17/08/2011 - 14:24

Triển vọng vật liệu xây dựng mới thân thiện môi trường

Trần thạch cao, một loại VLXD thân thiện môi trường, đang là lựa chọn của nhiều công trình hiện đại.

Sử dụng vật liệu xây dựng (VLXD) tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường đang trở thành xu hướng chung trên thế giới và Việt Nam. Trong những năm trở lại đây, trên thị trường xuất hiện nhiều loại vật liệu thân thiện với môi trường với nhiều tính năng vượt trội hơn hẳn so với các vật liệu truyền thống, đặc biệt đáp ứng được yêu cầu xây dựng nhà ở và công trình vùng ĐBSCL.

* Nhu cầu tất yếu

Theo ước tính của Hiệp hội VLXD Việt Nam, mỗi năm nước ta tiêu thụ khoảng 20 tỉ viên gạch xây dựng. Với đà phát triển như hiện nay, đến năm 2020, lượng gạch cần cho xây dựng trên 40 tỉ viên/năm. Để đạt được số gạch trên sẽ tiêu tốn khoảng 57-60 triệu m3 đất sét, tương đương với khai thác từ 2.800-3.000 ha đất nông nghiệp. Ứng với con số này, chúng ta còn tiêu tốn gần 6 triệu tấn than và thải ra môi trường gần 17 triệu tấn khí CO2... Điều đáng quan tâm, công nghệ khai thác, chế biến nguyên liệu để sản xuất VLXD truyền thống chủ yếu dưới dạng sản xuất nhỏ, công nghệ lạc hậu, làm ăn manh mún dẫn đến chất lượng kém, lãng phí tài nguyên nghiêm trọng, phá hoại môi trường sinh thái...

Đẩy mạnh việc sử dụng VLXD thân thiện với môi trường trở thành xu hướng tất yếu trong ngành công nghiệp VLXD. Trước tình hình thực tế, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 567/QĐ-TTg ngày 28-4-2011 phê duyệt chương trình phát triển VLXD không nung. Theo đó, đến năm 2020, mục tiêu sử dụng VLXD không nung đạt 35-40% trong tổng số nhu cầu VLXD, tương đương khoảng 18 tỉ viên gạch quy tiêu chuẩn. Đối với vùng ĐBSCL, với diện tích tự nhiên trên 4 triệu ha, dân số chiếm 21% cả nước, để xây dựng nhà ở và các công trình nhằm phát triển đô thị và nông thôn, hằng năm vùng cần một khối lượng lớn VLXD. Với địa hình nền đất yếu, hàng năm chịu ảnh hưởng lũ lụt nên việc sử dụng các loại VLXD mới, chất lượng cao có các tính năng như: nhẹ, chống ẩm ướt, thi công nhanh... được xem là cần thiết và tất yếu.

* Hiệu quả từ VLXD “xanh”

Theo Quyết định 567/QĐ-TTg ngày 28-4-2010 của Thủ tướng Chính phủ, từ năm 2011, các công trình nhà cao tầng (từ 9 tầng trở lên) phải sử dụng tối thiểu 30% VLXD không nung loại nhẹ trong tổng số VLXD. Khuyến khích các công trình xây dựng sử dụng VLXD không nung khác có độ rỗng lớn hơn 30% và là vật liệu không nung loại nhẹ. Chính vì thế, VLXD thân thiện với môi trường có nhiều ưu điểm so với các sản phẩm truyền thống và đang là lựa chọn để xây dựng các công trình công và dân dụng.

