01/02/2012 - 20:21

Triển vọng mô hình liên kết tiêu thụ nông sản, cung ứng vật tư

Chế biến cá tra xuất khẩu ở An Giang.

Thời gian qua, gạo và cá tra Việt Nam luôn được xem là các mặt hàng xuất khẩu chiến lược quốc gia với lợi thế rất lớn về xuất khẩu. Tuy nhiên, bài toán “trúng mùa, mất giá” của cây lúa; cạnh tranh không lành mạnh, giá cả trồi sụt bất thường của con cá tra,... liên tục xảy ra khiến thị trường hai sản phẩm này luôn trong tình trạng bấp bênh. Mô hình thí điểm về tiêu thụ nông sản và cung ứng vật tư nông nghiệp cho hai sản phẩm lúa và cá tra, vừa được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương và UBND tỉnh An Giang sơ kết, định hướng phát triển bền vững cho An Giang và cả ĐBSCL.

* Gắn kết theo hướng bền vững

Cả hai mặt hàng cá tra xuất khẩu và hạt gạo Việt Nam thời gian qua đã giúp người dân ĐBSCL và cả ngành nông nghiệp Việt Nam khẳng định lợi thế cạnh tranh xuất khẩu nông sản trong khu vực và quốc tế. Cả hai mặt hàng trên đều mang về hàng tỉ USD kim ngạch xuất khẩu. Trong đó, cá tra đứng vị trí “độc tôn” và hạt gạo Việt Nam luôn nằm trong tốp 3 thế giới về kim ngạch xuất khẩu hơn chục năm qua. Nhưng nếu xét trên bình diện rộng, kim ngạch xuất khẩu 2 mặt hàng trên mang lại chưa thực sự tương xứng với giá trị thực của chúng. Đây là bài toán khá hóc búa cho các nhà hoạch định chính sách trong nhiều năm qua.

Với cây lúa, mô hình “cánh đồng mẫu lớn” triển khai ở An Giang từ vụ đông xuân 2010-2011 đến nay đã mang lại những tác động hiệu quả cả về mặt kinh tế lẫn xã hội. Mô hình này cho thấy những thành công bước đầu cho việc xây dựng mối liên kết làm ăn bền vững giữa nhà doanh nghiệp và người nông dân theo quy trình khép kín. Ông Lê Minh Phương, Phó Giám đốc ngành lương thực, Công ty Cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang, đơn vị được chọn thí điểm triển khai mô hình cho biết: “Mô hình liên kết “cánh đồng mẫu lớn” đang triển khai ở 9 vùng nguyên liệu với 684 nông hộ tham gia với diện tích 1.600ha. Các giống chủ yếu của mô hình là những giống lúa chất lượng cao, như: OM4218, OM 2517, Jasmine. Nông dân khi bán lúa chỉ cần đến với kho, các khâu thu hoạch, chuyên chở, bao bì, nhân công... đều do công ty đảm trách. Giá bán được niêm yết theo giá thị trường hằng ngày và nông dân khi mang lúa đến có quyền ký gửi hay bán tùy ý, miễn sao thấy có lãi nhất. Đây chính là cái mới và điển hình của cách làm ăn bình đẳng đảm bảo cho nông dân có lãi cao từ hạt lúa nhất của mô hình cánh đồng mẫu mà chúng tôi đang xây dựng”. Qua kiểm định độc lập của Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thuộc Trường Đại học An Giang cho thấy, mức thu nhập của bà con nông dân tham gia mô hình khá cao, từ 22 triệu đồng đến trên 33triệu đồng/ha/vụ.

Với mặt hàng cá tra xuất khẩu, “Liên kết chuỗi giá trị trong sản xuất cá tra” lần đầu tiên được tiến hành đồng bộ với 24 thành viên, tổng diện tích nuôi tham gia trên 28ha tại An Giang và Cần Thơ do Công ty TNHH sản xuất thương mại - dịch vụ Thuận An tiến hành thí điểm từ tháng 8-2011 đến nay cũng đạt nhiều kết quả tốt. Mô hình liên kết với chuỗi giá trị khép kín gồm các thành viên như: Doanh nghiệp cung ứng thuốc, hóa chất - Doanh nghiệp sản xuất, cung ứng thức ăn chăn nuôi - cơ sở ương, nuôi giống - cơ sở nuôi cá thịt - doanh nghiệp chế biến xuất khẩu - nhà nhập khẩu. Trong đó, đầu mối là doanh nghiệp chế biến thực hiện tất cả các khâu trung gian nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích các bên. Đây được xem là mô hình chuỗi liên kết khá chặt chẽ, đảm bảo truy suất nguồn gốc, hạ giá thành sản xuất và nhất là giải quyết bài toán ép giá, tranh mua, tranh bán cá tra thời gian qua. Bà Nguyễn Thị Huệ Trinh, Giám đốc Công ty TNHH sản xuất thương mại - dịch vụ Thuận An, nói: “Chuỗi liên kết sản xuất cá tra được hình thành trên tinh thần hài hòa lợi ích. Điểm đáng quan tâm trong mô hình này là việc được cung cấp giống, thức ăn, thuốc, tín dụng... Công ty sẽ thu mua cá của người nuôi bằng giá thị trường cộng thêm 200đồng/kg”.

* Bất cập và giải pháp

Mục tiêu của mô hình liên kết tiêu thụ nông sản và cung ứng vật tư nông nghiệp cho sản phẩm lúa và cá tra nhằm đảm bảo sự phát triển, tăng trưởng bền vững của từng thành viên tham gia và toàn bộ mô hình. Trong đó, khâu tiêu thụ hàng hóa trong chuỗi liên kết đảm bảo được sự ổn định trong luân chuyển hàng hóa nguồn vật tư đầu vào phục vụ sản xuất và đầu ra sau thu hoạch được cân đối. Song song đó, sản phẩm làm ra trong chuỗi có giá trị kinh tế cao, chất lượng và có hệ thống truy suất nguồn gốc hiệu quả...

Tuy nhiên, theo tiến sĩ Mai Thị Ánh Tuyết, Giám đốc Sở Công Thương An Giang, thực tế việc liên kết trong chuỗi của hai mô hình với hợp đồng liên kết dẫu có ký nhưng ý thức tự nguyện thực hiện nghĩa vụ và quyền lợi theo hợp đồng đã được ký kết của cả hai phía nông dân và doanh nghiệp vẫn chưa cao. Đơn cử là việc phá vỡ hợp đồng vẫn liên tục xuất hiện. Nhiều vấn đề được các bên thỏa thuận ghi trong hợp đồng nhưng vẫn còn thiếu cơ sở pháp lý, hướng dẫn quy định của Nhà nước dẫn đến tình trạng tranh chấp do chưa thống nhất cách hiểu, chưa tìm được tiếng nói chung khi đi vào thực hiện những điểm trong nội dung hợp đồng. Vì vậy, mô hình liên kết vẫn còn mang tính chất mô hình hợp tác sản xuất và chia sẻ chi phí đầu tư hơn là phát triển bền vững.

Theo GS-TS Võ Tòng Xuân: Để phát triển và nhân rộng mô hình liên kết, trong thời gian tới bà con nông dân phải tự nhận rõ là làm ăn một mình một cách tự do sẽ rất khó làm giàu. Nếu chúng ta chỉ sản xuất theo hình thức cá thể một cách tự do, manh mún thì không thể nào đáp ứng những đơn đặt hàng lớn. Do đó, cách hữu hiệu nhất chính là bà con nông dân và doanh nghiệp phải liên tục liên kết chặt chẽ với nhau trong sản xuất cũng như tiêu thụ mới có thể làm giàu được.

Ngoài ra, việc phát triển mô hình liên kết theo chiều sâu và nhân rộng theo chiều dọc đã được các cấp, bộ ngành đặc biệt quan tâm. Thế nhưng, vấn đề là các giải pháp nào thực sự hiệu quả để giải quyết tốt nhất các vướng mắc vừa nêu. Theo các ngành hữu quan, giải quyết những bất cập vừa nêu, trước tiên, cơ chế của Nhà nước trong định hướng liên kết chính là đòn bẩy mạnh mẽ nhất. Theo đó, nếu Nhà nước tăng mức đầu tư cho cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh phục vụ sản xuất nông nghiệp thì việc đẩy mạnh các cánh đồng mẫu lớn hay nuôi cá tra theo các chuẩn sản xuất hiện đại trong nước, quốc tế công nhận. Bên cạnh đó, việc quy hoạch phát triển các nhà máy, cả chế biến xuất khẩu lương thực lẫn cá tra cần được các ngành hữu quan quan tâm định hướng đồng bộ về vùng nguyên liệu, khu vực sản xuất, công suất thiết kế... Việc phát triển các tổ, nhóm liên kết sản xuất nhằm chuyển giao khoa học-kỹ thuật, biện pháp canh tác hiện đại cũng cần tính đến. Vấn đề cuối cùng rất cần quan tâm trong việc phát triển, nhân rộng các mô hình liên kết nông sản chính là việc Chính phủ, các bộ ngành liên quan nhanh chóng hoàn thành các chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư, thuế, tín dụng, quy hoạch đầu tư hạ tầng sản xuất nông nghiệp, quy hoạch vùng sản xuất tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa theo vùng miền, đặc thù thổ nhưỡng, lợi thế cạnh tranh...

Bài, ảnh: NGUYỄN HUỲNH

Chia sẻ bài viết