu tại thị trường khí đốt Trung Á, vốn là “sân sau” của Nga. Không biết có phải do lo ngại bị Trung Quốc lấn lướt hay không mà Tổng thống Nga Dmitry Medvedev quyết định sẽ tới Turkmenistan vào cuối tháng này để thảo luận vấn đề hợp tác trong lĩnh vực năng lượng. Nga dự kiến sẽ tăng gần gấp đôi lượng khí đốt nhập khẩu từ Trung Á lên 90 tỉ mét khối/năm. Để làm được điều này, Mát-xcơ-va có kế hoạch xây dựng đường ống từ Turkmenistan chạy qua Kazakhstan tới xứ sở bạch dương.

LÊ DÂN (Theo AFP, Reuters)

Chia sẻ bài viết