03/01/2010 - 20:19

Trợ lực để khu công nghiệp phát triển bền vững

Thiếu “đất sạch”, môi trường đầu tư chưa thực sự hấp dẫn nhà đầu tư, ô nhiễm môi trường (ÔNMT) ngày càng nghiêm trọng ở các khu công nghiệp (KCN) tập trung. Năng lực tài chính, quản lý... của các nhà đầu tư hạ tầng KCN cũng trở thành lực cản trong việc giải phóng mặt bằng, tạo quỹ “đất sạch” đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp (DN) đến tìm hiểu đầu tư vào các KCN của TP Cần Thơ. Tất cả bất cập này nếu không giải quyết rốt ráo, sự phát triển của KCN sẽ trở nên kém bền vững...

Thiếu “đất sạch”...

Theo Ban quản lý Các khu chế xuất và công nghiệp Cần Thơ (BQL KCX&CN), từ đầu năm 2009 đến nay, các KCN không thu hút thêm dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), chỉ có 21 dự án đầu tư mới vốn trong nước và 11 dự án tăng vốn mở rộng sản xuất, diện tích thuê đất hơn 23 ha, tổng vốn đầu tư đăng ký trên 268,6 triệu USD. Các KCN hiện có 185 dự án còn hiệu lực (141 dự án hoạt động, 33 dự án đang xây dựng, 11 dự án chưa triển khai), diện tích thuê đất hơn 539,6 ha, với tổng đầu tư đăng ký là 1.597 triệu USD; vốn thực hiện trên 554,3 triệu USD, chiếm 35% tổng vốn đăng ký. Theo các ngành chức năng, thiếu “đất sạch”, tác động của suy giảm kinh tế, nên việc thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước vào các KCN bị hạn chế.

Một góc Khu công nghiệp Hưng Phú I ở quận Cái Răng, TP Cần Thơ. Ảnh: KHÁNH TRUNG 

Thành phố hiện có 6 KCN tập trung với diện tích trên 843,5 ha và 2 KCN đang triển khai lập qui hoạch, đưa tổng số KCN trên địa bàn lên 8 KCN với tổng diện tích 1.898 ha. Trong 6 KCN chỉ có KCN Trà Nóc I (135 ha) đã lấp đầy 100% diện tích đất công nghiệp, KCN Trà Nóc II (165 ha) đạt 97%, KCN Thốt Nốt (giai đoạn I 104 ha) lấp đầy 70%, còn KCN Hưng Phú I (226 ha) mới đạt gần 13%, Hưng Phú II (212 ha) tỷ lệ này chỉ 10%... Hiện nay, tiến độ xây dựng hạ tầng một số KCN chậm so với kế hoạch đề ra và làm ảnh hưởng đến thu hút đầu tư. Mặt khác, việc qui hoạch khu tái định cư, nhà ở công nhân chưa được thực hiện một cách đồng bộ nên việc giải tỏa bồi hoàn cho dân trong vùng dự án chậm, vẫn còn hộ dân chưa chịu nhận tiền bồi hoàn.

Ông Võ Thanh Hùng, Trưởng BQL KCX&CN Cần Thơ, cho biết: “Tiến độ xây dựng của KCN Hưng Phú I, Hưng Phú 2A và 2B hiện rất chậm. Có nhiều nguyên nhân như: thay đổi chủ đầu tư hạ tầng nhiều lần, ảnh hưởng của suy giảm kinh tế; thủ tục hành chính còn rườm rà, chồng chéo. Chủ đầu tư KCN Hưng Phú I có tư tưởng chờ cầu Cần Thơ hoàn thành, cảng Cái Cui và kênh Quan Cánh Bố triển khai mới đẩy nhanh tiến độ thi công. Mặt khác, các chủ đầu tư hạ tầng của các KCN này yếu về năng lực tổ chức, quản lý, đầu tư nhiều dự án nên dàn trải. Giá đất bồi hoàn trong vùng dự án KCN chênh lệch so với dự án khác nên người dân có tâm lý so bì cũng làm cho tiến độ giải phóng mặt bằng chậm, làm vuột mất nhiều cơ hội thu hút đầu tư”. Theo ông Hùng, cụ thể như giá đất bồi thường ở KCN Hưng Phú, tại trục đường Quang Trung- Cái Cui bên phải là dự án các khu dân cư, giá đất thì thương lượng, còn bên trái là dự án KCN, giá bồi hoàn theo qui định nhà nước han hành hằng năm. Giá đất nông nghiệp năm 2009 theo qui định của thành phố: đất lúa 108.000 đồng/m2, giá đất vườn 126.000 đồng/m2. Trong khi giá đất lúa theo thương lượng của dự án khu dân cư lên đến 500.000- 1.000.000 đồng/m2 làm người dân trong vùng dự án so bì, gây khó khăn cho công tác bồi hoàn, giải tỏa.

Theo BQL KCX&CN Cần Thơ, năm 2009, tổng doanh thu của các DN trong KCN giảm 35% so với năm trước và đạt hơn 1,39 tỉ USD. Trong đó, giá trị sản xuất công nghiệp gần 900 triệu USD, giảm 4% so năm ngoái, dịch vụ thương mại 493 triệu USD, bằng 50% cùng kỳ; xuất khẩu 515 triệu USD, giảm 11%. Riêng các doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 195,8 triệu USD, giảm 13%... Tổng doanh thu giảm do tác động của suy giảm kinh tế, nhất là DN ngành hàng thủy sản. Tuy nhiên, phần lớn DN đã vượt qua giai đoạn khó khăn và ổn định sản xuất, kinh doanh cùng với vốn kích cầu của Chính phủ đã tiếp sức kịp thời cho DN, năm 2009, có 25 DN trong KCN được vay vốn ưu đãi với tổng số tiền vay 1.200 tỉ đồng. Mặc dù sản xuất suy giảm, nhưng các DN trong KCN đã thực hiện nghĩa vụ thuế khoảng 2.100 tỉ đồng, tăng 55% so năm trước, góp phần đảm bảo việc làm cho 31.720 lao động. Và dù còn nhiều hạn chế và bất cập trong quá trình phát triển, nhưng các KCN Cần Thơ đã thể hiện vai trò “hạt nhân” thúc đẩy ngành công nghiệp thành phố giữ vững tốc độ tăng trưởng đứng đầu khu vực ĐBSCL.

Nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững của KCN, hiện nay, BQL KCX&CN Cần Thơ đã họp với các nhà đầu tư hạ tầng KCN để bàn kế hoạch giải quyết, đẩy nhanh tiến độ thi công; đồng thời, mạnh tay thu hồi dự án nếu chủ đầu tư chậm triển khai theo cam kết. Theo ông Võ Thanh Hùng, Trưởng BQL KCX&CN Cần Thơ, đến cuối quý II/2010, nếu chủ đầu tư hạ tầng các KCN Hưng Phú I, Hưng Phú 2A và 2B không bồi hoàn, san lấp được 50% diện tích qui hoạch sẽ thu hồi dự án giao nhà đầu tư khác.

Quản lý môi trường ở khu công nghiệp - vấn đề cấp bách!

Hiện nay, nạn ô nhiễm môi trường ngày một tăng ở KCN do sự phát triển nóng vội; đa phần dự án hoạt động sản xuất ở đây chủ yếu là trên lĩnh vực chế biến nông- thủy sản khá nhạy cảm với môi trường. Theo đánh giá của ngành chức năng, hiện 6 KCN tập trung của thành phố đều đã lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, nhưng chưa thực hiện đầy đủ các nội dung của Quyết định phê duyệt và báo cáo đánh giá tác động môi trường (chưa xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung). Tuy nhiên, từng DN đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải cục bộ. Ông Dương Bá Diện, Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường TP Cần Thơ, cho biết: “Mặc dù rất quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường, nhưng khí thải, nước thải của các DN chưa được quản lý nghiêm ngặt. Các DN hoạt động trong KCN phải có hệ thống xử lý nước thải cục bộ đạt tiêu chuẩn loại B và thải vào hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt loại A mới đưa ra môi trường, nhưng thực tế, các KCN chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung nên có DN thải ra loại A, có DN thải loại B chưa nhất quán trong quản lý”. Theo ông Dương Bá Diện, hiện các DN hoạt động trong KCN vận hành hệ thống xử lý nước thải theo kiểu tự giác, chứ việc kiểm soát của các đơn vị chức năng chưa thực hiện nghiêm ngặt khi chưa có hệ thống xử lý tập trung. Trong khi nạn ÔNMT ngày càng tăng, gây bức xúc cho một bộ phận dân cư sống gần KCN. Nếu không giải quyết tốt vấn đề này, sự phát triển ngày càng nhanh chóng của DN theo yêu cầu thị trường, tình trạng ÔNMT sẽ khó kiểm soát hơn.

Thống kê của BQL KCX&CN Cần Thơ, tại KCN Trà Nóc: 33 DN có vấn đề về nước thải (13 DN chế biến thủy sản), trong số này 24 DN đã xây dựng nhà máy xử lý nước thải cục bộ; 22 DN có phát sinh khí thải, mùi hôi (11 DN có vấn đề về mùi hôi, chủ yếu trên lĩnh vực sản xuất phụ phẩm); 19 DN phát sinh tiếng ồn... Hiện KCN Trà Nóc I và II chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung theo báo cáo đánh giá tác động môi trường, nên có hiện tượng DN xả nước thải trực tiếp vào đường thoát nước của KCN hay ra môi trường bên ngoài làm ảnh hưởng đến đời sống của người dân lân cận KCN. Năm 2009, các ngành chức năng đã tiến hành kiểm tra các DN trong KCN về công tác bảo vệ môi trường và đã đình chỉ hoạt động của 2 nhà máy sản xuất phụ phẩm, 7 DN vi phạm đã bị phạt tiền với tổng số tiền 128 triệu đồng...

Theo ông Võ Thanh Hùng, Trưởng BQL KCX&CN Cần Thơ, các ngành chức năng đang phối hợp với Công ty TNHH Cấp thoát nước Cần Thơ triển khai dự án nhà máy xử lý nước thải tập trung công suất 15.000 m3/ngày đêm, tổng vốn đầu tư 11,4 triệu euro do Ngân hàng Tái thiết Đức đầu tư, dự kiến khởi công trong năm 2010 và hoàn thành vào năm 2012. Các KCN còn lại phải thực hiện đúng qui định của Thông tư 08/2009-TT-BTNMT ngày 15-7-2009 về qui định quản lý và bảo vệ môi trường khu kinh tế, khu công nghệ cao, KCN. Còn ông Dương Bá Diện, Giám đốc Sở Tài nguyên- Môi trường TP Cần Thơ cho rằng, các KCN mới đi vào hoạt động chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung phải xây dựng nhà máy hoàn thành trước ngày 31-12-2010 (theo Thông tư 08/2009-TT-BTNMT), các DN nằm xen kẽ trong khu dân cư gây ÔNMT, cần phải qui hoạch di dời ra khỏi khu vực này. Mặt khác, kiện toàn bộ máy quản lý, có sự phân công, phân cấp rõ ràng trong việc thực hiện trách nhiệm quản lý môi trường; việc thu hút đầu tư vào KCN cũng cần cân nhắc tính đến yếu tố môi trường. Có như vậy, các KCN mới thực sự phát triển bền vững.

GIA BẢO

Chia sẻ bài viết