09/10/2017 - 21:48

Triều cường, ảnh hưởng dân sinh 

Trong những đợt triều cường tháng 9 và đầu tháng 10-2017, các quận nội ô TP Cần Thơ bị ngập sâu, ảnh hưởng sinh hoạt, giao thông và kinh doanh của người dân... Tình trạng này sẽ tiếp tục diễn ra trong các đợt triều cường sắp tới.

NGẬP SÂU, ẢNH HƯỞNG ĐỜI SỐNG

Trong các ngày 9, 10-10-2017, triều cường vẫn ở mức cao và vượt báo động III từ 0,1m đến 0,15m, sau đó xuống dần. Nhiều tuyến đường tại các quận trung tâm TP Cần Thơ tiếp tục bị ngập sâu; triều cường cũng đe dọa các tuyến đê bao bảo vệ khu dân cư, các cồn trên sông Hậu, vườn cây ăn trái...

Ông Nguyễn Văn Hải, ngụ tại đường Mậu Thân, phường An Hòa, quận Ninh Kiều, cho biết: “Đoạn đường Mậu Thân thuộc phường An Hòa thấp, do đó vào những tháng triều cường lên cao thì bị ngập sâu, ảnh hưởng đến việc đi lại, buôn bán của người dân trên tuyến đường".

"Vào những ngày qua, gia đình tôi phải đóng cửa hàng vì không ai lội nước vào mua sắm hàng hóa. Chúng tôi rất mong ngành chức năng thành phố có biện pháp nâng cấp đường, ngăn triều để hạn chế tình trạng ngập, ảnh hưởng giao thông, kinh doanh của người dân tại đường Mậu Thân cũng như các tuyến đường trong nội ô quận Ninh Kiều...”-ông Hải nói.

Đường Mậu Thân, quận Ninh Kiều bị ngập sâu, ảnh hưởng đến giao thông, vệ sinh và buôn bán của người dân (ảnh chụp sáng 9-10-2017).

Còn ông Trương Văn Út, ở phường Long Tuyền, quận Bình Thủy, cho biết: “Năm nay, triều cường lên cao hơn so với những năm trước. Tuyến giao thông trước nhà tôi (thuộc khu vực Bình Phó B, phường Long Tuyền) bị ngập sâu trong nước. Gia đình tôi và bà con tại địa phương phải cơi nới, đắp thêm bờ đất dọc theo tuyến đường để nước không tràn ngập nhà cửa, vườn cây ăn trái. Chúng tôi mong muốn tuyến đường giao thông Bình Phó B sớm nâng cấp, mở rộng để hạn chế tình trạng trên”.

Người dân sinh sống, buôn bán trên các tuyến đường bị ngập sâu do triều cường đều than vãn tình trạng nước ngập khiến việc buôn bán ế ẩm. Theo Ban Chỉ huy Phòng chống Thiên tai- Tìm kiếm Cứu nạn (PCTT-TKCN) TP Cần Thơ, mực nước đỉnh triều trên sông Hậu và các sông, rạch thuộc địa bàn thành phố đang ở mức cao và sẽ tiếp tục lên nhanh trong những ngày tới. Mực nước đỉnh triều cao nhất vào các ngày 8- 9- 10/10/2017 (19, 20 và 21 tháng Tám Âm lịch).

Cụ thể, ngày 6-10-2017, đỉnh triều đo được vào lúc 6 giờ 30 phút là 1,93m, vượt báo động III (1,9m) là 0,03m; ngày 7-10-2017, đỉnh triều 2,0m, cao hơn mức báo động III là 0,1m; ngày 8-10-2017, đỉnh triều lên đến 2,03m, vượt báo động III đến 0,13m. Đây là mực nước đỉnh triều cao nhất từ đầu năm 2017 đến nay, với thời gian xuất hiện đỉnh triều hằng ngày từ 5- 7giờ và từ 17- 19giờ.

Trong khi đó, trên địa bàn thành phố cũng xuất hiện nhiều trận mưa lớn. Mưa kết hợp triều cường nên nhiều tuyến đường tại quận Ninh Kiều, Bình Thủy, Cái Răng, Ô Môn... bị ngập sâu. Dự báo, trong những ngày tới (11, 12, 13-10-2017) triều cường xuống dần, nhưng sẽ có mưa, mưa rào và giông xuất hiện, nên những khu vực trũng thấp, ven kênh rạch tại quận Ninh Kiều, Cái Răng, Bình Thủy, Ô Môn... vẫn có khả năng bị ngập sâu.

