17/01/2018 - 09:34

Trung Quốc chạy đua tìm kiếm nhân tài cho AI 

Tham vọng trở thành quốc gia đi đầu trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) của Trung Quốc đòi hỏi cần có một lực lượng lao động lớn, có tay nghề cao. Do đó, nước này hiện đang chuẩn bị mọi thứ để có thể đạt được tham vọng của mình.

Zhang Yong, Giám đốc điều hành hãng thương mại điện tử Trung Quốc Alibaba, giới thiệu bộ não AI tại một cuộc hội thảo hồi tháng 12-2017. Ảnh: Xinhua

Zhang Yong, Giám đốc điều hành hãng thương mại điện tử Trung Quốc Alibaba, giới thiệu bộ não AI tại một cuộc hội thảo hồi tháng 12-2017. Ảnh: Xinhua

Theo đó, Trung Quốc có kế hoạch chi 13,8 tỉ NDT (khoảng 2,1 tỉ USD) để xây dựng một khu công nghiệp AI ở quận Mentougou, phía Tây Bắc Kinh, cách trung tâm thủ đô của Trung Quốc khoảng 30km. Đây là khoản đầu tư lớn đầu tiên của Trung Quốc trong kế hoạch trở thành quốc gia dẫn đầu thế giới về AI vào năm 2030. Chính phủ Trung Quốc mong muốn công viên AI với diện tích 55 héc-ta này sẽ thu hút 400 công ty chuyên phát triển các sản phẩm và dịch vụ thuộc các lĩnh vực điện toán đám mây, dữ liệu lớn, nhận diện sinh trắc học và nghiên cứu sâu, mang lại doanh thu khoảng 50 tỉ NDT/năm. Công viên sẽ ứng dụng mạng viễn thông G5 và một siêu máy tính. Dự án sẽ hoàn thành trong vòng 3-5 năm tới. 

Tuy nhiên, giới chuyên gia đặt ra nghi vấn rằng liệu công viên AI nói trên sẽ thu hút được nhiều nhà nghiên cứu. Một chuyên gia giấu tên đang làm việc tại một công ty AI ở Bắc Kinh cho biết, hiện ông chưa thấy bất kỳ nhà nghiên cứu hàng đầu nào sẵn sàng đi làm và sinh sống tại công viên AI này trong bối cảnh công tác thu hút các nhà nghiên cứu về AI là một vấn đề mà các công ty cũng như trung tâm nghiên cứu lĩnh vực AI trên toàn thế giới đang phải đối mặt. “Tương lai của AI sẽ là một cuộc chiến giành giật tài năng và dữ liệu” - David Wipf, nhà nghiên cứu hàng đầu tại trung tâm nghiên cứu thuộc Tập đoàn phần mềm Microsoft (Mỹ) ở Bắc Kinh, nhận định.

Theo tờ Nature, ít nhất 5 công ty phát triển công nghệ nhận diện khuôn mặt tại Trung Quốc, trong đó gồm SenseTime và Face ++, đã thu hút hơn 1 tỉ USD từ các nhà đầu tư trong năm 2017. Tuy nhiên, họ lại gặp khó trong việc thu hút các nhà nghiên cứu khi mà Bộ Công nghệ thông tin Trung Quốc năm 2016 ước tính quốc gia đông dân nhất thế giới cần thêm 5 triệu chuyên gia AI mới có thể đáp ứng nhu cầu của ngành công nghiệp AI. Đây quả thực là một việc không hề dễ khi mà các doanh nghiệp Trung Quốc phải cạnh tranh công tác tuyển dụng nhân tài với các công ty đa quốc gia như Google, Microsoft, những nơi được cho “cám dỗ” các nhà nghiên cứu bằng mức lương rất cao. Ông Wipf nói rằng trung tâm nghiên cứu của Microsoft ở Bắc Kinh được thành lập chủ yếu là để thuê những sinh viên tốt nghiệp loại xuất sắc từ Đại học Bắc Kinh và Đại học Thanh Hoa gần đó. Tháng trước, Google cũng thành lập trung tâm nghiên cứu AI tại Bắc Kinh, phần lớn cũng để thu hút những “thần đồng” này.

Dù Đại học Bắc Kinh giới thiệu khóa học đầu tiên về AI trong năm 2004, và kể từ đó 30 trường đại học khác đã giới thiệu các khóa học tương tự nhưng các trường đại học này đang phải vất vả đáp ứng nhu cầu về nhân lực của ngành công nghiệp AI, đặc biệt trong bối cảnh nhiều sinh viên tốt nghiệp loại xuất sắc lần lượt rời Trung Quốc để ra nước ngoài làm việc, chủ yếu tại các phòng thí nghiệm về AI ở các nước từ Mỹ đến Israel. Tại một cuộc hội thảo được tổ chức tại chi nhánh Đại học New York (NYU) ở thành phố Thượng Hải hồi tháng 12-2017, gần như tất cả những người tham dự là các nhà nghiên cứu Trung Quốc làm việc tại các trường đại học hoặc các phòng thí nghiệm công nghiệp ở Mỹ.

Trước tình hình trên, Chính phủ Trung Quốc nhận thấy rằng cần phải đào tạo và giữ lại các sinh viên tốt nghiệp về AI nếu muốn trở thành quốc gia đi đầu trong lĩnh vực này trong năm 2030. Trong lộ trình phát triển AI, Quốc vụ viện Trung Quốc hồi tháng 7 năm ngoái cũng đã kêu gọi tăng cường giáo dục về AI tại các trường tiểu học và trung học cơ sở. Trong khi đó, các khóa đào tạo trực tuyến về AI cũng đang nở rộ ở Trung Quốc.

TRÍ VĂN  

Chia sẻ bài viết