17/04/2013 - 22:20

Trung Quốc “ngầm” tố Mỹ gieo căng thẳng trong khu vực

Mặc dù không lên tiếng cáo buộc trách nhiệm, nhưng Sách trắng quốc phòng do Trung Quốc công bố hôm 16-4 lại "ám chỉ" rõ ràng rằng chính chiến lược đẩy mạnh sự hiện diện quân sự và củng cố sức mạnh liên minh của Mỹ tại châu Á-Thái Bình Dương là nguyên nhân chủ yếu khiến bất ổn trong khu vực ngày một leo thang.


 Tàu quân sự của Mỹ và Hàn Quốc trong cuộc tập trận chung “Đại bàng Non” trên vùng biển phía Tây của Hàn Quốc. Ảnh: Yonhap/AP

Hôm 2-4, Hải quân Mỹ tại Hawaii đã lên tiếng xác nhận việc điều tàu ngầm mang đầu đạn hạt nhân Charlotte và có thể được trang bị thêm tên lửa hành trình Tomahawk hướng về vùng biển Tây Thái Bình Dương. Trong một tuyên bố hôm 15-4, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Ashton Carter cho biết Hải quân Mỹ sẽ triển khai tàu ngầm hạt nhân thứ 4 tới đảo Guam vào năm tài chính 2015. Ngoài ra, theo công bố của Lầu Năm Góc hồi năm ngoái thì Hải quân Mỹ sẽ có một "sự thay đổi đáng kể và lịch sử" khi triển khai 60% lực lượng đến Thái Bình Dương vào năm 2020. Riêng thời gian sắp tới, 4 chiếc tàu tác chiến hoàn toàn mới của Mỹ U.S. Littoral Combat Ships (LSC) được thiết kế để chống lại các cuộc tấn công ven bờ biển sẽ có mặt tại Singapore.

Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho rằng việc Mỹ chuyển trọng tâm sang châu Á bao gồm việc triển khai nhiều khí tài quân sự, binh sĩ và tăng cường hợp tác cả với các đối tác chiến lược như Nhật Bản, Hàn Quốc và Philippines lẫn các nước khác đã cho thấy tính "thay đổi sâu sắc" đối với châu lục, "làm cho tình hình ở khu vực này trở nên căng thẳng".

Ngoài động thái tăng cường quân sự của Mỹ trong khu vực, Sách trắng Quốc phòng Trung Quốc còn "liệt" vấn đề tranh chấp lãnh thổ với Nhật Bản và các hoạt động của lực lượng ly khai tại Đài Loan vào "danh sách những thách thức lớn" khiến "nhiệm vụ bảo vệ sự thống nhất quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ và lợi ích phát triển của Trung Quốc càng thêm khó" mặc dù tầm ảnh hưởng của Trung Quốc ngày càng rộng. "Chúng tôi sẽ không tấn công trừ khi chúng tôi bị tấn công và nhất định sẽ đáp trả. Theo nguyên tắc này, Trung Quốc sẽ kiên quyết thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết để bảo vệ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ"- tài liệu trên cho biết.

Theo hãng tin Mỹ AP, chính quyền Bắc Kinh nhìn nhận các chủ trương của Mỹ như một sách lược quan trọng để kiềm chế Trung Quốc trên các mặt trận ngoại giao, quân sự và kinh tế. Do đó, nước này luôn tìm cách trấn an các quốc gia châu Á rằng Trung Quốc không hề gây ra bất kỳ mối đe dọa nào đối với láng giềng của mình. Tuy nhiên, điều đáng nói là chính sự phát triển với tốc độ nhanh chóng của quân sự cùng những tuyên bố hết sức mạnh miệng, thậm chí ngang ngược của Trung Quốc trong các cuộc tranh chấp chủ quyền lại vô tình "đẩy" một số quốc gia liên quan nghiêng về phía có lợi hơn cho Mỹ.

Chẳng hạn như khi đối mặt với mối đe dọa từ CHDCND Triều Tiên, giới quan sát có thể nhận thấy rõ mối quan hệ quân sự giữa Mỹ với đối tác Hàn Quốc và Nhật Bản – nơi đồn trú của hơn 78.000 quân Mỹ- đang "thân thiết" hơn bao giờ hết. Trong khi đó, AP cũng cho biết Indonesia đang tìm kiếm kế hoạch để mua một loạt các vũ khí hạng nặng của Mỹ và tham gia cuộc tập trận chung với Mỹ. Riêng Philippines thì muốn tăng cường sự hiện diện binh sĩ Mỹ được triển khai luân phiên tới nước này, trong khi Úc đã đồng ý cho phép Washington triển khai 2.500 lính thủy đánh bộ đến phía Bắc thành phố Darwin.

Viết trên tờ Trung Hoa Nhật báo hôm 16-4, nhà nghiên cứu Qian Liwei thuộc Viện Quan hệ Quốc tế Đương đại Trung Quốc (CICIR)- một tổ chức liên kết với Bộ An ninh (MSS) nước này xác định: "Bắc Kinh coi các hành động của Mỹ như minh chứng cho thấy Washington đang lệch về hướng chống đối và sẽ mất rất nhiều thời gian cùng kiên nhẫn để thuyết phục Trung Quốc rằng Bắc Kinh không phải là mục tiêu trong chính sách tái cân bằng của Mỹ".

VI VI (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết