06/12/2010 - 21:30

Triển vọng phát triển điện năng của ĐBSCL

Giai đoạn 2006-2010, tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm bình quân của vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) ước đạt 14,5% và số hộ có điện tăng 4,56%/năm. Cũng trong thời gian này, hàng loạt các nhà máy điện trong khu vực được khởi công xây dựng và nhiều nhà máy đã được đưa vào khai thác sử dụng. Điển hình như: Khí- điện-đạm Cà Mau, Nhiệt điện Ô môn (Cần Thơ); Nhiệt điện Long Phú (Sóc Trăng), Kiên Lương (Kiên Giang), Duyên Hải (Trà Vinh)... Điều này mở ra nhiều triển vọng phát triển cho ngành Công thương của vùng trong thời gian tới.

PHÁT TRIỂN NHANH

Giai đoạn 2006-2010, thực hiện chủ trương điện khí hóa nông thôn, các địa phương vùng ĐBSCL đã đẩy mạnh đầu tư cải tạo các công trình điện, nhanh chóng đưa điện lưới quốc gia về các địa phương phục vụ sinh hoạt và sản xuất khu vực nông thôn. Giai đoạn 2006 - 2010, từ nguồn vốn của Tổng công ty Điện lực Miền Nam và các nguồn vốn khác, các địa phương vùng ĐBSCL đã phát triển được trên 6.700 km đường dây trung thế, 6.980 km đường dây hạ thế và trên 28.030 trạm biến áp với tổng dung lượng 721MVA. Từ đó, góp phần điện hóa cho trên 787.670 hộ, nâng tổng số hộ có điện của toàn vùng hiện nay lên khoảng 4 triệu hộ (đạt khoảng 96,42% so tổng số hộ dân của năm 2009). Tốc độ điện hóa bình quân giai đoạn 2006 - 2010 là 4,56%/năm.

Điển hình như TP Cần Thơ, giai đoạn 2006 - 2009, thành phố chi trên 41,55 tỉ đồng để đầu tư cải tạo và xây dựng mới 6 công trình lưới điện nông thôn (tổng chiều dài trên 317,8km) ở các huyện Vĩnh Thạnh, Phong Điền, Cờ Đỏ, Thới Lai và quận Thốt Nốt. Đến cuối năm 2010, các công trình này đã hoàn thành, chủ đầu tư đã nghiệm thu và bàn giao cho Công ty Điện lực TP Cần Thơ quản lý, gắn điện kế bán điện trực tiếp đến hộ dân. Từ đó góp phần đáng kể trong việc nâng cao tỷ lệ hộ dân có điện trên địa bàn thành phố lên 99,5%. Tiếp tục nâng cao tỷ lệ số hộ dân có điện, đưa điện phục vụ mạnh mẽ hơn nữa cho nông nghiệp, công nghiệp, xây dựng..., giai đoạn 2011-2015, TP Cần Thơ sẽ đầu tư xây dựng mới nhiều công trình điện phục nông thôn như: nhánh rẽ vào trạm Vĩnh Thạnh, trạm 110kV Ô Môn - Phong Điền, trạm Thốt Nốt - Trung Hưng; nhánh rẽ vào trạm 110kV Thới Long...; đồng thời, xây dựng mới 4 trạm 110 kV với tổng dung lượng 200 MVA bao gồm: Trạm Vĩnh Thạnh, Trạm Thới Long, Trạm Phong Điền, Trạm Trung Hưng...

Trung tâm Điện lực Sông Hậu giai đoạn I được khởi công xây dựng vào tháng 7-2010. 

Theo nhận định của Sở Công Thương các địa phương vùng ĐBSCL, kết quả trên góp phần đáng kể vào tăng trưởng điện thương phẩm của toàn vùng giai đoạn 2006-2010. Từ đó, sản lượng điện thương phẩm toàn vùng ĐBSCL năm 2010 ước đạt trên 11 triệu MWh, tăng gần 5,5 triệu MWh so với năm 2005. Trong đó, điện thương phẩm trong lĩnh vực nông - lâm - thủy sản chiếm 1,54%; công nghiệp xây dựng chiếm 48,55%; thương nghiệp 2,65%; tiêu dùng dân cư chiếm 42,68% và các hoạt động khác chiếm 3,58%. Giai đoạn 2006-2010, tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm bình quân của toàn vùng ước đạt khoảng 14,45%.

ĐỂ ĐẠT TỐC ĐỘ TĂNG TRƯỞNG TRÊN 15%

Theo nhận định của Sở Công Thương các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL, dù đạt được kết quả khá khả quan trong phát triển điện năng nhưng điện thương phẩm hằng năm vẫn thiếu nguồn cung cấp, nhất là vào mùa khô. Điện khí hóa nông thôn tuy phát triển nhanh nhưng chưa đáp ứng yêu nhu cầu cho vùng sâu, vùng xa, vùng sản xuất nuôi trồng thủy sản. Điều này ảnh hưởng khá lớn đến nhu cầu sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và sinh hoạt của người dân. Từ đó ảnh hưởng không nhỏ đến việc phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương và cả vùng.

