26/08/2008 - 21:25

Triển vọng từ việc xuất khẩu thanh long

Nhờ được cấp văn bằng chứng nhận “Thực hành canh tác tốt- GAP”, 117,7 ha sản xuất thanh long của tỉnh Bình Thuận đã vượt qua hàng rào chất lượng và hàng rào vệ sinh, an toàn thực phẩm. Sau những nỗ lực đàm phán, ngày 30-7-2008, Mỹ công bố chấp nhận nhập khẩu thanh long Việt Nam có chứng nhận EUREP GAP. Triển vọng xuất khẩu đã mở ra không chỉ cho trái thanh long mà còn cho cả ngành xuất khẩu trái cây Việt Nam.

TỪ NHỮNG TRÁI THANH LONG “GAP” ĐẦU TIÊN

117,7 ha trồng thanh long nhận được chứng nhận EUREP GAP để xuất khẩu sang các thị trường chấp nhận tiêu chuẩn EUREP GAP là rất nhỏ bé. Nhưng so với tất cả các loại trái cây trong nước, thanh long là ngành hàng có diện tích cao nhất đã nhận văn bằng chứng nhận này. Từ đây mở ra hướng xuất khẩu thanh long vào các thị trường lớn với hiệu quả cao hơn. Tất nhiên, trái thanh long xuất khẩu vào thị trường Mỹ vẫn phải bảo đảm các yếu tố về hồ sơ sản phẩm, bao bì, đóng gói, xử lý nhiệt hay chiếu xạ (yêu cầu riêng của Mỹ). Ngoài ra, yếu tố vận chuyển và giá cạnh tranh” cũng không kém quan trọng để các thương vụ xuất nhập khẩu giữa các doanh nghiệp thành công trong môi trường thương mại toàn cầu - WTO.

Diện tích trồng thanh long nhận được văn bằng chứng nhận EUREP GAP thuộc 1 hợp tác xã (HTX), 1 công ty và 3 trang trại chuyên trồng và xuất khẩu thanh long ở tỉnh Bình Thuận. Hiện tại, có 191 ha trồng thanh long của Tiền Giang và Long An cũng là “ứng viên của văn bằng chứng nhận GAP” với hai dạng mô hình sản xuất: Tổ tự nguyện sản xuất thanh long “theo GAP” và mô hình xây dựng HTX thanh long “theo GAP”. Vận dụng tài liệu hướng dẫn sản xuất trái cây theo GAP của Viện Nghiên cứu Cây ăn quả miền Nam (SOFRI), các cơ quan khuyến nông ba tỉnh có trồng thanh long đang hướng dẫn, tổ chức các trang trại, tổ tự nguyện, HTX cố gắng đưa thanh long lên một vị thế mới với chất lượng sản phẩm an toàn, sạch hoặc đạt tiêu chuẩn GAP.

Thanh long bán tại một sạp trái cây ở chợ Xuân Khánh, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ. Ảnh: ANH KHOA 

Tuy nhiên, nếu so với tổng diện tích trồng thanh long ở Bình Thuận, diện tích thanh long có chứng nhận EUREP GAP chỉ tương ứng 1,2%. Mới chỉ có trên dưới 4.000 tấn thanh long được quyền công bố tiêu chuẩn sản xuất GAP để vào thị trường các nước chấp nhận tiêu chuẩn EUREP GAP. Nếu chưa tổ chức được hàng loạt trang trại, những tổ hợp tác, HTX sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn GAP thì dù cơ hội xuất khẩu thanh long vào Mỹ, vào châu Âu đã có nhưng sẽ khó phát huy được như trái kiwi của New Zealand, nhãn IDo của Thái Lan, nho của Mỹ. Nguyên nhân do không đảm bảo được sản lượng cung ứng cho các đơn hàng.

ĐỘNG LỰC ĐỂ TRIỂN KHAI GAP THÀNH CÔNG

Động lực nào giúp các nhà vườn thành công trong việc sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn GAP là vấn đề mà cả nhà quản lý và nhà hoạch định chính sách chú trọng. Sự quan tâm thanh long đạt tiêu chuẩn GAP trước hết thuộc về người tiêu dùng và doanh nghiệp. Xuất phát từ nhu cầu thực phẩm vệ sinh, an toàn, xu hướng tiêu dùng nông sản sạch, an toàn đã và đang trở nên phổ biến trong và ngoài nước.

Ông Nguyễn Ngọc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Thanh long Bình Thuận, cũng là Giám đốc Công ty Hoàng Hậu, nhà xuất khẩu thanh long sản lượng lớn nhất cả nước với 15 thị trường, cho biết: Hơn 7 tháng qua, kể từ ngày doanh nghiệp nhận chứng chỉ EUREP GAP, số lượng khách hàng tăng nhiều, trong đó, khách hàng ở châu Âu tăng thêm đáng kể. 6 tháng đầu năm 2008, công ty xuất sang châu Âu 500 tấn thanh long, bằng sản lượng xuất khẩu của cả năm 2007. Dự kiến, cả năm 2008 sản lượng thanh long xuất khẩu sang châu Âu của công ty trên 1.000 tấn. Giá xuất khẩu thanh long đạt chứng nhận GAP rất cao so với thanh long sản xuất thông thường.