Đối với gạch không nung, nguồn vật liệu chính sản xuất từ xi măng cùng các nguyên liệu thô khác như: cát, mạt đá, xỉ than, vôi, thạch cao, tro bay... với nhiều công nghệ sản xuất khác nhau. Đặc biệt, trong quá trình sản xuất không tạo ra chất phế thải độc hại. So sánh hiệu quả kinh tế kỹ thuật sản xuất và sử dụng, sản phẩm VLXD không nung có nhiều tính chất vượt trội hơn vật liệu nung như: không dùng nguyên liệu đất sét để sản xuất, có tính chịu lực cao, cách âm, cách nhiệt, chống thấm, chống nước, kích thước chuẩn, giảm thiểu được kết cấu lõi thép, rút ngắn thời gian thi công... Về bản chất của sự liên kết tạo hình, gạch không nung khác hẳn gạch đất nung. Quá trình sử dụng gạch không nung do phản ứng hóa đá trong hỗn hợp tạo gạch sẽ tăng dần độ bền theo thời gian. Hiện trên thị trường có một số loại gạch không nung như: gạch xi măng cốt liệu, gạch papanh, gạch không nung tự nhiên, gạch bê tông nhẹ...

Hiện nay, Công ty Eurowindow đã đầu tư sản phẩm thân thiện với môi trường. Với lợi thế từ các sản phẩm cửa nhựa chất liệu u-PVC và nhôm cao cấp, công ty đưa ra thị trường nhiều loại sản phẩm cửa như: cửa sổ, quay lật vào trong hoặc lật góc 10-15 độ, mở quay ra ngoài, mở trượt hay các sản phẩm vách ngăn nhẹ. Tấm tường ACC của Công ty Cổ phần Vương Hải nhãn hiệu LC-panel, được lắp ghép liên kết với khung xương bằng thép không gỉ, thi công như vách tường thạch cao liên kết bằng vít. Sản phẩm này dùng trong xây dựng có điểm lợi là không xây, thi công nhanh gấp 2 lần so với xây tường gạch, vừa đưa được các đường ống kỹ thuật điện nước vào trong vách tường mà không cần phải làm “hộp gen” như xây dựng thông thường. Ngoài tấm tường, Công ty Cổ phần Vương Hải còn có các sản phẩm như gạch block khí chưng áp, gạch xi măng định hình, vữa xây...

Công ty Lafarge Boral Gypsum Việt Nam (LBGV) hiện nay đã hoàn thiện cung cấp trọn gói giải pháp thạch cao ứng dụng trong nội thất hiện đại với bộ sản phẩm LaGyp gồm: tấm thạch cao, hệ khung xương cho trần và vách ngăn thạch cao với các tính năng như: chống cháy, chống ẩm, cách âm, tiêu âm... Đối với trần thạch cao giá thành cao hơn trần nhựa khoảng 10% và thấp hơn rất nhiều so với các sản phẩm trần kim loại và gỗ nhưng vẫn đảm bảo bền đẹp. Với sản phẩm vách ngăn, tùy từng giải pháp sẽ có giá thành khác nhau. Tuy nhiên, so với các loại vách ngăn thông thường, giá vách ngăn thạch cao cao hơn khoảng 10-15% nhưng tiết kiệm tới 30% chi phí móng. Vì vậy, giải pháp “xanh” này chỉ cao hơn giải pháp truyền thống khoảng 5% chi phí.

Nhưng thực tế hiện nay, tỷ lệ sử dụng VLXD thân thiện môi trường ở nước ta vẫn rất thấp. Đặc biệt, gạch không nung chỉ đạt khoảng 10% trên tổng số gạch sử dụng. Đề ra giải pháp chiến lược cho doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Vũ, Giám đốc Tiếp thị và Chiến lược Công ty LBGV, cho biết: Để cung ứng tốt cho khách hàng, LBGV đã xây dựng được mạng lưới phân phối tại hầu hết các tỉnh thành trên toàn quốc. Riêng khu vực ĐBSCL, sản phẩm LaGyp đã có mặt tại 50 cửa hàng thạch cao. Công ty thường xuyên tổ chức các hội thảo, giới thiệu sản phẩm rộng rãi đến các nhà tư vấn thiết kế, nhà thầu, kiến trúc sư... nhằm tạo thói quen cho người dân về việc chọn và sử dụng các loại vật liệu mới thân thiện với môi trường, đưa sản phẩm vào các dự án xây dựng lớn cũng như sử dụng trong các công trình dân dụng...

Bài, ảnh: KHÁNH NAM

Chia sẻ bài viết