29/06/2018 - 07:44

Trung Quốc tăng cường hiện diện quân sự tại Trung Quốc 

Bác yêu cầu của Mỹ đàm phán liên quan đến vấn đề Đài Loan

Trong nhiều thập kỷ qua, sự hiện diện của Trung Quốc ở châu Phi phần lớn tập trung vào các hoạt động kinh tế, thương mại và gìn giữ hòa bình. Tuy nhiên, Bắc Kinh hiện đang tìm cách tăng cường sự hiện diện quân sự tại đây để bảo vệ tài sản quốc gia ở lục địa đen cũng như có được ảnh hưởng địa chính trị lớn hơn.

Tại Diễn đàn An ninh và quốc phòng Trung Quốc-châu Phi lần thứ nhất khai mạc tại Thủ đô Bắc Kinh với sự tham gia của đại diện 50 quốc gia châu Phi và Liên minh châu Phi (AU) hôm 27-6, Trung Quốc tuyên bố sẽ “hỗ trợ toàn diện” cho các nước châu Phi xung quanh các vấn đề bảo vệ bản quyền và chống khủng bố, đồng thời khẳng định sẽ cung cấp công nghệ, thiết bị, nhân sự và tư vấn chiến lược cho các nước châu Phi.

Động thái trên diễn ra trong bối cảnh Mỹ đang có kế hoạch cắt giảm sự hiện diện quân sự ở châu Phi theo chính sách “Nước Mỹ trên hết” của Tổng thống Donald Trump. “Trong những năm gần đây, lượng vũ khí mà Trung Quốc bán sang châu Phi đã vượt qua Mỹ. Đặc biệt, doanh số các loại vũ khí hạng nhẹ và nhỏ gọn tăng lên nhanh chóng do Trung Quốc không bị hạn chế buôn bán cho các nước đang trong tình trạng xung đột như các nhà cung cấp vũ khí phương Tây. Điều đó thường đi kèm với việc mở rộng hợp tác quân sự của Bắc Kinh” - Luke Patey, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Đan Mạch, cho biết.

Thời gian qua, Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đã triển khai nhiều cuộc tập trận chung trên khắp châu Phi và ở một số quốc gia có dự án hạ tầng nằm trong sáng kiến “Vành đai, Con đường”. Tại Djibouti, Bắc Kinh hồi năm ngoái đã chính thức mở căn cứ quân sự đầu tiên ở nước ngoài, phục vụ hậu cần lẫn tình báo. Đầu năm nay, Trung Quốc còn xây dựng một khu liên hợp dùng để huấn luyện các lực lượng vũ trang địa phương tại Tanzania. Giới chuyên gia dự đoán, Trung Quốc trong những năm tới sẽ mở thêm nhiều căn cứ quân sự ở nước ngoài nữa, có thể tại Namibia. 

Ảnh: Reuters
Ảnh: Reuters

* Trong diễn biến khác, hãng tin Reuters của Anh dẫn nhiều nguồn khác nhau, trong đó có một quan chức Mỹ, cho biết Trung Quốc ngày 28-6 đã bác bỏ yêu cầu của Mỹ tiến hành đàm phán về cách thức các hãng hàng không Mỹ và trang web của họ đề cập đến vùng lãnh thổ Đài Loan của Trung Quốc trên các giao diện điện tử.

Cụ thể, Trung Quốc đã yêu cầu các doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt là các hãng hàng không, phải đề cập Đài Loan như một vùng lãnh thổ của Trung Quốc trên trang web của các hãng này, giống như với Hồng Công và Ma Cao.

Theo Reuters, nhiều hãng hàng không như Air Canada, Lufthansa (Đức) và British Airways (Anh) đã đính chính thông tin liên quan Đài Loan trên trang web của hãng. Tuy nhiên, một số công ty của Mỹ, trong đó có hãng hàng không Delta Air Lines và United Airlines, vẫn chưa thực hiện thay đổi này khi mà thời hạn chót ngày 25-7 sắp tới gần.

Đài Loan là vấn đề nhạy cảm trong quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ. Giới chức Trung Quốc nhiều lần cáo buộc Mỹ tìm cách can thiệp vào vấn đề Đài Loan, một trong những chủ đề mà Bắc Kinh xem là nằm trong giới hạn đỏ. Trung Quốc luôn khẳng định chính sách “Một Trung Quốc” không phải để mặc cả.

TRÍ VĂN (Theo CNBC, TTXVN)

Chia sẻ bài viết