30/08/2017 - 21:37

Triều Tiên dọa phong tỏa Guam bằng tên lửa 

CHDCND Triều Tiên tuyên bố vụ phóng tên lửa ngang qua không phận Nhật Bản ngày 29-8 là động thái đáp trả cuộc tập trận Mỹ - Hàn, đồng thời mở màn cho các hoạt động quân sự ở Thái Bình Dương, bao gồm tấn công Guam, lãnh thổ hải ngoại của Mỹ.

  Hình ảnh một vụ phóng tên lửa được KCNA công bố hôm 30-8. Ảnh: Reuters

Hãng thông tấn nhà nước Triều Tiên KCNA cho biết đây là vụ phóng đầu tiên được thực hiện tại Thủ đô Bình Nhưỡng theo chỉ thị của Chủ tịch Kim Jong Un. Trong đó, “vũ khí cực kỳ hiện đại” được sử dụng là tên lửa đạn đạo tầm trung (IRBM) Hwasong-12.

Dẫn lời ông Kim, KCNA xác định vụ phóng tên lửa mới rồi là bước đầu tiên cho hoạt động quân sự của quân đội Triều Tiên tại khu vực Thái Bình Dương, và là “khúc dạo đầu” quan trọng cho chiến lược phong tỏa đảo Guam.

Sau vụ phóng tên lửa của Bình Nhưỡng, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố: “Thế giới đã nhận được thông điệp rõ ràng từ Triều Tiên, đó là sự xem thường không chỉ đối với các nước láng giềng mà còn tất cả thành viên Liên Hiệp Quốc (LHQ) cũng như tiêu chuẩn tối thiểu có thể chấp nhận được đối với các hành vi quốc tế”.

Ông Trump cho rằng “những hành động đe dọa và gây bất ổn” chỉ càng khiến Bình Nhưỡng bị cô lập hơn trong khu vực. Ông chủ Nhà Trắng nhấn mạnh “mọi biện pháp đều đã sẵn sàng” nhằm đối phó Triều Tiên, nhưng giới quan sát cho biết không có dấu hiệu nào cho thấy Washington viện đến hành động quân sự.

Trong khi đó tại LHQ, đại sứ Mỹ Nikki Haley lên án việc Triều Tiên phóng tên lửa ngang qua Nhật Bản là “hành động vô trách nhiệm”. “Không nước nào phải bị tên lửa đạn đạo bay ngang qua như 130 triệu dân Nhật Bản. Điều này không thể chấp nhận được” – đại sứ Mỹ nhấn mạnh.

Theo bà Haley, Washington sẽ không cho phép Triều Tiên tiếp tục hành động khiêu khích, đồng thời hy vọng Nga, Trung Quốc sẽ phối hợp các thành viên còn lại của Hội đồng Bảo an LHQ đưa ra hành động quyết liệt đối với chương trình hạt nhân và tên lửa Triều Tiên.

Đồng quan điểm, Thủ tướng Anh Theresa May trong chuyến thăm Nhật Bản hôm 30-8 cho rằng Trung Quốc đóng vai trò then chốt trong phản ứng quốc tế trước “hành động khiêu khích liều lĩnh” của Bình Nhưỡng, qua đó kêu gọi Bắc Kinh gây áp lực hơn nữa đối với quốc gia láng giềng.

Ngày 30-8, Cơ quan Phòng thủ Tên lửa Mỹ (MDA) cho biết một tàu chiến của nước này đã đánh chặn thành công một tên lửa đạn đạo tầm trung trong một vụ thử nghiệm diễn ra ở ngoài khơi quần đảo Hawaii.

Theo đó, tàu USS John Paul Jones đã phát hiện và theo dõi một tên lửa phóng đi từ một cơ sở thử nghiệm tên lửa trên đảo Kauai, sau đó phóng tên lửa dẫn đường SM-6 để bắn hạ tên lửa nói trên.

Đây là lần thứ 2 tên lửa SM-6 đánh chặn thành công một tên lửa đạn đạo tầm trung.

Về phía các đồng minh của Mỹ, Reuters trích lời phát ngôn viên Nhà Xanh Park Su-hyun cho biết Tổng thống Moon Jae-in và Thủ tướng Nhật Shinzo Abe nhất trí gia tăng sức ép tối đa để buộc Bình Nhưỡng phải đối thoại.

Song song đó, tờ Chosun Ilbo của Hàn Quốc đưa tin Tổng thống Moon Jae-in đang thúc đẩy kế hoạch “tốc chiến tốc thắng” do quân đội nước này dẫn đầu trong trường hợp xảy ra xung đột với Triều Tiên. Theo Bộ Quốc phòng Hàn Quốc, mục tiêu là kết thúc chiến tranh càng nhanh càng tốt.

Kế hoạch mới của Hàn Quốc xác định hơn 1.000 địa điểm trở thành mục tiêu tấn công của tên lửa và các khu vực triển khai lực lượng lính dù, lính thủy đánh bộ để xâm nhập Bình Nhưỡng, nhanh chóng hạ bệ chính quyền. Tuy nhiên, chiến lược này không liên quan kế hoạch hiện tại của Seoul dựa vào sự hỗ trợ từ các tàu sân bay Mỹ.

MAI QUYÊN

Chia sẻ bài viết