23/01/2018 - 10:23

Trung Quốc đổ lỗi cho Mỹ ở Biển Đông 

Tình hình Biển Đông có dấu hiệu tăng nhiệt sau khi Trung Quốc tố Mỹ là “kẻ gây rối” trong khu vực và rằng những động thái gần đây của Washington buộc Bắc Kinh phải tăng cường triển khai lực lượng tại vùng biển tranh chấp.

Tranh cãi nổ ra sau cuộc tuần tra tự do hàng hải mới nhất của Mỹ nhằm thách thức yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông. Cụ thể hôm 17-1, Mỹ đã điều khu trục hạm trang bị tên lửa dẫn đường USS Hopper (ảnh) đi vào phạm vi 12 hải lý quanh bãi cạn Scarborough mà Trung Quốc gọi là Hoàng Nham trên Biển Đông. Khu vực này cách bờ biển Philippines 230km và là thực thể tranh chấp giữa Manila và Bắc Kinh nhưng bị Trung Quốc chiếm đóng từ năm 2012.

Phát ngôn viên Hạm đội Thái Bình Dương của Hải quân Mỹ Nicole Schwegman không trực tiếp bình luận về cuộc tuần tra nói trên, nhưng khẳng định đây là hoạt động thường lệ và không nhằm vào bất cứ quốc gia nào. Theo quan điểm của Washington, các chiến dịch tự do hàng hải được quân đội Mỹ triển khai trên khắp thế giới, kể cả khu vực mà các nước đồng minh tuyên bố chủ quyền. Thiếu tá Schwegman nói thêm, những hoạt động này không liên quan mục đích chính trị mà chỉ chứng tỏ cam kết của Mỹ trong bảo vệ quyền tự do lưu thông và sử dụng hợp pháp các vùng biển cũng như không phận đối với tất cả các quốc gia theo luật pháp quốc tế.

Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Trung Quốc trong một thông cáo lên án việc Mỹ triển khai tàu khu trục đến gần thực thể tranh chấp ở Biển Đông là “xâm phạm lãnh hải” mà “không có sự cho phép của Bắc Kinh”. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Lục Khảng nhấn mạnh Trung Quốc sẽ có biện pháp cần thiết để “bảo vệ chủ quyền của mình”. Trong bài xã luận đăng sau đó, tờ Nhân dân Nhật báo bình luận rằng sự xuất hiện của tàu Mỹ ở Biển Đông rõ ràng là “cố ý gây rối”, “hành động liều lĩnh”, “quân sự hóa khu vực” và đi ngược bối cảnh “hòa bình, hợp tác” ở Biển Đông hiện nay. Trong tuyên bố ám chỉ Mỹ, báo này viết rằng: “Nếu bên liên quan một lần nữa gây rối dẫn đến căng thẳng, Trung Quốc chỉ có thể đưa ra quyết định: để bảo vệ hòa bình ở Biển Đông, Bắc Kinh phải tăng cường và đẩy nhanh xây dựng lực lượng tại khu vực”.

Về phần Philippines, Bộ trưởng Quốc phòng Delfin Lorenzana khẳng định Mỹ không gây ra mối quan ngại nào miễn là dựa trên thủ tục đi qua vô hại theo luật pháp quốc tế. Đồng quan điểm, Giám đốc Viện Các vấn đề biển và luật biển Jay Batongbacal tại Đại học Philippines cho rằng sự hiện diện vừa rồi của tàu chiến Mỹ không vi phạm luật pháp quốc tế. Tuy nhiên, người phát ngôn của Tổng thống Philippines hôm 20-1 có nói rằng Manila không hy vọng bị kéo vào tranh cãi mới giữa Mỹ và Trung Quốc về hoạt động tuần tra tại Scarborough vừa qua. Là đồng minh của Mỹ, nhưng quan điểm của Manila là Washington có thể tự kiểm soát lợi ích của họ và rằng Philippines không muốn liên quan mâu thuẫn Mỹ - Trung trong vấn đề tranh chấp Biển Đông.

Trong diễn biến có liên quan, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis hôm 22-1 đã bắt đầu chuyến công du châu Á kéo dài một tuần đến Indonesia và Việt Nam trong nỗ lực tăng cường hợp tác khu vực. Thông qua chuyến đi này, giới quan sát cho rằng Washington kỳ vọng sẽ tạo ra sự tương phản giữa phương pháp tiếp cận của Mỹ và Trung Quốc, vốn được cho đang đẩy mạnh hiện đại hóa năng lực quân sự.

MAI QUYÊN (Theo Reuters)

Chia sẻ bài viết