25/04/2018 - 07:06

Trung Quốc rượt đuổi Mỹ về sức mạnh hải quân 

Tăng cường các tàu sân bay và đảm bảo khả năng tự chế tạo loại khí tài này là những dấu hiệu cho thấy tham vọng của Trung Quốc, vốn được đánh giá “đang dần thu hẹp khoảng cách” với Mỹ về sức mạnh hải quân.

Tàu sân bay Type 001A do Trung Quốc tự chế tạo. Ảnh: SCMP
Tàu sân bay Type 001A do Trung Quốc tự chế tạo. Ảnh: SCMP

Bắc Kinh muốn sở hữu 6-10 tàu sân bay. Điều này được cho sẽ giúp Hải quân Trung Quốc trở thành lực lượng mạnh thứ hai trên thế giới và đưa tham vọng của nước này vượt ra khỏi khu vực Đông Á.

6 năm sau khi đưa vào biên chế hàng không mẫu hạm Liêu Ninh được mua và cải tiến từ tàu cũ của Ukraine, nay Bắc Kinh đang chuẩn bị thử nghiệm tàu sân bay nội địa đầu tiên Type 001A trên biển Bột Hải và Hoàng Hải. Matthew Funaiole, chuyên gia về Trung Quốc tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) ở Mỹ, cho rằng ý nghĩa của chương trình tàu sân bay của Trung Quốc mang tính thực tế lẫn biểu tượng. Tuy nhiên, Hải quân Trung Quốc bị cho vẫn còn “thua kém” Mỹ cả về công nghệ lẫn năng lực vận hành. Lâu nay Mỹ có lịch sử chế tạo và vận hành tàu sân bay cũng như làm chủ các hệ thống phóng máy bay, nhà máy năng lượng và chiến đấu cơ hiện đại nhất thế giới. Theo ông Funaiole, Mỹ sở hữu lợi thế lớn về nhân lực và hậu cần, trong khi Trung Quốc “sẽ đối mặt với một số rào cản” trong việc sắp xếp đội ngũ phi công, người điều hành và kỹ thuật viên vào đúng vị trí.

Hải quân Mỹ có xấp xỉ 325.000 binh sĩ và khoảng 282 tàu chiến có thể triển khai, bao gồm 11 tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân. Ngoài ra, họ còn có 3.700 chiến đấu cơ, phi đội máy bay lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Không quân Mỹ. Đó là chưa kể khoảng 200 tàu dự bị và hỗ trợ khác. Trong khi đó, Hải quân Trung Quốc có khoảng 235.000 binh sĩ và hơn 700 máy bay chiến đấu. Mặc dù có trên 700 tàu, nhưng thực ra trong đó có nhiều tàu dùng cho mục đích tuần tra và hỗ trợ cũng như tàu sắp hết hạn sử dụng. Do chỉ có xấp xỉ 220 tàu tác chiến, nên Bắc Kinh hy vọng nâng con số này lên 351 vào năm 2020 và đẩy nhanh quá trình “về hưu” của  các tàu cũ.

Dù Mỹ sở hữu lực lượng hải quân mạnh hơn, nhưng khoảng cách giữa nước này với Trung Quốc “đang ngày càng nhỏ dần qua từng ngày”, theo Chuẩn Đô đốc về hưu Terence Edward McKnight, người từng chỉ huy lực lượng quốc tế chống hải tặc trên Vịnh Aden. Chính các lãnh đạo Hải quân Mỹ cũng nhận thức rất rõ điều này, nên đặt ra mục tiêu nâng số lượng tàu tác chiến lên  355 chiếc vào cuối thập niên 2050.

THANH BÌNH (Theo Newsweek)

Chia sẻ bài viết