02/02/2018 - 14:08

Trung, Nhật cạnh tranh ảnh hưởng tại Myanmar 

Trong bối cảnh Trung Quốc và Nhật Bản đang cạnh tranh quyết liệt, Myanmar đã trở thành “đấu trường” khi hai cường quốc châu Á này nỗ lực gầy dựng ảnh hưởng thông qua các hợp đồng phát triển cơ sở hạ tầng.

Mô hình đặc khu kinh tế Kyauk Pyu do Trung Quốc đầu tư tại Myanmar. Ảnh: Reuters

Mô hình đặc khu kinh tế Kyauk Pyu do Trung Quốc đầu tư tại Myanmar. Ảnh: Reuters

Với sáng kiến “Vành đai, Con đường - BRI” vốn hứa hẹn đổ hàng nghìn tỉ USD cho các dự án phát triển cơ sở hạ tầng và năng lượng ở nước ngoài, Trung Quốc đang cực kỳ năng động ở Myanmar khi trở thành đối tác thương mại và là nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn nhất của nước này. Kể từ năm 1988, Trung Quốc đã đổ 14 tỉ USD vốn FDI vào Myanmar và chỉ trong 8 tháng đầu của năm tài chính 2017, kim ngạch thương mại giữa hai nước đã đạt 7,42 tỉ USD.

Đơn cử, một liên doanh các công ty Trung Quốc năm ngoái đã ký kết hợp đồng xây dựng một cảng biển sâu và một đặc khu kinh tế ở Myanmar. Trong khi đó, đường ống dẫn dầu Trung Quốc-Myanmar kéo dài từ đặc khu kinh tế Kyauk Pyu (được Trung Quốc đầu tư 10 tỉ USD) tới Côn Minh đã đi vào hoạt động.

Mới đây, Trung Quốc còn đề xuất xây dựng hành lang kinh tế Trung Quốc-Myanmar. Theo Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị, hành lang kinh tế này sẽ khởi đầu ở tỉnh Vân Nam và nối với thành phố Mandalay ở miền Trung Myanmar, sau đó mở rộng sang hai hướng là thành phố Yangon mới và đặc khu kinh tế Kyauk Pyu. Ông Vương cho rằng đề xuất này nhằm mục đích tăng cường tính kết nối giữa các dự án lớn dọc tuyến đường cũng như thúc đẩy sự phát triển ở Myanmar.

Trong khi đó, với sáng kiến “Đối tác phát triển cơ sở hạ tầng chất lượng cao”, Nhật Bản đã công khai thách thức BRI của Trung Quốc. Thông qua các “cỗ máy” tài chính như Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) và sáng kiến ​​cơ sở hạ tầng vừa đề cập, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe gần đây đã mở rộng đầu tư tại các quốc gia châu Á, cam kết chi thêm 200 tỉ USD cho phát triển cơ sở hạ tầng nước ngoài. Tại Myanmar, kể từ năm 2012, Nhật Bản đã đầu tư trực tiếp hơn 717 tỉ USD vào nước này để phát triển mạng lưới đường sắt, cơ sở y tế, cơ sở hạ tầng năng lượng, trong đó có đặc khu kinh tế Thilawa với diện tích 2.342 héc-ta ở ngoại ô Yangon với 49% vốn đầu tư đến từ JICA và ba ngân hàng Nhật Bản.

Nhật Bản cũng tỏ ra rất năng động trong lĩnh vực năng lượng ở Myanmar. Theo đó, JICA đã đề nghị giúp giải quyết cuộc khủng hoảng năng lượng của Myanmar bằng than sạch. Bên cạnh đó, công ty Industrial Decisions của Nhật hợp tác với các công ty của Singapore và Myanmar phát triển mỏ than Paluzawa trị giá 1,7 tỉ USD cùng một nhà máy điện, trong khi Tập đoàn Marubeni là một đối tác trong dự án nhà máy sản xuất điện bằng than Myeik trị giá 3,5 tỉ USD.

Ngoài ra,  Tập đoàn Mitsubishi đã bắt tay Tập đoàn Jalux cải tiến và hiện đang  vận hành sân bay quốc tế Mandalay. Mitsubishi cũng tham gia vào một dự án phát triển với vốn đầu tư 350 triệu USD ở Yangon và mỗi trong số 3 ngân hàng lớn nhất của Nhật Bản đã đầu tư 75 triệu USD vào Myanmar để trở thành nhà đầu tư nước ngoài chính thức tại đây.

Bên cạnh FDI, Nhật Bản cũng cung cấp cho Myanmar nhiều khoản vay, lần lượt là 1 tỉ USD, 7,7 tỉ USD và 824 triệu USD trong các năm 2015, 2016 và 2017. Sân bay quốc tế Yangon mới cũng được Nhật Bản tài trợ 49% vốn.

TRÍ VĂN (Theo Forbes)

Chia sẻ bài viết