Theo quy hoạch phát triển điện quốc gia, giai đoạn 2006 - 2015, có xét đến 2025 (Quy hoạch điện VI) và Quy hoạch phát triển điện của các địa phương vùng ĐBSCL, giai đoạn 2011 - 2015, có xét đến năm 2020: Các địa phương sẽ tranh thủ các nguồn vốn đầu tư, phấn đấu đến năm 2015 đưa tỷ lệ hộ sử dụng điện đạt 98,92%; điện thương phẩm đạt gần 22,5 triệu MWh với tốc độ tăng trưởng bình quân 15,05%/năm. Trong đó lĩnh vực nông, lâm, thủy sản chiếm 6,29%; Công nghiệp xây dựng chiếm 47,7%; Thương nghiệp chiếm 3,22%; Tiêu dùng dân cư chiếm 39,02% và các hoạt động khác chiếm 3,77%.

Từng bước khắc phục những khó khăn và đạt được các chỉ tiêu tăng trưởng nêu trên, ngành Công thương các địa phương vùng ĐBSCL kiến nghị: Đối với nguồn cung cấp điện cho sản xuất và kinh doanh, Tổng công ty Điện lực Miền Nam ưu tiên đầu tư mới; đồng thời, nâng cấp cải tạo lưới điện để đủ nguồn. Đối với lưới điện cung cấp cho cộng đồng dân cư nông thôn và khu vực nuôi trồng thủy sản, Tổng công ty cần ưu tiên cân đối nguồn vốn để đầu tư phát triển lưới điện, nhất là đối với các tỉnh còn khó khăn về vốn đầu tư. Đồng thời, UBND các địa phương trong vùng nên thực hiện cơ chế “tạm ứng” có thời gian hoàn trả của Tổng công ty Điện lực Miền Nam để đầu tư đồng bộ lưới điện phân phối. Đối với lưới điện cung cấp cho khu vực nuôi trồng thủy sản, Tổng công ty Điện lực Miền Nam quan tâm ưu tiên đầu tư cung cấp cho các trạm bơm điện. Trong vấn đề này, UBND các địa phương trong vùng cùng Tổng công ty Điện lực Miền Nam kiến nghị Chính phủ có cơ chế hỗ trợ để có nguồn vốn đầu tư bổ sung...

TRIỂN VỌNG PHÁT TRIỂN

Cùng với nỗ lực cải tạo, nâng cấp, kéo mới hệ thống các lưới điện, giai đoạn 2006-2010, nhiều nhà máy điện bắt đầu đưa vào khai thác sử dụng và nhiều nhà máy điện chính thức khởi công xây dựng ở vùng ĐBSCL. Điển hình như: Dự án Nhà máy điện Cà Mau bao gồm Nhà máy điện Cà Mau 1 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đầu tư tại Quyết định số 1333/QĐ-TTg tháng 10-2001 và Nhà máy điện Cà Mau 2 được Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam phê duyệt đầu tư tại Quyết định số 1459/QĐ-HĐQT ngày 15-3-2006 nhằm đáp ứng nhu cầu điện năng đang gia tăng của đất nước. Ngày 10-5-2007 và ngày 10-1-2008, Nhà máy điện Cà Mau 1 và 2 lần lượt phát điện hòa vào lưới điện quốc gia. Chỉ tính trong 9 tháng năm 2010, hai nhà máy điện Cà Mau 1 và Cà Mau 2 đạt sản lượng phát điện 7,505 tỉ kWh. Trung tâm Điện lực Ô Môn được xây dựng ở TP Cần Thơ, có công suất 2.800 MW với tổng vốn đầu tư khoảng 2 tỉ USD. Trong đó, Nhà máy điện Ô Môn 1 có công suất 660 MW, được khởi công xây dựng vào năm 2006. Nhà máy này đã vận hành tổ máy 1 và các đơn vị hữu quan đang khẩn trương hoàn tất các công đoạn để đưa tổ máy số 2 vào hoạt động trong thời gian sớm nhất. Các dự án: Dự án Ô Môn 2, công suất là 720MW; Ô Môn 3 có công suất khoảng 700 MW và Ô Môn 4 công suất lên tới 720 MW đang trong tiến hành kêu gọi đầu tư, xây dựng...

Ngoài các dự án trên, tại ĐBSCL, nhiều dự án, trung tâm điện lực khác đã và đang khẩn trương đẩy nhanh tiến độ xây dựng. Điển hình như: Dự án Trung tâm nhiệt điện Kiên Lương (tỉnh Kiên Giang) tổng công suất 4.400MW; Dự án trung tâm điện lực Duyên Hải (tỉnh Trà Vinh) tổng công suất 4.400MW; Dự án Điện lực Dầu khí Long Phú (tỉnh Sóc Trăng) tổng công suất 4.400 MW... Đặc biệt, trong tháng 7 năm 2010, Trung tâm Điện lực Sông Hậu (tỉnh Hậu Giang), công suất khoảng 5.200M là nhà máy nhiệt điện lớn nhất cả nước đã được triển khai xây dựng giai đoạn 1. Theo đó, Trung tâm Điện lực Sông Hậu được xác định là trung tâm điện lực vùng, có nhiệm vụ cung cấp điện năng lên lưới điện quốc gia, phục vụ chủ yếu cho khu vực phía Nam và điều hòa chung cho cả nước thông qua hệ thống đường dây 220/500KV Bắc - Nam...

Với những khởi động trên, chắc chắn rằng, khi các trung tâm điện lực hoàn thành và đưa vào hoạt động sẽ góp phần phát triển và hoàn chỉnh hạ tầng cơ sở về năng lượng và gia tăng giá trị sản xuất theo hướng công nghiệp. Đồng thời qua đó sẽ góp phần tác động chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của vùng ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung.

Bài, ảnh: HÀ TRIỀU

Chia sẻ bài viết