17/07/2018 - 07:13

Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng ở Trung Đông 

Sau khi thành công trong việc mở rộng kinh tế vào Trung Á, Trung Quốc đang triển khai “Kế hoạch Marshall” đối với khu vực Trung Đông. Theo đó, Bắc Kinh cam kết cho các quốc gia Trung Đông vay 20 tỉ USD và viện trợ 1,6 tỉ USD để phục hồi kinh tế. Ngoài ra, Trung Quốc và các nước Arab sẽ tạo ra một hiệp hội liên ngân hàng trị giá lên tới 3 tỉ USD.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (giữa) cùng đại diện các nước Arab tại Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc - Arab ngày 10-7. Ảnh: Reuters
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (giữa) cùng đại diện các nước Arab tại Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc - Arab ngày 10-7. Ảnh: Reuters

Theo tờ Pravda, các kế hoạch trên được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình công bố tại Diễn đàn Hợp tác  Trung Quốc - Arab lần thứ 8 ở Thủ đô Bắc Kinh mới đây. “Chúng ta nên đối xử với nhau một cách thẳng thắn, không sợ sự khác biệt, không trốn tránh các vấn đề và công khai thảo luận sâu rộng về từng khía cạnh của chiến lược đối ngoại và chính sách phát triển” - ông Tập phát biểu tại diễn đàn. Theo ông Tập, số tiền nói trên sẽ dùng để “tái thiết kinh tế” và “phục hồi công nghiệp”, trong đó gồm hợp tác về dầu khí, năng lượng hạt nhân và năng lượng sạch. Nhà lãnh đạo Trung Quốc cho biết, số tiền viện trợ trị giá 15 triệu USD đợt đầu đã được phân bổ cho Palestine để hỗ trợ nước này phát triển kinh tế, trong khi 91 triệu USD khác được rót cho các dự án nhân đạo ở Yemen, Iraq, Lebanon và Syria – những nước nghèo nhất Trung Đông và đang chìm trong nội chiến.

Tuy nhiên, Trung Quốc cũng không quên những nước giàu nhất ở Vịnh Persic, trong đó có Saudi Arabia. Theo đó, Bắc Kinh đang tăng cường hợp tác quốc phòng với Riyadh. Đặc biệt, hai nước mới đây đã đạt được thỏa thuận cung ứng 30 máy bay không người lái trinh sát và tấn công Rainbow-4 cho Saudi Arabia. Ngoài ra, Bắc Kinh còn sẵn sàng tài trợ việc xây dựng tuyến đường sắt cao tốc từ Saudi Arabia đến Israel.

Mục tiêu cuối cùng của Trung Quốc là đẩy Mỹ và Nga ra khỏi Trung Đông bằng cách tạo ra một mạng lưới tài chính khổng lồ để buộc các quốc gia Trung Đông phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc. Giới chuyên gia cho rằng số tiền 20 tỉ USD được phân bổ cho Trung Đông trong khuôn khổ “Kế hoạch Marshall” của Trung Quốc sẽ được đầu tư để phát triển các hiệp hội liên ngân hàng cũng như xây dựng các tuyến đường giao thông huyết mạch trong khuôn khổ dự án “Một vành đai, một con đường”, được cho sẽ giúp “Con đường Tơ lụa” hồi sinh bằng cách tạo ra mạng lưới cơ sở hạ tầng từ khu vực biên giới phía Tây của Trung Quốc đến rìa phía Đông và phía Nam của Liên minh châu Âu (EU).

Theo các chuyên gia, một trong những mục tiêu chính của việc mở rộng kinh tế sang Trung Đông của Trung Quốc là tiếp cận nguồn tài nguyên dầu khí khổng lồ của Vịnh Persic. Giới chuyên gia dự đoán, đến năm 2020, lượng tiêu thụ khí thiên nhiên ở Trung Quốc sẽ đạt mức 420 tỉ mét khối. Do đó, Trung Quốc cần nguồn năng lượng giá rẻ từ Trung Đông. Và bước đi đầu tiên theo hướng này đã được thực thi. Theo đó, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC) đã thỏa thuận với Iran rằng trong trường hợp Mỹ triển khai các lệnh trừng phạt nhằm vào Tập đoàn dầu khí đa quốc gia Total của Pháp tại Iran, CNPC sẽ thay thế Total phát triển mỏ khí South Pars. Theo thỏa thuận, CNPC sẽ kiểm soát 80% trữ lượng khí đốt của South Pars, tương đương khoảng 50.000 tỉ mét khối. Không những vậy, Trung Quốc đang có kế hoạch đẩy mạnh nhập khẩu “vàng đen” từ Saudia Arabia. Hiện tại, lượng dầu mà Trung Quốc nhập khẩu từ Saudia Arabia chiếm tới 15% tổng lượng dầu tiêu thụ của nước này.

TRÍ VĂN

Chia sẻ bài viết