26/02/2012 - 17:09

TP CẦN THƠ

Triển vọng tốt từ cánh đồng mẫu lớn

Các trà lúa trên những CĐML ở TP Cần Thơ đang trong giai đoạn làm đòng đến trổ đều.

Vụ đông xuân 2011-2012, TP Cần Thơ triển khai thực hiện 9 mô hình cánh đồng mẫu lớn (CĐML), với diện tích hơn 1.830ha, gồm 963 nông hộ tham gia, tập trung tại huyện Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ, Thới Lai và quận Thốt Nốt. Hiện các trà lúa đang trong giai đoạn làm đòng đến trổ đều, sinh trưởng và phát triển tốt. Theo nhận định của ngành nông nghiệp thành phố, nông dân tham gia CĐML vui lại càng vui vì năng suất lúa tăng, chất lượng hạt lúa được cải thiện trong khi giá thành sản xuất giảm đi đáng kể…

* Chung sức, đồng lòng

Trong điều kiện sản xuất, tiêu thụ lúa gạo, đòi hỏi phải tổ chức và sắp xếp để đảm bảo lợi ích của các tác nhân trong chuỗi giá trị hạt gạo. Xây dựng CĐML là con đường ngắn nhất để gia tăng chất lượng lúa gạo, tiến tới hình thành vùng nguyên liệu quy mô lớn thông qua mối liên kết “4 nhà”. Ông Phạm Văn Quỳnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) TP Cần Thơ, cho biết: “Để CĐML thành công, ngoài việc chuyển giao ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật cho người nông dân, ngành nông nghiệp đã tiến hành khảo sát thực tế, từng bước xây dựng, nâng cấp và hoàn thiện hệ thống thủy lợi theo hướng kết hợp giao thông nội đồng làm tiền đề cho việc cơ giới hóa trong các khâu sản xuất. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp còn giữ vai trò là cầu nối trong việc tổ chức ký kết hợp đồng đầu tư ứng trước vật tư nông nghiệp và tiêu thụ sản phẩm giữa nông dân và doanh nghiệp (DN)...”.

Thực hiện mô hình CĐML, người nông dân đóng vai trò chủ thể, còn DN phải giữ vị trí “nhạc trưởng” của quá trình sản xuất. Bởi không chỉ hỗ trợ đầu vào, DN còn định hướng và tổ chức cho nông dân sản xuất theo nhu cầu thị trường. Từ khi CĐML được phát động và nhân rộng, TP Cần Thơ đã thực hiện thành công một số hình thức liên kết giữa DN và nông dân. Chẳng hạn, cung ứng giống lúa (Công ty Cổ phần Gentraco, Công ty Cổ phần Mêkông); phân bón (Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền, Công ty Cổ phần Phân bón và Hóa chất Dầu khí Tây Nam Bộ-Đạm Phú Mỹ), thuốc bảo vệ thực vật (Công ty Cổ phần Thuốc sát trùng Cần Thơ-CPC); bao tiêu lúa (Công ty Cổ phần Gentraco, Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu An Giang-Agrimex, Công ty TNHH Trung An, Công ty Cổ phần Mêkông)...

Bà Lưu Thị Lan, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Gentraco, chia sẻ: Mô hình CĐML được triển khai rộng rãi tạo điều kiện thuận lợi cho Gentraco trong công tác hỗ trợ, bao tiêu lúa cho nông dân. Sản xuất lúa tập trung, quy mô lớn, Gentraco không phải chủ động đến từng hộ vận động, tập hợp diện tích nhỏ lẻ, manh mún như trước đây. Vụ đông xuân 2011-2012, Gentraco tham gia bao tiêu hơn 1.000 ha, tập trung ở các huyện Cờ Đỏ, Thới Lai và Vĩnh Thạnh. Cuối vụ, tùy theo chất lượng hạt lúa, công ty sẽ mua cao hơn giá thị trường từ 50-250 đồng/kg. Ông Nguyễn Thành Danh, Trưởng vùng miền Tây, Công ty Phân bón Bình Điền, cho biết: “Hiện tại công ty cung ứng phân bón cho khoảng 300ha lúa ở huyện Vĩnh Thạnh, với hình thức giảm 25.000 đồng/bao khi nông dân mua phân qua hệ thống đại lý. Trong những vụ tiếp theo, công ty sẽ mở rộng phạm vi và diện tích bao tiêu để ngày càng có nhiều nông dân tiếp cận được phân bón chất lượng với giá gốc”.

* Những tín hiệu vui

Mục tiêu của mô hình CĐML phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng và giải quyết được khó khăn, vướng mắc trong sản xuất lúa nên được người dân đồng tình ủng hộ. Ông Nguyễn Tiến Hùng, nông dân ấp Thầy Ký, thị trấn Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh, nói: “Các thửa ruộng nơi đây có chiều ngang hẹp, chỉ khoảng 10-20m, chiều dài 1.000-1.500m nên rất khó khăn trong khâu bơm tưới, thu hoạch. Hơn nữa, tập quán canh tác của nông dân cứ thấy sâu rầy là xịt thuốc nên dẫn đến tình trạng kháng thuốc, làm năng suất lúa sụt giảm trong khi giá thành sản xuất đội lên. Vào CĐML, chúng tôi xuống giống đồng loạt, tập trung và chỉ sử dụng một loại giống; khâu cơ giới hóa trong sản xuất được thực hiện một cách đồng bộ và ứng dụng các giải pháp kỹ thuật như: 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm, nhân nuôi và sử dụng nấm xanh để quản lý sâu rầy... nên chi phí sản xuất giảm đi đáng kể”.

Theo đánh giá của ngành nông nghiệp, cây lúa trong các CĐML ở TP Cần Thơ đang sinh trưởng và phát triển tốt, ít sâu bệnh. Đến nay, 50% mô hình chưa sử dụng thuốc trừ sâu, các mô hình còn lại sử dụng tối đa từ 1-2 lần/vụ. Ông Nguyễn Thanh Danh, Chủ tịch UBND huyện Thới Lai, cho biết: “Mặc dù mới thực hiện trong vụ đông xuân 2011-2012 nhưng hiệu quả mang lại từ việc thực hiện mô hình khá lớn. Tham gia CĐML, chi phí sản xuất giảm xuống còn 22 triệu đồng/ha, thay vì 25 triệu đồng/ha như trước đây; năng suất bình quân dự kiến từ 8-8,5 tấn/ha, tăng từ 0,5-1 tấn/ha so với vụ đông xuân năm ngoái...”. Theo bà Huỳnh Kim Cương, Chủ tịch UBND huyện Cờ Đỏ, hiện tại, ngành nông nghiệp huyện đã chuẩn bị đủ lượng máy gặt đập phục vụ thu hoạch lúa. Địa phương cũng đã phối hợp với DN bao tiêu lúa ở các CĐML lập kế hoạch tiến độ thu hoạch, tránh tình trạng bị động trong khâu vận chuyển, phơi sấy, bảo quản... nhằm giảm tối đa thất thoát sau thu hoạch.

Để xứng đáng là “vựa lúa” lớn nhất nước, Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và TP Cần Thơ nói riêng phải nhanh chóng chuyển sang nền sản xuất lúa với quy mô lớn. Tiến sĩ Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long, cho rằng: “CĐML đã giải quyết căn bản bài toán tổ chức lại sản xuất bằng cách tập hợp nhiều nông dân nhỏ lẻ. Hiện tại chúng ta đang trong giai đoạn làm “mẫu”, sau đó đến sản xuất với quy mô lớn, cuối cùng là tiến tới xây dựng thương hiệu cho hạt gạo Việt...”. Đồng chí Trần Thanh Mẫn, Bí thư Thành ủy Cần Thơ, khẳng định: Liên kết xây dựng CĐML tiến tới xây dựng vùng nguyên liệu hàng hóa quy mô lớn, chất lượng cao, đồng nhất đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nội địa và xuất khẩu là hướng đi đúng đắn, phù hợp. Do đó, ngành nông nghiệp cần thể hiện tốt vai trò là “đầu tàu” trong mối liên kết giữa doanh nghiệp-nông dân. Đồng thời, phối hợp với các ngành có liên quan khai thác tối đa tiềm năng về năng suất, hạ giá thành đến mức thấp nhất, từ đó nâng cao chuỗi giá trị hạt gạo, tạo sức cạnh tranh trên thị trường. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp cũng cần đánh giá, rà soát lại việc thực hiện CĐML trong thời gian qua từ đó rút kinh nghiệm tạo cơ sở mở rộng trong vụ hè thu 2012 và những năm tiếp theo.

Bài, ảnh: MỸ THANH

Chia sẻ bài viết