29/12/2017 - 10:26

Trợ lực để sinh viên sáng tạo 

Gần đây, sinh viên (SV) các trường đại học có những sáng tạo trong học tập cũng như tạo ra những sản phẩm phục vụ cộng đồng. Tuy nhiên, không ít SV gặp khó khăn trong quá trình nghiên cứu do thiếu kinh nghiệm, ít cơ hội thể hiện, thiếu kinh phí…. Để giải quyết những vướng mắc này, cần có sự chung tay góp sức từ nhiều phía.

Sinh viên sáng tạo

Những ngày này, nhóm SV Phạm Thị Thùy Linh, ngành Kỹ thuật môi trường; Lê Phương Hướng, ngành Tài chính ngân hàng; Cao Thanh Hùng, Đặng Quang Minh, ngành Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa Trường Đại học Cần Thơ (ĐHCT) đang tất bật hoàn thiện thiết bị đo lường và cảnh báo chất lượng không khí để tham gia tranh tài ở cuộc thi “Dynamic - SV nhà doanh nghiệp tương lai" tổ chức vào tháng 1 - 2018. Trước đó, sản phẩm của nhóm được trao giải Nhất tại cuộc thi trình diễn ý tưởng sáng tạo do Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc phối hợp Sở Khoa học - Công nghệ TP Cần Thơ, Trường ĐHCT tổ chức. Trưởng nhóm Thùy Linh cho biết: “Có nhiều cách xử lý nước, chất thải rắn để bảo vệ môi trường nên chúng tôi muốn tìm ra sản phẩm để kiểm tra chất lượng không khí, cảnh báo việc rò rỉ gas, môi trường độc hại… Thiết bị này có thể theo dõi ô nhiễm không khí dựa trên giám sát khí gas, CO, CO2, độ ẩm, nhiệt độ…, rồi truyền dữ liệu về máy chủ cũng như kích hoạt báo động khi chất lượng không khí nguy hiểm, độc hại”.

Thùy Linh và Thanh Hùng đang chuẩn bị sản phẩm để tham dự cuộc thi Dynamic - Sinh viên nhà doanh nghiệp tương lai. 

Theo SV Cao Thanh Hùng, thiết bị đo lường và cảnh báo chất lượng không khí sẽ hiển thị số liệu về không khí trên màn hình LCD hoặc các ứng dụng của điện thoại thông minh. Qua đó, giúp người dùng dễ dàng giám sát môi trường làm việc, môi trường sống. Hiện nhóm của Hùng chế tạo thiết bị kiểm tra không khí trong nhà; đồng thời, từng bước hoàn thiện thiết bị kiểm tra không khí văn phòng. Chi phí làm mỗi sản phẩm dao động từ 950.000 đồng đến 1,5 triệu đồng. Ngoài việc cùng chế tạo thiết bị đo lường chất lượng không khí, Thanh Hùng, Thùy Linh và một số SV trong và ngoài Trường ĐHCT đang nghiên cứu mô hình xử lý nước thải bằng thảm thực vật và đang được một công ty sản xuất xi măng thử nghiệm. Thanh Hùng cho biết: “Dự án xử lý nước thải có thể kéo dài 6 - 8 tháng. Lãnh đạo công ty hỗ trợ chi phí để chúng tôi đi lại, sinh hoạt và nghiên cứu tại công ty”.

Cần hỗ trợ nhiều hơn

Hiện nhiều SV có ý tưởng, sáng tạo các sản phẩm phục vụ cuộc sống nhưng gặp nhiều khó khăn trong nghiên cứu, như: mất nhiều thời gian làm ra sản phẩm, ảnh hưởng kết quả học tập; không tìm được nhà đầu tư và đầu ra sản phẩm… Thùy Linh chia sẻ: “SV rất khó "biến" ý tưởng thành sản phẩm bởi công việc này đòi hỏi phải có chuyên môn các lĩnh vực kỹ thuật, quản lý, kinh doanh...”.

2 năm qua, Nguyễn Xuân Vinh, lớp Cơ điện tử khóa 4, Trường Đại học Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ và nhóm bạn nghiên cứu 2 sản phẩm là “Thiết bị tích điện đường bộ” và “Mạch điều khiển đa thiết bị bằng Internet và bluetooth”. Vinh gặp nhiều khó khăn trong quá trình làm các sản phẩm do kiến thức chuyên môn còn hạn chế. Vinh tự học rất nhiều, nhất là các trang mạng lĩnh vực công nghệ. Bên cạnh đó, do các sản phẩm kỹ thuật, chi phí thực hiện khá cao nên nhóm Vinh mất nhiều thời gian tích lũy mới có thể bắt tay nghiên cứu. Vinh chia sẻ: “Theo tôi, để tạo ra những sản phẩm có ích cho xã hội, đầu tiên các bạn cần sự đam mê sáng tạo, nghiên cứu, chịu khó tìm tòi, học hỏi. Có như vậy, khi gặp khó khăn, thách thức, các bạn mới đủ bản lĩnh vượt qua”.

Theo anh Lâm Phước Thành, Phó Bí thư Đoàn trường ĐHCT, nếu trước đây, SV chỉ dừng lại các ý tưởng thì hiện nay, có thể biến thành các sản phẩm cụ thể. Tuy nhiên, nhiều bạn gặp khó khăn khi có ít doanh nghiệp hỗ trợ, đồng hành. Ngoài ra, sau khi tốt nghiệp, khó có điều kiện tập hợp nhóm bạn. Vì vậy, theo anh Thành, cần có những đơn vị hỗ trợ SV nghiên cứu dài lâu đến khi ra trường, cũng như chuyên gia tư vấn, hỗ trợ… Anh Lâm Phước Thành cho biết: “Ban Thường vụ Đoàn trường thành lập các bộ phận hỗ trợ SV nghiên cứu, khởi nghiệp. Qua đó, giúp kết nối SV với ban tổ chức các cuộc thi, các doanh nghiệp để giới thiệu và thương mại hóa sản phẩm. Tôi nghĩ, vấn đề cốt lõi, các bạn phải nghiên cứu làm ra những sản phẩm người tiêu dùng cần trên lĩnh vực chuyên môn. Sắp tới, chúng tôi sẽ tiếp tục kết nối với chuyên gia, doanh nghiệp để SV có nhiều cơ hội thể hiện khả năng sáng tạo”.

PHẠM TRUNG

Chia sẻ bài viết