GIẢI PHÁP AN TOÀN

Để ứng phó với triều cường, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN TP Cần Thơ đã ban hành Công văn số 37/PCTT-TKCN về tăng cường công tác phòng chống ngập lụt trong đợt triều cường tháng 8 Âm lịch. Theo đó, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN các cấp; các sở, ngành chức năng; UBND các quận, huyện tổ chức thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của thành phố về việc chủ động, tăng cường công tác chống ngập úng, hạn chế thiệt hại do thiên tai, triều cường gây ra; tổ chức kiểm tra, kịp thời phát hiện đê bao xung yếu để có biện pháp khắc phục, gia cố;

Công văn cũng nêu rõ: Cần chủ động biện pháp bơm tát để bảo vệ diện tích lúa thu đông, vườn cây ăn trái, hoa màu; tổ chức đưa rước trẻ em đến trường và thực hiện trông giữ trẻ ở các quận, huyện đầu nguồn; triển khai các chốt cứu nạn, cứu hộ tại các điểm xung yếu, khu vực dòng sông chảy xiết để kiểm soát, hướng dẫn giao thông và kịp thời cứu hộ khi có sự cố xấu xảy ra;  tổ chức trực ban 24/24 giờ trong các đợt triều cường, mưa lớn, ngập lụt để theo dõi, nắm chắc mọi tình hình có liên quan đến công tác PCTT-TKCN trên địa bàn quản lý; lực lượng công an tích cực tuần tra, kiểm soát, điều tiết giao thông tại các tuyến đường bị ngập sâu, khu vực ngã ba, ngã tư,  nhằm hạn chế ùn tắc giao thông khi triều cường lên cao...

Triều cường tràn ngập cả vỉa hè đường Phạm Ngũ Lão, quận Ninh Kiều (ảnh chụp sáng 9-10-2017).

Ông Bùi Quang Minh, Ủy viên Thường trực Ban Chỉ huy PCTT-TKCN TP Cần Thơ, cho biết: “Nhờ các địa phương thực hiện nghiêm túc công tác trên nên những thiệt hại do triều cường đến thời điểm này không đáng kể, không có hiện tượng sạt lở đê bao xảy ra... Chúng tôi sẽ thường xuyên nhắc nhở, tuyên truyền để Ban Chỉ huy PCTT-TKCN các cấp và bà con nhân dân không chủ quan lơ là trong công tác phòng ngừa sự cố xấu xảy ra trong các đợt triều cường sắp tới...”.

Về lâu dài, TP Cần Thơ cũng đang triển khai Dự án phát triển đô thị TP Cần Thơ, với thời gian thực hiện từ nay đến 2022. Đây là dự án rất quan trọng trong kế hoạch phát triển của thành phố, với vốn đầu tư hơn 312 triệu USD, gồm 242 triệu USD từ vốn vay ưu đãi của WB, 10 triệu USD từ nguồn tài trợ không hoàn lại của SECO (Thụy Sĩ) và 60 triệu USD vốn đối ứng của thành phố...

Dự án trên thực hiện với mục tiêu quản lý ngập lụt và kết nối hành lang giao thông đô thị để tạo điều kiện phát triển kinh tế, kết nối các khu vực phát triển TP Cần Thơ bền vững. Dự án đã khởi động vào đầu năm 2017. Kế hoạch đến quý 1-2018 sẽ khởi công các tuyến đường giao thông mới; xây dựng cầu Quang Trung 2; cầu qua sông Cần Thơ nối đường Trần Hoàng Na, đường dẫn cầu Cần Thơ; công trình kè, khu công viên và đường giao thông sau kè dọc theo sông Cần Thơ từ bến Ninh Kiều tới rạch Cái Sơn.

Hiện nay, thành phố đang tập trung công tác bồi hoàn để có mặt bằng thi công và trong năm nay sẽ tổ chức đấu thầu 2 tuyến đường hành lang giao thông kết nối đô thị giữa 3 quận Cái Răng, Ninh Kiều và Bình Thủy... Trong dự án, các tuyến giao thông liên kết với nhau hình thành vùng đê bao quản lý ngập, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Người dân thành phố đang trông đợi để tình trạng ngập được giải quyết một cách căn cơ.

Bài, ảnh: HÀ VĂN 

Chia sẻ bài viết