14/04/2014 - 21:03

Trình tự, thủ tục xin ly hôn có yếu tố nước ngoài

Năm 1996, tôi kết hôn với chồng tôi, là Việt kiều đang sinh sống ở Mỹ. Chúng tôi có đăng ký kết hôn tại Sở Tư pháp tỉnh Cần Thơ (cũ). Sau khi nhận giấy chứng nhận đăng ký kết hôn thì chúng tôi có làm đám cưới tại nhà tôi, có hai bên gia đình tham dự đám cưới. Vài tháng sau đó chồng tôi trở về Mỹ để lập thủ tục bảo lãnh tôi, nhưng tôi chờ đợi cho đến ngày hôm nay mà vẫn không nhận được bất kỳ thông tin gì về chồng tôi cả. Qua tìm hiểu thì tôi biết anh ấy vẫn còn sống ở Mỹ, nhưng không làm thủ tục bảo lãnh tôi qua Mỹ. Hiện nay, tình cảm tôi không còn, tôi muốn nhờ luật sư tư vấn về thủ tục để tôi nộp đơn xin ly hôn với người nước ngoài, gồm các thủ tục và giấy tờ gì? Trình tự giải quyết ra sao?

Trần Thị Thùy Trang
(phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ)

Xung quanh câu hỏi của bạn, Luật sư Nguyễn Văn Trí, Văn phòng Luật sư Trí Nguyễn, trả lời như sau:

Quan hệ hôn nhân gia đình có yếu tố nước ngoài được pháp luật Việt Nam tôn trọng và bảo vệ phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam và các Điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia ký kết. Vấn đề ly hôn trong quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài được xem là quyền dân sự của mỗi bên và được pháp luật bảo hộ. Điều 104, Luật Hôn nhân và gia đình có quy định về việc ly hôn có yếu tố nước ngoài như sau: "Việc ly hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài, giữa người nước ngoài với nhau thường trú tại Việt Nam được giải quyết theo quy định của Luật này. Trong trường hợp bên là công dân Việt Nam không thường trú tại Việt Nam vào thời điểm yêu cầu ly hôn thì việc ly hôn được giải quyết theo pháp luật của nước nơi thường trú chung của vợ chồng; nếu họ không có nơi thường trú chung thì theo pháp luật Việt Nam. Việc giải quyết tài sản là bất động sản ở nước ngoài khi ly hôn tuân theo pháp luật của nước nơi có bất động sản đó. Bản án, quyết định ly hôn của Tòa án hoặc cơ quan khác có thẩm quyền của nước ngoài được công nhận tại Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam".

Trình tự, thủ tục giải quyết ly hôn có yếu tố nước ngoài:

- Hồ sơ ly hôn có yếu tố nước ngoài gồm: Giấy chứng nhận kết hôn: Giấy chứng nhận kết hôn bản gốc. Nếu không có giấy chứng nhận kết hôn bản gốc có thể thay thế bằng bản sao do chính cơ quan nhà nước nơi thực hiện việc đăng ký kết hôn cấp; Giấy khai sinh của các con (nếu có). Giấy tờ của bên có quốc tịch Việt Nam gồm: Bản sao chứng thực CMND; Bản sao chứng thực hộ khẩu. Giấy tờ của bên có quốc tịch nước ngoài gồm: Bản sao hộ chiếu hoặc visa đã được hợp pháp hóa lãnh sự; Đơn xin được vắng mặt trong toàn bộ quá trình giải quyết ly hôn tại tòa án Việt Nam đã được hợp pháp hóa lãnh sự. Đơn xin ly hôn: Đơn xin ly hôn do bên không có quốc tịch Việt Nam làm và thực hiện hợp pháp hóa lãnh sự rồi chuyển về cho bên có quốc tịch Việt Nam ký. Về tài sản chung và con chung hai bên có thể tự thỏa thuận giải quyết hay yêu cầu tòa giải quyết và ghi rõ trong đơn xin ly hôn.

- Nơi nộp hồ sơ: TAND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi đương sự thường trú hoặc tạm trú.

- Thời gian giải quyết: theo quy định của Điều 179 Bộ luật Tố tụng dân sự thì thời gian chuẩn bị xét xử vụ án ly hôn tối đa là 4 tháng, nếu vụ án có tính chất phức tạp hoặc có trở ngại khách quan thì được gia hạn nhưng không quá 2 tháng. Trong thời hạn 1 tháng kể từ ngày ra quyết định đưa vụ án ra xét xử, Tòa án phải mở phiên tòa; trong trường hợp có lý do chính đáng, thời hạn này là 2 tháng. Trong thực tế, thời gian giải quyết vụ án ly hôn có thể ngắn hơn hoặc kéo dài hơn thời gian mà luật qui định tùy thuộc vào tính chất của từng vụ án.

Theo tinh thần của Nghị quyết số 01/2003/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, đối với trường hợp công dân Việt Nam ở trong nước xin ly hôn với công dân Việt Nam đã ra nước ngoài (bị đơn), tòa án phân biệt như sau:

Thứ nhất, nếu có thể liên lạc được với bị đơn ở nước ngoài thông qua thân nhân của họ thì tòa án thông qua thân nhân đó gửi cho bị đơn ở nước ngoài lời khai của nguyên đơn và yêu cầu họ phúc đáp về tòa án những lời khai hoặc tài liệu cần thiết cho việc giải quyết ly hôn. Căn cứ vào lời khai và tài liệu nhận được, tòa xét xử theo thủ tục chung.

Thứ hai, nếu thực sự không liên hệ được với bị đơn ở nước ngoài thì tòa ra quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết vụ án, giải thích cho nguyên đơn biết họ có quyền khởi kiện yêu cầu TAND cấp huyện nơi họ thường trú tuyên bố bị đơn mất tích hoặc đã chết. Đây là cơ sở để chấm dứt hôn nhân.

Thứ ba, nếu có căn cứ cho thấy thân nhân của bị đơn biết nhưng không cung cấp địa chỉ, tin tức bị đơn cho tòa án cũng như không thực hiện yêu cầu của tòa (ở phần thứ nhất) thì coi đây là trường hợp bị đơn cố tình giấu địa chỉ, từ chối khai báo. Đã yêu cầu đến lần thứ 2 mà thân nhân của họ vẫn không chịu hợp tác thì tòa án đưa vụ án ra xét xử vắng mặt bị đơn theo thủ tục chung. Sau khi xét xử, tòa án gửi ngay cho thân nhân của bị đơn bản sao bản án hoặc quyết định, đồng thời niêm yết công khai bản sao bản án, quyết định tại trụ sở UBND cấp xã nơi cư trú cuối cùng của bị đơn, để đương sự có thể sử dụng quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật tố tụng.

L.Phương (thực hiện)

Chia sẻ bài viết