23/12/2009 - 21:17

Triển vọng chữa nhồi máu cơ tim bằng tế bào gốc

Liệu pháp tế bào gốc mang lại hy vọng cho bệnh nhân tim mạch. Ảnh: CNN

Tiêm tế bào gốc vào tĩnh mạch của bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim trong vòng 10 ngày không chỉ giúp kiềm chế, mà còn phục hồi hiệu quả sự tổn thương ở tim. Đó là kết quả nghiên cứu do Viện tế bào gốc thuộc khoa y Đại học Miami (Mỹ) thực hiện, vừa được công bố trên tạp chí Tim mạch Mỹ.

Jeffrey Karp, giám đốc phòng thí nghiệm tế bào gốc thuộc Đại học Harvard, nhận định kết quả trên là một bước tiến quan trọng trong quá trình nghiên cứu tế bào gốc hướng tới chữa trị cho bệnh nhân tim. Ông cho biết hầu hết các phương pháp chữa bệnh hiện nay chỉ nhắm vào việc giảm nhẹ, chứ chưa giải quyết tận gốc những tổn thương do cơn nhồi máu cơ tim gây ra. Trong khi đó, phần lớn bệnh nhân nhồi máu cơ tim sẽ bị suy tim, vì vậy tìm cách ngăn ngừa điều tồi tệ đó xảy ra là việc làm cấp bách và phải được tiến hành càng sớm càng tốt.

Trong nghiên cứu, các nhà khoa học sử dụng thuốc có chứa loại tế bào đặc biệt có tên tế bào gốc trung mô. Chế phẩm Prochymal của hãng Osiris Therapeutics chứa các tế bào gốc trích xuất từ tủy của người trưởng thành, chứ không phải lấy từ phôi thai. Sau khi tiêm vào tĩnh mạch, các tế bào này hòa cùng dòng máu và bám trong tim bệnh nhân, từ đó giúp phục hồi mô tim tổn thương, đồng thời gia tăng lực đập của tim. Ở một chừng mực nào đó, chúng còn kích thích quá trình phát triển cơ tim mới. Tiến sĩ Joshua Hare, giám đốc Viện tế bào gốc liên ngành và là trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết giai đoạn 1 của cuộc thử nghiệm đã cho kết quả an toàn, trong khi giai đoạn 2 và 3 (đang được tiến hành tại 50 bệnh viện ở Mỹ) nhắm tới đánh giá hiệu quả của thuốc. “Chúng tôi cho rằng trong khoảng 5 năm nữa, liệu pháp tế bào gốc sẽ được ứng dụng rộng rãi cho bệnh nhân tim”, Hare nói.

Theo các nhà nghiên cứu, sử dụng tế bào gốc trung mô để chữa bệnh tim mạch có nhiều điểm thuận lợi. Thứ nhất, chúng là tế bào gốc trưởng thành nên không vi phạm y đức (so với việc sử dụng tế bào gốc trích từ phôi thai). Thứ hai, tế bào gốc trung mô không đòi hỏi tính tương hợp, nghĩa là người hiến tặng có thể cho tế bào cho bất cứ người nào cần nó, và bệnh nhân không cần dùng thuốc ức chế miễn dịch để chống thải ghép. Mặc dù vậy, hạn chế của liệu pháp này là nó cần đến hàng triệu tế bào mới đủ sức đưa tế bào gốc đến tim để thực hiện nhiệm vụ “sửa chữa”, trong khi thu thập một lượng tế bào lớn như thế cho từng bệnh nhân lại rất tốn kém. Karp cho rằng nếu khắc phục được những khó khăn trên, hàng triệu bệnh nhân tim trên khắp thế giới sẽ được hưởng lợi từ liệu pháp tế bào gốc, vì tiêm tĩnh mạch là phương pháp đơn giản có thể thực hiện dễ dàng tại các phòng khám hoặc bệnh viện.

Tiêm trực tiếp tế bào gốc của chính bệnh nhân vào cơ tim của họ cũng là biện pháp được đánh giá cao, do nó cho kết quả khả quan sau các cuộc thử nghiệm lâm sàng. Bệnh viện Northwestern Memorial ở Chicago nhận thấy sau 12 tháng thử nghiệm với loại thuốc chứa tế bào gốc có tên GCSF, bệnh nhân bị đau thắt ngực rất nặng đã bớt đau và cải thiện khả năng đi lại. Tuy nhiên, các nhà khoa học đang nghiên cứu thêm để xem liệu bệnh nhân có được hưởng lợi từ cách làm này hay không, và tế bào gốc của chính họ hay của người hiến tặng sẽ phát huy tác dụng chữa bệnh tốt hơn.

HOÀNG ĐIỂU (Theo CNN)

Chia sẻ bài viết