16/08/2018 - 11:15

Trung Quốc sẽ dùng “công cụ vô hình” áp chế Mỹ? 

Trung Quốc có thể sử dụng tiêu chuẩn an ninh mạng như “công cụ vô hình” trả đũa Mỹ khi cuộc chiến thương mại giữa hai nước tiếp tục leo thang, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) cảnh báo.

Theo CNBC, cái gọi là “tiêu chuẩn an ninh mạng” là những nguyên tắc do Chính phủ Trung Quốc ban hành, gồm hướng dẫn về những thủ thuật như tường lửa (firewall) và phần mềm. Báo cáo đầu tháng này của CSIS ước tính, Trung Quốc những năm gần đây đã ban hành gần 300 tiêu chuẩn quốc gia mới.

Facebook và Google từng rất chật vật khi tiếp cận thị trường Trung Quốc. Ảnh: Peoplespostmedia

Tuy mang tính tự nguyện về mặt kỹ thuật, nhưng các tiêu chuẩn này thực tế được hiểu như quy định “bất thành văn” đối với những doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại thị trường Hoa lục. Theo đó, CSIS cho biết các công ty nước ngoài thường khó đoán được tổn phí, thậm chí trường hợp trì hoãn hoặc buộc phải ngừng hoạt động kinh doanh tại Trung Quốc. Đây cũng là một trong những lý do khiến Trung Quốc trở thành thị trường khó tiếp cận đối với doanh nghiệp nước ngoài.

Tuần rồi, Trung Quốc tuyên bố áp 25% thuế lên 16 tỉ USD hàng hóa Mỹ ngay khi chính quyền Tổng thống Donald Trump đánh thuế hàng hóa của Bắc Kinh với giá trị tương đương. Trong thế giằng co hiện nay, một số chuyên gia lo ngại cường quốc châu Á có thể sử dụng quy tắc công nghệ nhắm mục tiêu các công ty Mỹ để trả đũa chính sách thuế quan của chính quyền Trump.

Theo đánh giá của CSIS, tình huống này sẽ dẫn tới hệ quả khó lường, ảnh hưởng giới doanh nghiệp trên diện rộng và kéo dài căng thẳng hiện nay. Bởi không giống hàng rào thuế quan, các chuyên gia cho biết tiêu chuẩn an ninh mạng ít có khả năng được Trung Quốc nới lỏng ngay cả khi chiến tranh thương mại lắng dịu. Trong đó, giới phân tích cho rằng quy tắc về an ninh mạng của Trung Quốc không chỉ ngăn tấn công mạng mà còn phục vụ mục đích bảo vệ các công ty trong nước trước sự cạnh tranh từ nước ngoài.  Samm Sacks, chuyên gia cấp cao tại CSIS, cho biết một số quy định được tạo ra còn nhằm đáp ứng mục tiêu “Sản xuất ở Trung Quốc 2025 - Made in China 2025”. Đây là kế hoạch lớn của Bắc Kinh để đưa Trung Quốc lên chuỗi giá trị toàn cầu và trở thành lực lượng thống trị trong các lĩnh vực công nghệ tiên tiến của tương lai. “Nhiều người nghĩ rằng tiêu chuẩn an ninh mạng chỉ ảnh hưởng các hãng công nghệ cao hoặc công ty làm về truyền thông xã hội. Song, tác động của nó có thể bao gồm tất cả lĩnh vực phụ thuộc vào công nghệ thông tin và viễn thông, từ doanh nghiệp sử dụng website, mạng ảo riêng đến ngành sản xuất, bán lẻ và lĩnh vực thương mại điện tử” - bà Sacks cho biết.

MAI QUYÊN

Chia sẻ bài viết