26/11/2017 - 16:01

Trợ lực cho doanh nghiệp khởi nghiệp 

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp ở ĐBSCL khởi nghiệp thành công nhờ vận dụng những nguồn tài nguyên sẵn có-tài nguyên bản địa. Tuy nhiên, các doanh nghiệp này rất cần sự đồng hành của các chuyên gia và ngành chức năng trong việc hỗ trợ vốn đầu tư công nghệ, xây dựng thương hiệu, marketing... để từng bước phát triển ổn định lâu dài.

Kết quả bước đầu

Để mang đến cho người tiêu dùng những loại thực phẩm vừa giữ được hương liệu tự nhiên, vừa tốt cho sức khỏe người dùng, Công ty TNHH thực phẩm Ngọc Phụng (Công ty Ngọc Phụng)  ở TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp đã nghiên cứu quy trình xử lý độ nồng, the của nhiều loại vỏ trái cây có múi và đầu tư máy sấy, thiết kế và đóng gói bao bì cho ra thị trường những sản phẩm vỏ trái cây sấy mang đậm hương vị đặc sản địa phương. Không chỉ vậy, Công ty Ngọc Phụng liên kết với các nhà vườn chọn nguồn nguyên liệu sạch để có được sản phẩm đảm bảo chất lượng. Nhờ sản xuất theo tiêu chí an toàn, không dùng chất bảo quản, không phẩm màu nên các sản phẩm, như: vỏ bưởi sấy dẻo, vỏ chanh sấy, vỏ cam sấy, vỏ quýt sấy và trái hạnh sấy của công ty được khách hàng ưa chuộng. Hiện nay, sản phẩm của  Công ty Ngọc Phụng được bày bán ở nhiều cửa hàng đặc sản và tham gia trưng bày tại các hội chợ triển lãm ở tỉnh Đồng Tháp, TP Hồ Chí Minh...

Anh Trần Thành Long (bìa trái) giới thiệu sản phẩm mật ong Hương Tràm tại Cuộc thi “Dự án khởi nghiệp Nông nghiệp” lần 3 năm 2017 do Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) phối hợp cùng các đơn vị, doanh nghiệp tổ chức.

Tận dụng điều kiện tự nhiên vốn có ở xã Tân Công Sinh, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp- nơi có diện tích trồng tràm hơn 2.000ha kết hợp với kiến thức đã học về kỹ thuật nuôi ong, giữa năm 2016, anh Trần Thành Long bắt đầu khởi nghiệp nuôi ong lấy mật. Với số lượng ban đầu là 50 đàn ong (giống ong Ý), mỗi tháng sản lượng mật ong thu được khoảng 50 lít. Không dừng lại đó, Long tiếp tục nghiên cứu và học hỏi kỹ thuật phòng và trị bệnh cho ong, kỹ thuật giúp ong chúa đẻ nhiều nhộng, nhiều ong thợ... Đặc biệt, Long đã ứng dụng thành công công nghệ tạo ong chúa trong hộp mini, dễ dàng thay ong chúa khi bị mất hoặc ong chúa già khả năng đẻ trứng thấp… Nhờ đó, anh Long đã nhân được 100 đàn ong và sản lượng mật thu được khoảng 200 lít /tháng. Theo anh Long, hiện thị trường có rất nhiều chủng loại mật ong với nhiều hương vị khác nhau, nhưng mật ong từ hoa tràm rất ít. Vì vậy, mật ong Hương Tràm có nhiều lợi thế cạnh tranh thị trường hơn. Vừa qua, Long còn tham gia cuộc thi “Dự án khởi nghiệp Nông nghiệp” lần 3 năm 2017 do Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) phối hợp cùng các đơn vị, doanh nghiệp tổ chức với Dự án “Mật ong Hương Tràm” và đoạt giải khuyến khích. Nhờ vậy, mật ong Hương Tràm ngày càng được nhiều người biết đến và tạo được kênh phân phối tại các điểm chuyên doanh hàng đặc sản ở khu du lịch Tràm Chim, huyện Tam Nông và được ngành chức năng địa phương giới thiệu, tham gia trưng bày ở nhiều hội chợ thương mại trong và ngoài tỉnh Đồng Tháp.

Tận dụng nguồn nguyên liệu gáo dừa sẵn có của địa phương, anh Nguyễn Nhật Luân, chủ Cơ sở sản xuất gạch gáo dừa Mộc Lan ở xã Hưng Nhượng, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre đầu tư máy móc sản xuất gáo dừa thô thành gạch ốp tường, dùng cho trang trí nội thất. Theo anh Nguyễn Nhật Luân, để tạo được những tấm gạch gáo dừa thành phẩm, tất cả các công đoạn xử lý nguyên liệu, chà thô làm sạch bụi, mùn bên ngoài đến công đoạn cắt, tiện, lộng định hình theo kích thước, đánh bóng, sơn PU… phải làm theo đúng quy trình và cần sự tỉ mỉ, công phu của người thợ. Có như vậy, gạch gáo dừa thành phẩm mới đảm bảo tính thẩm mỹ cao, chất lượng bền, đẹp, nhẹ, có độ kết dính và hút ẩm cao, không bong tróc, không bị mối mọt, ít bị cong vênh. Sản phẩm gạch gáo dừa còn đa dạng về chủng loại, màu sắc, hoa văn, kích thước phổ biến từ 20-50cm2 hoặc lớn hơn, có thể đáp ứng tùy theo nhu cầu sử dụng của khách hàng. Hiện cơ sở Mộc Lan sản xuất gạch ốp tường dạng thô (giá 500.000 đồng/m2) và gạch ốp tường dạng bóng có sơn PU (giá 550.000 đồng/m2)… cung cấp cho các điểm du lịch homestay, resort ở tỉnh Bến Tre và Tiền Giang.

