10/02/2018 - 09:28

Trung Quốc phát triển lá chắn tên lửa trên biển 

Trong khi Trung Quốc tập trung phát triển các hệ thống phòng thủ tên lửa trên biển và trên mặt đất, thì Ấn Độ và Nga được cho đang “bắt tay” chế tạo tên lửa hành trình siêu thanh.

Trung Quốc tăng cường khả năng đánh chặn tên lửa

Nhà bình luận quân sự Song Zhongping cho biết hệ thống đánh chặn tên lửa trên biển mà Trung Quốc đang phát triển sẽ giúp bảo vệ lãnh thổ và lợi ích của nước này ở nước ngoài, vì chúng có thể được đặt ở bất cứ vị trí nào mà các tàu chiến của họ có thể đến được. Theo báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng của Hồng Công, châu Á - Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương sẽ là những khu vực đầu tiên được Bắc Kinh triển khai các lá chắn này.

Khu trục hạm lớp 055 của Trung Quốc. Ảnh: SCMP

Trong khi đó, chuyên gia quân sự Antony Wong Dong cho rằng Trung Quốc đã phát triển hệ thống đánh chặn tên lửa trên biển thế hệ mới HQ-26, sở hữu tên lửa hành trình có tầm bắn lên đến 3.500km. Hệ thống này dự kiến lắp đặt trên khu trục hạm lớp 055 lớn nhất của Trung Quốc (lượng giãn nước tối đa 13.500 tấn).

Các bước đi trên được đưa ra giữa lúc Trung Quốc đang phát triển lực lượng hải quân có thể hoạt động trên toàn cầu. Trong đó, Bắc Kinh dự định đưa 4 nhóm tác chiến tàu sân bay đi vào hoạt động trước năm 2030. Do 3/4 lượng dầu nhập khẩu của Trung Quốc đi qua Ấn Độ Dương hoặc Eo biển Malacca, nên Bắc Kinh muốn tăng cường khả năng phòng thủ trên biển. “Với việc Mỹ và các quốc gia khác sử dụng chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương để đối đầu Trung Quốc, Bắc Kinh chắc chắn sẽ triển khai các hệ thống đánh chặn tên lửa tại những khu vực này nhằm đối phó”- chuyên gia Song nhận định.

Trước đó vài ngày, Trung Quốc cũng đã tuyên bố thực hiện thành công vụ thử nghiệm đánh chặn tên lửa đạn đạo bằng bệ phóng trên mặt đất. Vụ thử diễn ra trong bối cảnh căng thẳng xung quanh tham vọng hạt nhân của Triều Tiên tăng cao cũng như lo ngại ngày càng lớn liên quan sức mạnh quân sự của Ấn Độ, bao gồm vụ phóng thử thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) Agni-V mới đây của New Delhi.

Ấn Độ - Nga “hợp sức” chế tạo tên lửa hành trình siêu thanh

Trong khi đó, công ty liên doanh giữa Ấn Độ và Nga là BrahMos Aerospace đang phát triển tên lửa hành trình có thể bay với vận tốc nhanh nhất thế giới.

Mang biệt danh “sát thủ tàu sân bay”, tên lửa BrahMos có thể được phóng từ mặt đất, trên biển và trên không cũng như có khả năng tấn công chính xác các mục tiêu như boongke và hệ thống radar của kẻ địch. Những yêu cầu thấp về việc bảo trì giúp tên lửa BrahMos trở thành mẫu rẻ nhất trong số các tên lửa hành trình hiện nay. Trả lời phỏng vấn hãng tin CNBC tại Triển lãm Hàng không Singapore 2018 đang diễn ra, phát ngôn viên của BrahMos Aerospace cho biết công ty chỉ bán tên lửa hành trình này cho các quốc gia đồng minh với New Delhi và Mát-xcơ-va. Được biết, nhiều quốc gia Đông Nam Á, bao gồm Malaysia và Indonesia, muốn sắm loại tên lửa có tầm bắn gần 300km này. Theo giới phân tích, những thương vụ này nhiều khả năng sẽ khiến Bắc Kinh lo ngại.

THANH BÌNH

Chia sẻ bài viết