Nhiều nhà xuất khẩu thanh long có cùng nhận định: Thực hiện EUREP GAP làm tăng sự yên tâm của người tiêu dùng ở tất cả các thị trường, đặc biệt đối với thị trường xuất khẩu. Nhờ đó, tăng sức mua thanh long Việt Nam, củng cố chuỗi tiếp thị và ổn định giá cả thị trường. Đồng thời, phát huy uy tín thương hiệu thanh long Việt Nam trong mọi hoàn cảnh xuất khẩu trực tiếp hay gián tiếp.

Động lực của thanh long sản xuất theo GAP là tiêu thụ thuận lợi hơn, tăng sản lượng thanh long xuất khẩu, mở rộng thị trường xuất khẩu. Giá xuất khẩu thanh long có thể có cải thiện ở một số thị trường, nhưng nhìn chung nhà sản xuất-xuất khẩu không thể trông chờ vào việc tăng giá bán do phải cạnh tranh với thanh long sản xuất từ nước khác, hoặc phải “kéo cánh” với giá thấp của nhiều loại trái cây khác. Việc ổn định sản lượng đầu ra là rất quan trọng cho việc bình ổn giá.

Đạt yêu cầu về chất lượng sản xuất EUREP GAP là bước đi rất quan trọng, không chỉ đối với thanh long mà cho cả ngành sản xuất trái cây Việt Nam. Sự kiện trái thanh long EUREP GAP được cấp visa vào Mỹ đã đem lại một hiệu ứng tích cực để thúc đẩy sản xuất trái cây chất lượng cao và an toàn thực phẩm. Ông Đinh Văn Hương, Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam (VINAFRUIT), cho biết: Các cơ sở sản xuất thanh long đạt tiêu chuẩn EUREP GAP, đóng gói, bảo quản, xử lý theo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm HCCP đã sẵn sàng thâm nhập thị trường Mỹ và châu Âu, tạo thế vững vàng cho thanh long trên thị trường thế giới. Hai container thanh long đầu tiên của hội viên VINAFRUIT đã được chuẩn bị xong và đang làm thủ tục xuất thử sang Hoa Kỳ vào cuối tháng 8.

CHỌN ÁP DỤNG BỘ TIÊU CHUẨN GAP NÀO?

Văn bằng chứng nhận GAP được giới kinh doanh coi là một thứ “giấy thông hành” xác nhận những lô hàng trái cây được sản xuất theo yêu cầu chất lượng và an toàn thực phẩm. Mới đây, một số nước thuộc châu Âu, Á, Mỹ, Úc... yêu cầu doanh nghiệp phải xuất trình giấy chứng nhận GAP trong hồ sơ xuất nhập khẩu. Ngoài những tiêu chuẩn về kích cỡ trái, trọng lượng, màu vỏ... như trước đây, chứng nhận GAP giúp người bán, người mua dễ thương thảo về chất lượng sản phẩm, giúp người tiêu dùng tin tưởng vào chất lượng sản phẩm.

Mọi “cẩm nang GAP” (EUREP GAP, Global GAP, ASEAN GAP, VietGAP) đều là những tài liệu hướng dẫn tổ chức các hoạt động sản xuất nông phẩm chất lượng cao, đồng nhất chất lượng và an toàn thực phẩm. VietGAP vừa được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành cho sản xuất rau quả trong cả nước dựa trên yêu cầu sản xuất rau quả an toàn thế giới. VietGAP quy định hệ thống quản lý, nội dung thực hiện một cách thiết thực, gần gũi hơn đối với trình độ, tập quán của nhà sản xuất trong nước. Nội dung một bộ cẩm nang, bao gồm cả việc thực hiện hồ sơ xác nhận GAP là “quyền” của sở hữu chủ; trong đó, điều kiện sản xuất cơ bản như: đất đai, nguồn nước, khí hậu, giống... các quy trình sản xuất phải được đáp ứng yêu cầu an toàn cho thực phẩm của trái cây.

Vấn đề đang được nhà sản xuất quan tâm là chi phí cho việc xác nhận EUREP GAP (hay Global GAP) rất lớn, khoảng 5.000-7.000 USD/giấy chứng nhận. Nếu tính giá thành sản phẩm tiêu thụ ở trong nước và các thị trường xuất khẩu “phổ thông” thì không còn năng lực cạnh tranh về giá. Trong khi đó, các đơn vị chứng nhận trong nước ra đời chậm và sự tín nhiệm về khả năng xét nghiệm toàn bộ hàng hóa nông sản chưa được xác lập đối với giới bán lẻ và người tiêu dùng.

Trong bối cảnh cụ thể của doanh nghiệp, khi xác định tiêu thụ sản phẩm ở thị trường nào, nhà sản xuất có thể chủ động lựa chọn bộ tiêu chuẩn GAP nào để phát huy sức mạnh của sản phẩm và hiệu quả kinh tế của mô hình. Nếu là nông sản tiêu dùng nội địa, hiện tại, áp dụng Viet GAP là đủ. Đối với sản phẩm xuất khẩu sang EU, Mỹ, nên áp dụng Global GAP. Trong thực tế, thị trường EU, Mỹ... vẫn tiêu thụ nông sản đạt tiêu chuẩn GAP của Thái Lan, Malaysia, Philippines, Indonesia... Vì Trung Quốc và ASEAN đã ký hiệp định SPS, xuất khẩu sang Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Công, Singapore hiện có thể áp dụng 1 trong 3 loại chứng nhận GAP.

MINH TUẤN

Chia sẻ bài viết