08/09/2018 - 07:05

Trung Quốc bớt “chảy máu chất xám” nhờ ông Trump 

Trung Quốc dường như thành công trong việc đảo ngược tình trạng “chảy máu chất xám” khi mà rất nhiều nhà khoa học hàng đầu lựa chọn ở lại trong nước, thay vì sang Mỹ làm việc như trước đây. Theo tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) của Hồng Công, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do Bắc Kinh không ngần ngại “móc hầu bao” để thu hút họ, trong khi chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump gần đây đã có những động thái “không thân thiện” đối với các nhà khoa học gốc Hoa.

Chuyên gia làm việc tại một nhà máy ở Trung Quốc. Ảnh: SCMP
Chuyên gia làm việc tại một nhà máy ở Trung Quốc. Ảnh: SCMP

“Vấn đề chảy máu chất xám không còn nữa. Một lý do quan trọng là mức lương cao. Nguyên nhân khác nữa là do Tổng thống Trump” - Chen Guoqiang, một quan chức Đại học Thanh Hoa, cho biết.

Trong những năm qua, hơn 95% sinh viên Trung Quốc theo học tại các nước phát triển chọn ở lại sau khi tốt nghiệp. Tuy nhiên, tính tới cuối năm ngoái, hơn 83% số sinh viên Trung Quốc tốt nghiệp ở nước ngoài đã trở về, cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây (năm ngoái Trung Quốc có 600.000 sinh viên du học). Nguyên nhân chính là mức lương tại quê nhà rất hấp dẫn. Theo thông báo tuyển dụng của Viện Vật lý Hóa học Đại Liên thuộc Học viện Khoa học Trung Quốc hồi tháng rồi, mức lương dành cho một nghiên cứu sinh sau tiến sĩ ở Trung Quốc hiện lên đến 600.000 NDT (tương đương 87.827 USD)/năm, gần gấp đôi mức lương trung bình cho cùng công việc ở Mỹ. “Mức lương cơ bản vào khoảng 250.000-300.000 NDT/năm. Cộng với tiền thưởng cho những cá nhân xuất sắc từ 100.000-300.000 NDT, tổng mức lương hàng năm sẽ từ 350.000-600.000 NDT” – thông báo tuyển dụng viết. 

SCMP cho biết, tiền lương đối với lĩnh vực y sinh ở Trung Quốc là cao hơn mức trung bình. Chẳng hạn, Viện Y tế Quốc gia trả trung bình 51.450 USD, nhưng con số này vẫn thấp hơn rất nhiều so với mức lương mà Viện Vật lý Hóa học Đại Liên đưa ra. Theo ông Chen, thu nhập của các nhà khoa học Trung Quốc đã tăng một cách nhanh chóng trong những năm gần đây, ít nhất là ngang ngửa và thậm chí còn cao hơn các đồng nghiệp tại Mỹ. Ông Chen tiết lộ, trong số 60 người tốt nghiệp chương trình tiến sĩ khoa học cuộc sống tại Đại học Thanh Hoa gần đây, chỉ 5 người ra nước ngoài nhưng có tới 3 người đã quay trở lại Trung Quốc.

Thời gian qua, Nhà Trắng đã có những động thái “gay gắt” đối với các nhà khoa học gốc Hoa khi Bộ Ngoại giao Mỹ hồi tháng 6 bắt đầu rút ngắn thời hạn thị thực dành cho những sinh viên Trung Quốc theo học các lĩnh vực nghiên cứu “nhạy cảm” từ 5 năm xuống còn 1 năm. Trước đó, trong buổi điều trần tại Ủy ban Tình báo Thượng viện hồi tháng 2, giám đốc Cục Điều tra Liên bang (FBI) Christopher Wray cho rằng thông tin tình báo từ các giáo sư, nhà khoa học và sinh viên Trung Quốc ở Mỹ đã trở thành “hiểm họa toàn xã hội”. Còn trong một bữa ăn tối với các giám đốc điều hành hồi tháng rồi, Tổng thống Trump thậm chí ám chỉ rằng mỗi sinh viên tới từ Trung Quốc đều là “một điệp viên”.

Ông Chen cho rằng trong tình cảnh trên, “trừ khi có một đề nghị không cưỡng lại được, chẳng hạn như một vị trí tại phòng thí nghiệm hàng đầu, thì hầu hết mọi người đều tránh ở lại Mỹ”.

Thu hút cả nhân tài Đài Loan

Không những nỗ lực lôi kéo nhân tài về nước, Trung Quốc còn vung tiền thu hút cả nhân tài trong ngành công nghiệp sản xuất chíp điện tử Đài Loan. Theo đó, nếu một kỹ sư Đài Loan đồng ý làm việc tại đại lục, anh ta sẽ nhận khoản lương “khủng”, mỗi năm được về thăm nhà miễn phí 8 lần và được mua căn hộ với giá ưu đãi. Ước tính, hơn 300 kỹ sư cao cấp từ Đài Loan đã chuyển sang làm việc tại các công ty sản xuất chíp điện tử Trung Quốc trong năm nay. Trước đó, Trung Quốc đã lôi kéo được gần 1.000 kỹ sư Đài Loan kể từ khi Bắc Kinh thành lập quỹ 22 tỉ USD nhằm phát triển ngành công nghiệp chíp điện tử hồi năm 2014.

Thu hút nhân tài từ Đài Loan đã trở thành một phần chủ chốt trong nỗ lực của Bắc Kinh nhằm thúc đẩy nền công nghiệp cũng như giảm thiểu sự phụ thuộc của nước này vào các công ty nước ngoài đối với các chíp điện tử được dùng để chế tạo điện thoại thông minh hay vệ tinh quân sự. Theo Reuters, Trung Quốc bắt đầu chiến dịch này từ năm 2014 nhưng sôi nổi nhất có lẽ là vào năm nay khi mà căng thẳng thương mại Mỹ-Trung leo thang. Ước tính, Trung Quốc đã nhập khẩu 260 tỉ USD hàng bán dẫn trong năm 2017, nhiều hơn cả dầu thô, trong bối cảnh chíp điện tử sản xuất trong nước chỉ đáp ứng chưa tới 20% nhu cầu nội địa trong năm 2017.

TRÍ VĂN

Chia sẻ bài viết