17/11/2018 - 17:16

Trung Quốc đối phó khủng hoảng thị lực 

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gần đây mô tả cận thị là một dịch bệnh ảnh hưởng đến thế hệ trẻ của Trung Quốc. Do đó, nước này đang nỗ lực tìm cách đẩy lùi tình trạng suy giảm thị lực vốn không chỉ ảnh hưởng sức khỏe dân số mà còn khiến nền kinh tế lớn thứ hai thế giới thiệt hại hàng trăm tỉ USD mỗi năm vì chi phí y tế và giảm năng suất lao động.

Theo ước tính của Tiến sĩ Xun Xu tại Bệnh viện Mắt Thượng Hải, Trung Quốc hiện có 720 triệu người bị suy giảm thị lực. Trong đó, cận thị gia tăng đáng kể theo độ tuổi, khi tật khúc xạ mắt này ảnh hưởng hơn 50% trẻ em dưới 10 tuổi, 80% thiếu niên độ tuổi 16 và trên 90% sinh viên đại học. Xem màn hình thiết bị, chơi điện tử nhiều và ít tham gia các sinh hoạt ngoài trời được cho là nguyên nhân khiến giới trẻ cận thị ngày càng nhiều.

Hiện nước này đang đẩy mạnh việc thực thi kế hoạch 5 năm nhằm loại bỏ tình trạng thị lực kém và nguy cơ mù lòa, bằng cách cung cấp chương trình “chăm sóc mắt toàn diện cho tất cả mọi người”. Kế hoạch này cam kết mở rộng các dịch vụ kiểm tra thị lực trên toàn quốc, tập trung tìm kiếm giải pháp ngăn ngừa và điều trị tật khúc xạ ở trẻ em, phòng chống bệnh mắt do biến chứng bệnh tiểu đường, bệnh võng mạc ở trẻ sinh non (ROP) và thị lực kém.

Tuy nhiên, thách thức hiện nay của Trung Quốc là làm sao để kiểm tra mắt và cung cấp kính cho tất cả những người cần phải đeo. Các chuyên gia cho rằng Trung Quốc vẫn cần học tập kinh nghiệm từ những nước đã đạt được những tiến bộ nhất định trong việc đẩy lùi tật cận thị, điển hình là Rwanda. Sở dĩ Rwanda có thể trở thành hình mẫu cho Trung Quốc là vì hai nước có một điểm tương đồng: khả năng tiếp cận dịch vụ y tế giữa khu vực thành thị và nông thôn cách xa nhau.

Học tập cách làm của Rwanda

Tiến sĩ Agnes Binagwaho - phó hiệu trưởng Đại học Y tế Toàn cầu tại Rwanda - cho biết quốc gia châu Phi này đã triển khai kế hoạch cung cấp mắt kính cho toàn bộ 12 triệu dân, mục tiêu là cung cấp miễn phí những chiếc kính giá chỉ 1,5 USD cho 20% dân số nghèo nhất nước. Để thực thi kế hoạch đầy tham vọng nhưng khả thi này, Tiến sĩ Binagwaho – cựu Bộ trưởng Y tế Rwanda – cho biết chiến lược chủ chốt chính là đào tạo thêm kỹ năng kiểm tra mắt và chỉ định dùng mắt kính cho đội ngũ y tá tại các trung tâm y tế. Từ năm 2012-2017, khoảng 2.800 y tá đã học được cách kiểm tra mắt và cung cấp giải pháp chăm sóc mắt hợp lý, giúp bù đắp tình trạng thiếu thốn nghiêm trọng các bác sĩ nhãn khoa của nước này. Tính đến tháng 2-2018, khoảng 130.500 người đã được các y tá kiểm tra thị lực, chỉ định đúng loại kính cần dùng, phẫu thuật hoặc dùng thuốc nhỏ để chữa bệnh mắt, gồm khoảng 34.500 người dưới 14 tuổi và 93.150 người từ 15 tuổi trở lên.

Để khắc phục tình trạng người dân nông thôn khó tiếp cận cơ sở y tế, chính phủ Rwanda còn thành lập 502 trung tâm y tế rải rác gần 15.000 ngôi làng trên cả nước, mỗi trung tâm có 4 y tá đã được tập huấn kỹ năng kiểm tra mắt.

Được biết, khoảng 42% dân số Trung Quốc hiện sinh sống tại khu vực nông thôn, cách xa các thị trấn hoặc thành phố ít nhất 80km, nên khó gặp được các bác sĩ nhãn khoa để thăm khám mắt. Do đó, Tiến sĩ Binagwaho cho rằng Trung Quốc có thể làm theo cách của Rwanda là nâng cao chuyên môn cho đội ngũ y tá để có thể triển khai các chương trình tầm soát suy giảm thị lực đến mọi vùng nông thôn. Điều này có tác động rất lớn đến nỗ lực đẩy lùi tật cận thị bởi có đến 90% trường hợp, bệnh nhân chỉ cần chữa trị đơn giản bằng cách đeo kính. Theo Tổ chức nghiên cứu thị trường Euromonitor, Trung Quốc có lợi thế lớn khi chống cận thị bằng cách này, bởi họ hiện là nhà sản xuất mắt kính lớn nhất thế giới.

Không chỉ đối phó với cuộc khủng hoảng suy giảm thị lực, chữa cận thị còn có thể mang lại nhiều lợi ích về thúc đẩy văn hóa, giáo dục và kinh tế. Nghiên cứu của tổ chức chống suy giảm thị lực quốc tế Clearly cho thấy đeo kính chữa tật khúc xạ giúp nông dân nâng cao 20% sản lượng trồng trọt, trong khi năng suất lao động của những người trên 50 tuổi cũng gia tăng ít nhất 31%.

THANH TRÚC (Theo CNN, IAPB)

Chia sẻ bài viết