11/06/2018 - 07:30

Trung, Nhật đua nhau đầu tư sang châu Âu 

Năm 2018 đánh dấu kỷ niệm 15 năm quan hệ đối tác chiến lược giữa Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc, cũng như giữa EU và Nhật Bản.  Những năm gần đây, Trung Quốc và Nhật Bản đã đua nhau đổ tiền vào các quốc gia ở Trung và Đông Âu (CEE), điển hình như CH Séc và Romania.

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường (giữa) tại Hội nghị thượng đỉnh CEE - Trung Quốc lần thứ 6 ở Hungary năm 2017.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường (giữa) tại Hội nghị thượng đỉnh CEE - Trung Quốc lần thứ 6 ở Hungary năm 2017.

Theo báo The Diplomat, do có quy mô kinh tế nhỏ hơn, nên các nước CEE dễ dàng chào đón hoạt động đầu tư của Trung Quốc mà ít quan ngại về động cơ kín đáo của cường quốc kinh tế số hai thế giới. Tờ Financial Times cho biết CH Séc và Romania là 2 nước đứng đầu (không kể Bosnia) trong thu hút vốn đầu tư cơ sở hạ tầng từ Trung Quốc giai đoạn 2012-2016, nhưng chưa có dấu hiệu nào cho thấy cam kết của Bắc Kinh về việc rót 5,5 tỉ USD vào đây được hiện thực hóa bằng các dự án cụ thể.

Trái lại, Nhật Bản đã có sự hiện diện liên tục và đáng tin cậy trong bức tranh kinh tế của CH Séc và Romania. Tuy sự hiện diện của Nhật tại Romania ít được truyền thông chú ý, nhưng sự thật là các nhà đầu tư xứ hoa anh đào đã bắt đầu hoạt động tại nước này từ đầu những năm 2000. Đến năm 2017, Nhật là nhà đầu tư châu Á lớn nhất ở Romania. Sự có mặt của hơn 150 doanh nghiệp Nhật đang giúp tạo ra khoảng 40.000 công ăn việc làm cho Romania.

Bên cạnh đầu tư kinh doanh, Nhật còn được đánh giá cao nhờ việc cung cấp các khoản vay ODA, nguồn tài chính đã giúp xây dựng hoặc hiện đại hóa các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng của Romania trong lĩnh vực giao thông và năng lượng.

Các công ty Nhật cũng có sự hiện diện lớn hơn đối tác Trung Quốc tại CH Séc dù các nhà hoạch định chính sách lẫn công chúng nước này ít thấy hoạt động của họ. Trên thực tế, Nhật đã có mặt tại CH Séc từ những năm 1990 và có khoảng 250 công ty đang hoạt động tại đây. Theo cơ quan xúc tiến đầu tư của CH Séc- CzechInvest, các công ty Nhật đang thuê ít nhất 50.000 lao động và Nhật là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 2 tại đây với 3,6 tỉ euro tính tới năm 2016. Trong khi đó, tuy hoạt động rầm rộ nhưng tổng vốn đầu tư của Trung Quốc vào CH Séc tới năm 2017 mới đạt 0,9 tỉ euro.

Mặc dù không trực tiếp đề cập tới sáng kiến “Vành đai, Con đường” (BRI) của Trung Quốc, song Chiến lược An ninh Quốc gia năm 2017 của Mỹ đã bày tỏ quan ngại rằng BRI có thể cho phép Bắc Kinh có được “chỗ đứng chiến lược tại châu Âu bằng cách mở rộng các hoạt động thương mại không công bằng và đầu tư vào các ngành công nghiệp then chốt, công nghệ và cơ sở hạ tầng nhạy cảm”.

 Thực ra, nhiều nước EU đang ngày càng lo ngại về những hậu quả kinh tế tiêu cực và những tác động tới chính sách xung quanh vốn đầu tư của Bắc Kinh ở lục địa già. Tháng 4 vừa qua, có tới 27/28 quốc gia thành viên EU đã cùng ký tên vào một văn kiện lên án BRI là công cụ cản trở thương mại tự do và mang lại những lợi thế không công bằng cho các công ty Trung Quốc.

Trái lại, có rất ít tranh luận về các khoản đầu tư của Nhật Bản ở châu Âu.

ĐÔNG PHONG

Chia sẻ bài viết