24/12/2017 - 09:06

Trung Quốc đưa trí tuệ nhân tạo vào giảng dạy 

Nhằm giúp học sinh chuẩn bị tốt hơn cho kỳ thi tuyển sinh đại học hằng năm, các nhà giáo dục Trung Quốc đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) vào hoạt động giảng dạy và luyện thi.

Từ gia sư robot

Tại Trung Quốc, nhiều phụ huynh vẫn tin rằng vào được một trường đại học tốt là chắc chắn sẽ thành đạt, nên họ sẵn sàng đầu tư tiền bạc và công sức để con họ có kết quả tốt trong kỳ thi tuyển sinh đại học, được gọi là “cao khảo” (Gaokao). Kỳ thi khắc nghiệt nhất Trung Quốc này diễn ra vào tháng 6 hằng năm, gồm thi tiếng Hoa, toán, các môn khoa học và ngoại ngữ. Vì các trường danh tiếng như Đại học Thanh Hoa và Đại học Bắc Kinh chỉ tuyển chọn những thí sinh có tổng số điểm cao nhất, nên cả học sinh và phụ huynh đều rất chú trọng ôn luyện từ sớm.

Nhưng liệu giáo viên robot có thể giúp các em chuẩn bị cho kỳ thi này hay không? Chuyên gia Li Haoyang, đồng sáng lập Công ty giảng dạy trực tuyến Yixue Education, khẳng định các gia sư robot “hiểu rõ học sinh hơn chính các em”. Điều này được đúc kết qua một cuộc thi hồi tháng 10 giữa phần mềm giảng dạy sử dụng công nghệ AI và những giáo viên có kinh nghiệm giảng dạy trung bình 17 năm. Cuộc thi có sự tham gia của 78 học sinh, dưới sự giám sát của Sở Giáo dục tỉnh Hà Nam và Công ty tư vấn Internet iResearch. Sau 4 ngày học thử, điểm kiểm tra toán của những học sinh sử dụng phần mềm Yixue tăng trung bình 36,13 điểm, so với 26,18 điểm ở nhóm học sinh được kèm bởi giáo viên.

“Giảng dạy theo cách truyền thống trong lớp học hiệu quả rất thấp vì mỗi học sinh có hạn chế khác nhau. Nhiều học sinh lãng phí thời gian vì học đi học lại kiến thức đã nắm vững do giáo viên thường muốn kèm cặp những bạn chưa hiểu bài. Dù vậy, những em học chậm vẫn có thể bị bỏ lại phía sau vì giáo viên có thể không đủ thời gian để giúp đỡ” – Li lý giải. Trong khi đó, phương pháp học tập của Yixue Education sử dụng AI để xác định điểm yếu của học sinh, sau đó điều chỉnh chương trình dạy kèm để củng cố các mặt còn yếu. Đến nay, phần mềm này hỗ trợ học sinh từ cấp tiểu học đến trung học và công ty dự định giới thiệu các khóa học dành cho học sinh sắp thi “cao khảo” vào năm tới.

Ông Li cho biết Yixue Education hiện có hơn 100.000 người dùng trả tiền và “gia sư AI” của công ty có thể phù hợp với sinh viên trên toàn thế giới bất kể là ngôn ngữ nào. Sắp tới, công ty dự định mở rộng hoạt động sang Hồng Công và Đài Loan, kế đến là Đông Nam Á và cuối cùng là châu Âu và Mỹ. Không chỉ vậy, Yixue còn đang thảo luận với Hanson Robotics – hãng robot ở Hồng Công đã tạo ra nữ robot Sophia nổi tiếng, nhằm chế tạo những robot hình người để tương tác với học sinh trong lớp học.

Hiện Yixue Education đang cạnh tranh với các công ty mới khởi nghiệp khác như Hujiang EdTech, Master Learner, Liulishuo để giành thị phần trong lĩnh vực giáo dục trực tuyến đang nở rộ tại Trung Quốc, thị trường mà iResearch dự báo doanh số sẽ tăng hơn 70% so với năm ngoái, lên 269 tỉ NDT (41 tỉ USD) vào năm 2019.

…đến nâng cao chất lượng hệ thống giáo dục

Công ty nghiên cứu thị trường IT Juzi cho biết trong số những ngành chuyển biến nhiều nhất nhờ AI ở Trung Quốc, giáo dục thuộc tốp 3 ngành phát triển “nóng” nhất, chỉ sau ngành dược và ôtô. Chính phủ Trung Quốc xác định giáo dục dựa trên nền tảng AI là chiến lược quốc gia, là một phần trong lộ trình đưa nước này trở thành trung tâm phát triển AI toàn cầu vào năm 2030.

Master Learner có trụ sở tại Thượng Hải là một trong nhiều công ty giáo dục trực tuyến Trung Quốc đang đẩy mạnh sử dụng AI nhằm nâng cấp các lớp học truyền thống. Mục tiêu của họ là tiếp cận nhiều người hơn bằng một chương trình giáo dục chất lượng cao hơn và hiệu quả tốt hơn. Peter Cao, giáo viên dạy Hóa với 16 năm kinh nghiệm tại một trường trung học ở tỉnh An Huy, cho biết mỗi ngày ông dành từ 2-3 giờ để xem lại bài tập của học sinh nhằm đánh giá mức độ tiếp thu bài của các em, từ đó xây dựng kế hoạch giảng dạy cho ngày tiếp theo. Nhưng với chương trình giảng dạy trực tuyến với phần mềm AI của Master Learner, ông và 14 triệu đồng nghiệp tại Trung Quốc sẽ có thể “bàn giao” quá trình kiểm tra bài vở học sinh cho một “siêu giáo viên” có khả năng giải đáp gần 500 triệu câu hỏi toán học, vật lý và hóa học thường có trong các kỳ tuyển sinh đại học 30 năm qua.

Khác với Master Learner, Công ty Liulishuo sử dụng phần mềm AI để phân tích thói quen học tập của học sinh và thiết kế chương trình học tiếng Anh theo nhu cầu từng học viên. Trong khi đó Hujiang, một trong những trang web dạy kèm trực tuyến lớn nhất ở Trung Quốc, thì đang ứng dụng công nghệ AI nhận dạng hình ảnh và giọng nói để nắm bắt biểu hiện khuôn mặt và phản hồi của học sinh nhằm cải thiện sự tương tác giữa học sinh và giáo viên trong các lớp học trực tuyến.

Các nhà phân tích và người trong ngành cho rằng AI là một nền tảng cần thiết cho sự phát triển của nền giáo dục Trung Quốc, nơi có tới 188 triệu học sinh. “AI sẽ nâng cao hệ thống giáo dục của Trung Quốc. Với những thay đổi trong các kênh phân phối kiến thức, hình thức và nội dung, nó sẽ giúp giảm chi phí và nâng cao hiệu quả” – Roger Chung, giám đốc cao cấp của hãng tư vấn Deloitte Research chuyên về viễn thông, truyền thông và công nghệ, nhận định.

THANH TRÚC (Theo SCMP)

Chia sẻ bài viết