05/12/2017 - 15:24

Trồng 7.000 cây bản địa ở Khu bảo tồn Láng Sen 

Ngày 5-12, hơn 7.000 cây bản địa như cây gáo vàng, cây tre… được trồng mới tại Khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen (Long An).

Ngày 5-12, có 7.000 cây bản địa được trồng mới tại khu Láng Sen

Đây là một trong những nỗ lực phục hồi sinh cảnh rừng đang bị suy thoái do những tác động của biến đổi khí hậu và hoạt động con người gây ra. Đồng thời, cũng nhằm khôi phục Khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen, một trong những nơi có hệ sinh thái quan trọng nhất của khu vực ĐBSCL, ngôi nhà của hơn 400 loài động thực vật đa dạng...

Khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen, được thành lập vào năm 2004, là một trong số ít những sinh cảnh tự nhiên còn sót lại của vùng Đồng Tháp Mười. Tuy nhiên, những năm gần đây, sự biến đổi nhanh chóng về các yếu tố khí hậu như nhiệt độ và lượng mưa, cũng như về chế độ thủy văn của sông Mekong… đã làm cảnh quan rừng tại đây xuống cấp nghiêm trọng, gây sức ép lên các hệ sinh thái vốn đóng vai trò quan trọng trong việc điều tiết nước cho vùng ĐBSCL.

Trước những khó khăn trên, Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) phối hợp cùng Công ty Intel Việt Nam và các ngành chức năng tỉnh Long An đã tiến hành xây dựng dự án khôi phục rừng bị suy thoái ở Láng Sen vào năm 2016, vừa nhằm bảo tồn sinh cảnh cho các loài hoang dã và đảm bảo sinh kế cho người dân địa phương đang sống phụ thuộc phần lớn vào hệ sinh thái tại đây.

Riêng năm 2016 đã có hơn 12.000 cây gáo vàng và cây tre, được trồng mới, với tỷ lệ cây sống hơn 80%. Qua theo dõi cho thấy, khu vực rừng tái trồng mới đã góp phần vào việc duy trì sinh cảnh hoang dã, cải thiện khả năng điều tiết của đất ngập nước để giảm thiểu các tác động tiêu cực của lũ lụt và hạn hán; đồng thời góp phần cung cấp thêm lâm sản, mật ong, các loại dược liệu hoặc dịch vụ du lịch sinh thái rừng… để hỗ trợ các hộ nghèo và cận nghèo trong khu vực Láng Sen.

Theo Báo Sài Gòn Giải Phóng

Chia sẻ bài viết