Doanh nghiệp cần tiếp sức

Dù có nhiều tín hiệu thị trường khả quan, nhưng các cơ sở hay doanh nghiệp khởi nghiệp rất cần trợ lực của ngành chức năng và các doanh nghiệp đối tác. Bà Bùi Thị Thanh Thủy, Giám đốc Công ty Ngọc Phụng, chia sẻ: Qua các kỳ tham gia hội chợ triển lãm trong và ngoài tỉnh Đồng Tháp, nhiều đơn vị, doanh nghiệp ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phía Bắc có nhu cầu đặt hàng từ 1.000-2.000kg sản phẩm vỏ trái cây sấy của Ngọc Phụng để phục vụ cho thị trường Tết năm 2018. Nhưng, Công ty vẫn chưa thể nhận lời đối tác vì năng lực sản xuất mỗi tháng của Công ty chỉ đạt từ 200-300kg vỏ trái cây sấy thành phẩm. Theo Bà Bùi Thị Thanh Thủy, hiện công đoạn gọt và tách vỏ trái cây chủ yếu còn làm thủ công nên tốn nhiều thời gian và chi phí đã tạo rào cản trong liên kết hợp tác phát triển. Do đó, để nâng cao năng lực sản xuất, có đủ sản lượng đáp ứng các đơn hàng lớn, Công ty Ngọc Phụng rất cần hỗ trợ trong việc đầu tư thiết bị, công nghệ để thực hiện quy trình sản xuất khép kín từ công đoạn gọt, tách vỏ trái, ngâm xử lý vỏ trái, sấy lạnh và đóng gói thành phẩm đến khâu bảo quản, tiêu thụ sản phẩm… Từ đó, nâng chất lượng đầu ra sản phẩm, góp phần tăng giá trị sản phẩm cũng như thu nhập cho người lao động và nhà vườn làm ăn với công ty.

Theo anh Trần Thành Long, chủ Dự án “Mật ong Hương Tràm”, đầu tư phát triển một đàn ong là khoảng 1,8 triệu đồng nên việc tăng thêm số lượng đàn sẽ tốn nhiều chi phí. Vì vậy, định hướng tới của anh Long là sẽ liên kết, hỗ trợ các hộ dân lân cận phát triển nghề nuôi ong lấy mật. Điều này, sẽ giúp gia tăng sản lượng mật ong Hương Tràm để cung cấp cho thị trường, góp phần gia tăng hiệu quả kinh tế cho người dân liên kết nghề nuôi ong lấy mật. Song song đó, Long sẽ phối hợp với Khu du lịch Tràm Chim đưa khách đến trải nghiệm, tham quan thực tế nghề nuôi ong, cách lấy mật ong và bán mật ong cho du khách ngay tại khu vực nuôi,… Vì vậy, rất cần sự quan tâm của ngành chức năng trong việc hỗ trợ kết nối với hộ dân và các khu du lịch. Theo anh Nguyễn Nhật Luân, Chủ Cơ sở sản xuất gạch gáo dừa Mộc Lan, hiện Cơ sở chủ yếu sản xuất các mẫu gạch gáo dừa theo đơn đặt hàng của các điểm du lịch trong và ngoài tỉnh Bến Tre, nhưng số lượng không nhiều. Cái khó của Cơ sở là việc tiếp cận thị trường, quảng bá thông tin, tìm đối tác hợp tác, liên kết tiêu thụ đầu ra sản phẩm. Do đó, hướng tới Cơ sở sẽ chủ động tham gia nhiều hoạt động hội chợ triển lãm ở các tỉnh, thành trong và ngoài vùng ĐBSCL để tăng cường quảng bá sản phẩm gạch gáo dừa đến người tiêu dùng. Đồng thời, tìm kiếm cơ hội  hợp tác với các doanh nghiệp chuyên doanh hàng trang trí nội thất giải quyết đầu ra cho sản phẩm gạch gáo dừa, từng bước nâng cao hiệu quả kinh tế cho cơ sở Mộc Lan và thu nhập của người lao động, góp phần khai thác giá trị bền vững cho sản phẩm địa phương.

Hiện nay, nhiều tổ chức, đơn vị tích cực triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ cho hoạt động khởi nghiệp. Điển hình như BSA triển khai các chương trình tập huấn với sự tham gia của các chuyên gia kinh tế nhằm chia sẻ kinh nghiệm thực tế về khởi nghiệp, cách khai thác thị trường và cách làm marketing... cho thanh niên trong hệ sinh thái khởi nghiệp. Song song đó, BSA còn hỗ trợ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp tham gia giới thiệu sản phẩm đến khách hàng ở “Phiên chợ xanh tử tế” tại TP Hồ Chí Minh. 

Ngoài ra, BSA còn tạo điều kiện cho doanh nghiệp khởi nghiệp tham gia, trưng bày hàng hóa tại các hội chợ thương mại,… Những hoạt động này đã và đang hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp từng bước am hiểu, biết cách thâm nhập thị trường, tìm kiếm các cơ hội kết nối với các doanh nghiệp đối tác. 

Bài, ảnh: MỸ HOA 

Chia sẻ bài viết