29/09/2011 - 21:43

Triển vọng của cây mía đường trên đất cát gò cao

Ông Kiên Khanh và ông Thạch Ngọc Nghị, Phó Chủ tịch xã Nhị Trường bên ruộng mía trồng thử nghiệm giống ROC 16.

Vụ mía năm 2011-2012, lần đầu tiên tại huyện Cầu Ngang, gần 20 hộ nông dân được Công ty Mía đường Trà Vinh đầu tư trồng thử nghiệm giống mía ROC 16 trên vùng đất cát gò cao với diện tích 12 ha. Đến nay, cây mía đường trên vùng đất mới này đang phát triển rất tốt, ước đạt năng suất đến trên 100 tấn/ha, mở ra một triển vọng mới cho chương trình đổi hơn 100 ha đất cát gò cao của huyện Cầu Ngang, giúp nông dân sản xuất ổn định và tăng thu nhập.

Công ty Mía đường Trà Vinh hiện đang đầu tư nâng công suất nhà máy đường từ 2.000 tấn mía cây/ngày lên 2.800 tấn/ngày. Để đáp ứng đủ nguồn nguyên liệu cho nhà máy đường hoạt động, trong niên vụ mía 2011- 2012, công ty đã ký hợp đồng, đầu tư giống, vốn, vật tư nông nghiệp cho các hộ trồng mía các huyện: Trà Cú, Tiểu Cần, Duyên Hải và mở rộng vùng nguyên liệu sang vùng đất mới Cầu Ngang.Tổng trị giá nguồn vốn đầu tư hỗ trợ cho nông dân hơn 30 tỉ đồng, tăng gấp 4 lần so với mức đầu tư trong niên vụ mía 2010- 2011. Tại huyện Cầu Ngang, Công ty Mía đường Trà Vinh đầu tư hỗ trợ hơn 300 triệu đồng cho nông dân trồng thử nghiệm giống mía đường ROC 16 tại 4 xã Nhị Trường, Trường Thọ, Long Sơn và Thạnh Hòa Sơn. Theo đó, nông dân trồng mía được công ty đầu tư mỗi công từ 800- 1.000 kg giống, 100- 130 kg phân hóa học, 2 kg thuốc bảo vệ thực vật và 800.000 đồng tiền làm đất, chăm sóc mía. Đến kỳ thu hoạch, công ty thu hồi vốn bằng sản phẩm theo giá thị trường; nếu trường hợp gặp rủi ro giá xuống thấp công ty vẫn đảm bảo mua giá tối thiểu 650.000 đồng/tấn loại mía sạch 10 chữ đường (10 CCS).

Được sự hỗ trợ của Công ty Mía đường Trà Vinh, ông Huỳnh Văn Tùng, xã Trường Thọ, chuyển 5 công đất cát gò cao trồng lúa sang trồng thử nghiệm mía đường ROC 16. Hiện nay mía đang giai đoạn hơn 6 tháng tuổi, dự kiến năng suất đạt hơn 10 tấn/công. Ông Huỳnh Văn Tùng chia vui: “Là vùng đất giồng cát gò cao trồng cây lúa ở đây năng suất rất bấp bênh. Năm nào thuận mùa năng suất cao lắm cũng chỉ 18 đến 20 giạ/công (3,7 đến 4tấn/ha), trừ chi phí lợi nhuận chưa hơn 2 triệu đồng/công. Năm 2011 nhà nước phát động trồng thử nghiệm cây mía đường. Chuyển sang trồng mía nông dân đồng thuận cao, vì được công ty hỗ trợ vốn, giống, phân bón, bao tiêu đầu ra nên an tâm. Mía của gia đình tôi hiện giờ còn khoảng 4 tháng nữa thu hoạch, dự kiến năng suất hơn 10tấn/công, trừ chi phí xong 5 công mía này lãi chắc 40 triệu đồng, lợi nhuận hơn lúa 3 đến 4 lần”.

