12/06/2018 - 22:10

Triều Tiên cam kết “phi hạt nhân hóa hoàn toàn” 

Cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử được mong đợi từ lâu giữa nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump diễn ra ngày 12-6 tại Singapore đã kết thúc tốt đẹp với việc Bình Nhưỡng cam kết từ bỏ vũ khí hạt nhân.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ký Tuyên bố chung ngày 12-6. Ảnh: Reuters
Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ký Tuyên bố chung ngày 12-6. Ảnh: Reuters

Trong Tuyên bố chung ký kết sau cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Donald Trump, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cam kết “phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên”.

Trong văn kiện, Mỹ cũng cam kết về các “đảm bảo an ninh” với Triều Tiên. Thỏa thuận này cũng hướng tới việc thiết lập “các mối quan hệ mới Mỹ - Triều Tiên”.

Trước đó, tuyên bố sau các sự kiện tại Singapore, lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un khẳng định thế giới sẽ được chứng kiến “một sự thay đổi lớn lao” và hai nhà lãnh đạo “đã quyết định gác lại quá khứ”.

Về phần mình, Tổng thống Trump khẳng định đây là một văn kiện “rất quan trọng và toàn diện”. Trước đó, ông tuyên bố cuộc gặp diễn ra “thực sự tuyệt vời”, đồng thời khẳng định hai bên đã đạt được nhiều tiến triển “tốt hơn mọi kỳ vọng”.

Tổng thống Trump cũng cho biết ông đã tạo dựng được mối quan hệ “gắn kết rất đặc biệt” với nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Ông đánh giá lãnh đạo Triều Tiên là một nhà đàm phán “thông minh và tài năng”. Tổng thống Trump đồng thời nhấn mạnh tiến trình phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên sẽ bắt đầu “rất nhanh chóng”.

 Tổng thống Trump khẳng định ông sẵn sàng gặp nhà lãnh đạo Kim Jong-un thêm nhiều lần nữa cũng như mời ông Kim Jong-un tới thăm Mỹ.

Theo nhận định của Tổng thống Trump trong cuộc họp báo sau hội nghị, nhà lãnh đạo Triều Tiên là người “thẳng thắn, chân thành và có tinh thần xây dựng”.

Một số điểm cốt lõi trong Tuyên bố chung Mỹ-Triều

1. Mỹ và Triều Tiên cam kết thiết lập quan hệ song phương thể theo nguyện vọng của người dân hai nước vì hòa bình và thịnh vượng;

2. Mỹ và Triều Tiên sẽ cùng tham gia các nỗ lực xây dựng một cơ chế hòa bình ổn định và lâu dài trên bán đảo Triều Tiên;

 3.Tái khẳng định Tuyên bố Bàn Môn Điếm được đưa ra ngày 27-4-2018, Triều Tiên cam kết hành động hướng tới phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên;

 4. Mỹ và Triều Tiên cam kết tìm hài cốt tù binh chiến tranh (POW) và mất tích trong chiến tranh (MIA), và sẽ lập tức đưa những bộ hài cốt đã được nhận dạng về nước.

Còn quá sớm để thiết lập quan hệ ngoại giao

Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết vẫn còn quá sớm để nước này thiết lập quan hệ ngoại giao với Triều Tiên.

Phát biểu với báo giới, Tổng thống Trump khẳng định ông không muốn “đe dọa” Triều Tiên trong quá trình đàm phán với nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Theo ông Trump, bất cứ cuộc xung đột nào liên quan đến Triều Tiên đều có thể khiến hàng chục triệu người tại Hàn Quốc thiệt mạng bởi Thủ đô Seoul ở rất gần biên giới liên Triều.

Cũng theo nhà lãnh đạo Mỹ, ông có thể cần tới một cuộc gặp nữa với nhà lãnh đạo Triều Tiên, song địa điểm hiện chưa được quyết định. Tổng thống Trump cũng cho biết Ngoại trưởng nước này Mike Pompeo và Cố vấn An ninh quốc gia John Bolton sẽ gặp các quan chức Triều Tiên vào tuần sau nhằm hướng tới thỏa thuận hạt nhân.

Ngoài ra, ông chủ Nhà Trắng cho biết muốn có sự tham gia của Quốc hội Mỹ vào bất cứ thỏa thuận nào với Bình Nhưỡng, đồng thời khẳng định Hàn Quốc và Nhật Bản sẽ là những nước hỗ trợ nhiều cho Triều Tiên.

Tạo nên “một lịch sử mới”

Trung Quốc đánh giá hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ và nhà lãnh đạo Triều Tiên đã tạo nên “một lịch sử mới”.

Phát biểu tại cuộc họp báo ngày 12-6, Ngoại trưởng Vương Nghị nhận định việc hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên có thể ngồi cùng nhau và có cuộc đối thoại bình đẳng đã “mang một ý nghĩa quan trọng và tích cực, cũng như tạo nên một lịch sử mới.” Ông đánh giá nút thắt trong vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên chính là an ninh. Theo ông, điều khó khăn và quan trọng nhất trong vấn đề an ninh này là Mỹ và Triều Tiên phải cùng ngồi lại để tìm ra phương thức giải quyết thông qua đối thoại bình đẳng. Nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc cho rằng để giải quyết vấn đề hạt nhân, một mặt cần tiến hành phi hạt nhân hóa hoàn toàn, mặt khác cần có một cơ chế hòa bình trên bán đảo Triều Tiên nhằm đáp ứng các mối quan ngại an ninh phù hợp của Bình Nhưỡng.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc cùng ngày cũng cho biết có thể cân nhắc dỡ bỏ lệnh trừng phạt Triều Tiên sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ký Tuyên bố chung.

QUỐC KHÁNH (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết