05/07/2018 - 07:22

Trung Quốc kêu gọi EU cùng “chống” Mỹ 

Trung Quốc đang gây áp lực lên Liên minh châu Âu (EU) để cùng ra tuyên bố chung chống lại chính sách thương mại của Tổng thống Mỹ Donald Trump tại hội nghị thượng đỉnh diễn ra trong tháng này. Song, nỗ lực của Bắc Kinh đã bị đồng minh truyền thống và cũng là đối tác thương mại quan trọng của Washington bác bỏ.

Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jyrki Katainen (trái) và Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc. Ảnh: Reuters
Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jyrki Katainen (trái) và Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc. Ảnh: Reuters

Hiện cả Trung Quốc và EU phải đối mặt sức ép thương mại từ Mỹ khi chính quyền Tổng thống Trump áp các mức thuế cứng rắn lên nhiều danh mục hàng hóa nhập khẩu. Trước những bất đồng chung, một số quan chức châu Âu cho biết giới lãnh đạo cấp cao Trung Quốc bao gồm Phó Thủ tướng Lưu Hạc và Ngoại trưởng Vương Nghị trong nhiều cuộc họp tại trụ sở EU ở Brussels (Bỉ), Thủ đô Berlin (Đức) và Bắc Kinh, đã đề xuất hình thành liên minh Trung Quốc – EU.

Trong động thái bày tỏ thiện chí, Phó Thủ tướng Lưu Hạc đề cập khả năng Trung Quốc lần đầu tiên sẵn sàng xác định những thị trường có thể mở cửa cho giới đầu tư phương Tây, khi hai bên tham dự hội nghị thượng đỉnh thường niên Trung Quốc – EU diễn ra ở Bắc Kinh giữa tháng này. Ngoài ra, cường quốc châu Á còn đề xuất phối hợp với EU chống lại Mỹ tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Cùng với nỗ lực ngoại giao, truyền thông Trung Quốc còn truyền đi thông điệp EU đang đứng về phía Bắc Kinh. Trong bài xã luận hôm 4-7, Tân Hoa xã khẳng định Trung Quốc vốn là đối tác của châu Âu và rằng đây là thời cơ tốt để Trung Quốc, EU và những nước ủng hộ tự do thương mại “chung tay chống lại bảo hộ mậu dịch, bảo vệ hệ thống thương mại đa phương”.

EU dè chừng

Theo giới quan sát, sức ép từ Bắc Kinh đang đẩy EU vào tình thế nhạy cảm, đặc biệt trước thềm hội nghị thượng đỉnh sắp tới. Nhưng nguồn tin từ 5 quan chức EU và một số nhà ngoại giao cho biết khối thương mại lớn nhất thế giới đã từ chối ý tưởng liên minh với Trung Quốc chống lại Washington. Các quan chức EU còn tiết lộ, hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc-EU dự kiến ra thông cáo chung gói gọn cam kết giữa hai bên về hệ thống thương mại đa phương và kế hoạch hiện đại hóa WTO. “Trung Quốc muốn EU cùng đứng về phía họ chống lại Washington. Chúng tôi sẽ không làm điều đó và cũng đã nói với họ như vậy” – một nhà ngoại giao châu Âu cho biết.

Các nhà phân tích nhận định, EU mặc dù đang đối mặt chính sách thuế nhập khẩu mới mà Mỹ áp lên mặt hàng nhôm và thép cũng như việc chính quyền Trump dọa đánh thuế ngành công nghiệp ô tô của khối này, nhưng Brussels đồng thời chia sẻ với Washington quan ngại về thị trường Trung Quốc khép kín cùng với điều mà phương Tây tin rằng Bắc Kinh đang thao túng thương mại để chi phối thị trường toàn cầu. “Chúng tôi đồng ý với hầu hết những khiếu nại của Mỹ chống lại Trung Quốc, chúng tôi chỉ không chấp nhận cách Washington xử lý vấn đề” - một nhà ngoại giao khác cho biết.

Theo các quan chức EU, Trung Quốc tuy hứa hẹn mở cửa cho khối này nhưng bất kỳ động thái nào của họ có thể chỉ mang tính biểu tượng hơn là thực tế.

Tính toán của Trung Quốc

Dù sao, động thái của Trung Quốc cũng gây bất ngờ khi chủ động tiếp cận mối quan hệ vốn sâu sắc về kinh tế và an ninh giữa Washington với các nước châu Âu. Theo giới phân tích, điều này phản ánh quan ngại của Bắc Kinh về nguy cơ chiến tranh thương mại với Mỹ khi chính quyền Trump chuẩn bị áp thuế lên hàng chục, thậm chí hàng trăm tỉ USD giá trị hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc vào ngày 6-7. Nó cũng cho thấy Bắc Kinh đang lo lắng trước việc Mỹ và EU thắt chặt kiểm soát, ngăn chặn nỗ lực thâu tóm của doanh nghiệp Trung Quốc ở nước ngoài.

Mặt khác, diễn biến này cũng cho thấy bước đi mới của Bắc Kinh trong tham vọng giành lấy vị thế lãnh đạo giữa thời điểm Mỹ và các đồng minh đang chia rẽ từ vấn đề thương mại, biến đổi khí hậu đến chính sách đối ngoại. Các đại sứ châu Âu cho biết họ thấy được sự gấp gáp ở Trung Quốc từ năm 2017 trong việc tìm kiếm những quốc gia “cùng chí hướng” sẵn sàng đứng lên chống lại chính sách “Nước Mỹ trên hết” của ông Trump. Theo chia sẻ của một quan chức ngoại giao châu Âu, sách lược của Tổng thống Trump đang khiến phương Tây chia rẽ và mối bất hòa thể hiện rõ ràng giữa ông với các đồng minh tại hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển (G7) hồi tháng rồi ở Canada chính là “món quà” cho Trung Quốc và Bắc Kinh cảm thấy họ có cơ hội để “nắm lấy” EU, ít nhất là trong vấn đề thương mại.

MAI QUYÊN (Theo Reuters)

Chia sẻ bài viết