Hơn 15 năm trồng lúa, mỗi năm 2 vụ nhưng chưa bao giờ cây lúa vùng đất gò cao nơi đây cho năng suất hơn 4 tấn/ha. Được sự khuyến khích của chính quyền địa phương và hỗ trợ giống, vốn của Công ty Mía đường Trà Vinh, ông Thạch Cười mạnh dạn chuyển 6 ha đất trồng lúa sang trồng mía. Hiện nay diện tích mía của ông phát triển tốt nhất vùng, hứa hẹn hiệu quả kinh tế cao gấp 4 lần trồng lúa. Ông Thạch Cười nói: “Mấy đời trồng lúa nhưng đời sống người dân vùng này có khá lên đâu, nghe nhà nước khuyến khích trồng mía đường nông dân đồng thuận cao.Tôi trước đây từng trồng mía ăn nhưng đầu ra không ổn định nên bỏ nghề, nay chuyển sang trồng mía đường an tâm đầu ra vì được công ty bao tiêu. Mía tôi hiện giờ hơn 6 tháng rồi, nhìn ruộng mía ai cũng khen, đón năng suất hơn 10 tấn/công. Vụ đầu mà đạt như vầy là ngon ăn rồi”. Với đặc điểm thổ nhưỡng, khí hậu tương đồng với Trà Cú, Duyên Hải nên cây mía đường thích nghi và phát triển tốt ở nhiều vùng đất gò cao, đất sản xuất lúa kém hiệu quả ở Cầu Ngang. Tại xã Nhị Trường cây mía đường đang mở ra triển vọng đầy hứa hẹn trên vùng đất độc canh cây lúa nhiều đời qua. Ông Kiên Khanh một trong những nông dân tiên phong hưởng ứng phong trào chuyển đổi từ trồng lúa kém hiệu quả sang trồng mía đường khẳng định: “Cây mía đường đang bám rễ tốt trên vùng đất khó này”. Ông Kiên Khanh phân tích rằng, đất đai Nhị Trường giống như Trà Cú nên chuyện trồng mía đường không khó. Từ lâu nông dân ngán ngại trồng mía vì lo đầu ra, nay được bao tiêu thì ổn rồi, vấn đề còn lại là vốn và kỹ thuật thâm canh làm sao cho đạt năng suất cao. Cây mía đường hiện đang mở ra triển vọng mới thoát nghèo cho người dân Nhị Trường”.

Ông Thạch Ngọc Nghị, Phó Chủ tịch UBND xã Nhị Trường, đánh giá: “Đến thời điểm này, vụ mía thử nghiệm đầu tiên ở Nhị Trường đã định ước được năng suất đạt đến 100 tấn/ha, vượt chỉ tiêu ban đầu đặt ra. Với giá mía thị trường hiện nay dao động từ 900 đến 1.000 đồng/kg, 1 công mía nông dân thu lãi 5 đến 7 triệu đồng, gấp 3 đến 4 lần cây lúa. Tín hiệu vui nhất là người dân hưởng ứng cao với chủ trương phát động của chính quyền điạ phương. Tôi tin rằng, cây mía đường trong tương lai sẽ là cây trồng chủ lực trên vùng đất gò cao Nhị Trường”.

Ngoài việc đầu tư giống, vốn, Công ty Mía đường Trà Vinh còn cử cán bộ kỹ thuật phối hợp với cán bộ ngành nông nghiệp địa phương xuống bám cơ sở, tổ chức tập huấn, hướng dẫn nông dân kỹ thuật làm đất, chăm sóc, bón phân và thu hoạch để nâng cao chất lượng mía cây, đạt chữ đường cao nhất. Chọn giống mía có thời gian sinh trưởng ngắn ngày và dài ngày vào trồng theo hướng rải vụ để kéo dài thời gian thu hoạch từ 5- 6 tháng lên 8- 9 tháng trong năm để hạn chế tình trạng thiếu nguyên liệu ở đầu vụ, cuối vụ và thừa nguyên liệu vào giữa vụ như thường xảy ra ở các vụ mía trước đây. Hiệu quả cây mía đường bước đầu đang tạo ra sức hấp dẫn đối với vùng đất vốn độc canh cây lúa ở các xã Long Sơn, Thanh Hòa Sơn, Nhị Trường, Trường Thọ, huyện Cầu Ngang. Tuy nhiên để mở rộng diện tích chuyên canh cây mía đường bền vững vấn đề hỗ trợ vốn tín dụng cho nông dân được xem là một trong những yếu tố quan trọng cần quan tâm. “Sau huyện Trà Cú, Tiểu Cần, Duyên Hải, cây mía đường đang mở ra triển vọng mới ở Cầu Ngang. Điều quan tâm hiện nay là phần lớn nông dân trồng mía Nhị Trường nói riêng, các xã trong huyện nói chung thiếu vốn. Vì vậy, ngành chức năng cần có chính sách hỗ trợ vốn tín dụng hợp lý để nông dân mở rộng diện tích thâm canh, tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo” - Ông Thạch Ngọc Nghị, Phó Chủ tịch UBND xã Nhị Trường kiến nghị.

Bài, ảnh: PHÚC SƠN

Chia sẻ bài viết