07/05/2011 - 20:42

Đẩy mạnh ứng dụng máy gặt đập liên hợp ở ĐBSCL

Trông chờ chính sách mới!

Nhờ tiết kiệm chi phí thu hoạch, giảm tỷ lệ hao hụt, tăng chất lượng lúa dẫn đến tăng giá thành, sự xuất hiện của những chiếc máy gặt đập liên hợp (GĐLH) trên các cánh đồng đã góp phần tạo nên một giá trị gia tăng cho nghề trồng lúa khu vực ĐBSCL mỗi năm hàng ngàn tỉ đồng… Hiệu quả là như thế, song vẫn còn nhiều diện tích lúa ở ĐBSCL vẫn chưa tiếp cận được với công nghệ mới này, do sự thiếu hụt lượng máy GĐLH.

* Hiệu quả từ giảm tổn thất sau thu hoạch

Ứng dụng máy GĐLH sẽ tạo ra hàng trăm tỉ đồng giá trị gia tăng mỗi năm cho nghề trồng lúa. 

Theo báo cáo kết quả điều tra do Dự án DANIDA (Cơ quan Phát triển quốc tế Đan Mạch) thực hiện (năm 2004) và kết quả khảo sát từ những đơn vị chức năng khác, tổn thất thu hoạch và sau thu hoạch lúa ở vùng ĐBSCL là 12,7%. Trong đó, chỉ tính riêng thu hoạch thủ công ở các khâu cắt, gom, suốt... đã gây thất thoát trung bình 5,1 % sản lượng; khoảng 7,6% còn lại tổn thất thuộc về sau thu hoạch (phơi, sấy, tồn trữ...). Nhưng nếu thu hoạch bằng máy GĐLH, mức độ hao hụt sẽ giảm được 3,1% so với thu hoạch bằng thủ công.

Theo tính toán của ngành nông nghiệp, khi thu hoạch bằng máy GĐLH, nông dân tiết kiệm được chi phí thuê mướn hơn 500.000 – 600.000 đồng/ha (thuê máy 1,9-2 triệu đồng/ha, so với thuê lao động thủ công cắt, gom, suốt là 2,4-2,6 triệu đồng/ha). Lúa thu hoạch bằng máy GĐLH có mẫu mã tốt hơn (sáng màu, khô, ít lẫn tạp chất...) nên bán cao giá hơn cắt thủ công từ 100 - 150 đồng/kg, thậm chí có thời điểm cao hơn 200-250 đồng/kg. Nếu lấy năng suất lúa bình quân 5,47 tấn/ha và giá bán 5.000 đồng/kg, chỉ riêng các khoản trên đã giúp người trồng lúa có thêm gần 2 triệu đồng/ha. Như vậy, với diện tích sản xuất lúa năm 2010 của ĐBSCL theo thống kê của Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) là 3,939 triệu ha, nếu được cơ giới hóa thu hoạch toàn bộ sẽ tạo nên một giá trị gia tăng khoảng 8.000 tỉ đồng. Việc bán lúa ngay sau khi thu hoạch xong (nhờ lúa sáng màu, có độ khô nhất định, ít lẫn tạp chất do thu hoạch bằng máy GĐLH) cũng giúp nông dân giảm được gần như toàn bộ những tổn thất sau thu hoạch, theo ước tính khoảng 7,6% sản lượng. Với sản lượng lúa toàn vùng năm 2010 trên 21 triệu tấn, việc bán lúa ngay sau thu hoạch sẽ giúp nông dân giảm tổn thất khoảng 1,6 triệu tấn lúa, tức tương đương 8 tỉ đồng.

* Vẫn trông chờ những chính sách mới

Hiện nay, tỷ lệ cơ giới hóa trong khâu thu hoạch lúa ở ĐBSCL hiện vẫn còn rất thấp. Điều này cho thấy tiềm năng đầu tư máy GĐLH trong khu vực còn khá lớn. Tỷ lệ cơ giới hóa thu hoạch còn thấp có nhiều nguyên nhân; trong đó, có một phần do các máy GĐLH chưa đáp ứng được nhu cầu thu hoạch lúa của nông dân. Do đó, hầu hết nông dân sử dụng dịch vụ (thuê máy để cắt lúa) không thích chọn máy nội địa để thuê cắt. Họ thích chọn các máy có tính năng kỹ thuật cao vì máy gặt nhanh, ít hao hụt, ít lẫn tạp chất và máy ít bị hư hỏng khi đang làm việc... Điều này khiến người đầu tư máy nội địa chậm thu hồi vốn, chi phí khấu hao cao... khả năng sinh lời thấp hơn đầu tư máy có công nghệ ngoại nhập tiên tiến.

Chính nhu cầu thuê mướn máy ngoại nhập, nên những người đầu tư đều muốn mua máy GĐLH có công nghệ tiên tiến dù giá máy này hiện trên 500 triệu đồng/chiếc. Vì khả năng thu hồi vốn nhanh, độ bền cao, phụ tùng đồng bộ, tính năng kỹ thuật tốt, đặc biệt là chế độ bảo trì, bảo hành và chính sách chăm sóc khách hàng tốt. Theo tính toán, mỗi máy ngoại nhập, mỗi năm trung bình làm dịch vụ khoảng 300ha. Sau khi đã khấu trừ các khoản chi phí như: nhiên liệu, khấu hao, thuê mướn công nhân lái máy, các chi phí khác..., chủ máy còn thu được lợi nhuận tương đương 240 triệu đồng/năm. Như vậy, chỉ sau hơn 2 năm, người đầu tư sẽ thu hồi lại được vốn. Do đó, dù suất đầu tư cao nhưng cả nông dân và ngân hàng đều an tâm hơn khi đầu tư loại máy này.

Lợi ích từ việc cơ giới hóa trong sản xuất lúa là hoàn toàn có đủ cơ sở khoa học và thực tiễn. Nhu cầu đầu tư máy GĐLH trong dân hiện rất cao, nhưng năng lực tài chính còn hạn chế và việc tiếp cận nguồn vốn ưu đãi còn khó khăn do vướng các quy định của Chính phủ. Trong khi đó, các chính sách hỗ trợ cơ giới hóa của Chính phủ theo Quyết định số 63/2010/QĐ-TTg ngày 15-10-2010 về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản, đến nay vẫn rất khó thực hiện. Nguyên nhân chủ yếu do các chủng loại máy đáp ứng theo quyết định này phải có tỷ lệ nội địa hóa 60%, nhưng phần lớn các loại máy này không được nông dân chọn để sử dụng vì độ bền vật liệu không cao, thiết bị thiếu đồng bộ, năng lực sản xuất của các cơ sở chưa có uy tín trên thị trường.

Hiệu quả kinh tế, xã hội mang lại cho người sản xuất lúa và người đầu tư thiết bị máy móc là khá lớn như đã phân tích đánh giá nêu trên. Do đó, để góp phần đẩy nhanh tiến độ công nghiệp hóa, hiện đại hóa sản xuất nông nghiệp; đặc biệt là tăng năng suất, sản lượng, tạo lợi thế cạnh tranh cho mặt hàng lúa gạo trong thời gian tới, rất cần có những chính sách hỗ trợ mới phù hợp hơn cho nông dân, nhằm tạo ra giá trị gia tăng cho nghề trồng lúa trong thời điểm chi phí sản xuất đang tăng cao.

Bài, ảnh: XUÂN TRƯỜNG

Chia sẻ bài viết