20/08/2017 - 17:09

Triển khai kỹ thuật hạ thân nhiệt chủ động 

Bệnh viện (BV) Phụ sản TP Cần Thơ vừa triển khai kỹ thuật hạ thân nhiệt chủ động trong điều trị cấp cứu trẻ bệnh não thiếu oxy, thiếu máu não cục bộ. Đây là BV đầu tiên và duy nhất hiện nay của thành phố thực hiện kỹ thuật này, nhờ sự chuyển giao kỹ thuật từ BV Nhi đồng I (TP Hồ Chí Minh), góp phần ngăn chặn các di chứng não và giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh.

Bé tiến triển sức khỏe tốt, đem lại niềm vui cho cả gia đình và cán bộ y tế BV Phụ sản TP Cần Thơ. 

 

Khuya 10-8, BV Phụ sản TP Cần Thơ cấp cứu một bé trai chào đời ở thời điểm khoảng 38 tuần tuổi, cân nặng 3.400 gram, con sản phụ L.T.M.D (21 tuổi, ngụ huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long). Sau sanh, bé có các biểu hiện: toàn thân tím tái, không thở, mạch không phản xạ, tim rời rạc và nguy cơ thiếu oxy. Ngay trong đêm, ê kip trực của khoa Sanh và khoa Nhi - Sơ sinh BV nhanh chóng hồi sức tích cực tim phổi, đặt nội khí quản, bóp bóng qua khí quản. Sau khi cấp cứu thành công, bé được chuyển lên khoa Sơ sinh tiếp tục theo dõi.

Tại khoa Sơ sinh, qua các xét nghiệm lâm sàng ban đầu, bé được chẩn đoán bệnh não thiếu oxy, thiếu máu não cục bộ, tiên lượng nặng, biểu hiện mê, co gồng toàn thân, tứ chi tím lạnh, mạch rõ chậm, đầu có bướu huyết thanh to, thóp phồng nhẹ…  Ê kíp bác sĩ BV nhanh chóng hội chẩn, thực hiện kỹ thuật hạ thân nhiệt chủ động bằng phương pháp làm lạnh bề mặt. Các bác sĩ xử lý làm lạnh liên tục toàn thân trong 72 giờ, hạ thân nhiệt trẻ xuống 33,50C lúc 6 giờ tuổi và kiểm soát thân nhiệt của trẻ thông qua 2 cảm biến nhiệt độ ở da và ở trực tràng giúp giảm số lượng tế bào não bị tổn thương do thiếu oxy và ngăn chặn các tổn thương tiếp diễn do phù não, giúp cải thiện tiên lượng lâu dài cho trẻ. Đồng thời, trẻ tiếp tục được hỗ trợ hô hấp bằng không khí áp lực dương và nuôi ăn tĩnh mạch hoàn toàn, dùng kháng sinh và đặt mornitoring để theo dõi dấu hiệu sinh tồn.

Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Hà: Kỹ thuật hạ thân nhiệt chủ động trong điều trị cấp cứu trẻ bệnh não thiếu oxy, thiếu máu não cục bộ cần được áp dụng sớm cho trẻ ngay sau sinh, trước 6 giờ tuổi mới có hiệu quả. Trẻ cần được điều trị tại các trung tâm sơ sinh chuyên sâu và theo dõi sát trong thời gian điều trị để hỗ trợ về hô hấp và tuần hoàn kịp thời. Sau 72 giờ, trẻ được làm ấm từ từ để đưa về nhiệt độ bình thường và tiếp tục được điều trị theo dõi đến xuất viện. Các trường hợp áp dụng phương pháp hạ thân nhiệt chủ động cần tái khám lúc 2 tháng, 6 tháng, 12 tháng, 18 tháng tuổi để theo dõi về phát triển tâm thần vận động kết hợp với vật lý trị liệu để có kết quả tốt nhất cho trẻ.

Trong thời gian hạ thân nhiệt, bé diễn tiến đáp ứng với điều trị, ổn định về hô hấp và huyết áp, giảm co gồng. Sau khi làm lạnh, trẻ được làm ấm từ từ để đưa về nhiệt độ bình thường 36,5 - 370C. Sau 4 ngày điều trị tích cực, bé tỉnh, diễn tiến tốt, tứ chi cử động tốt, mạch rõ, thở đều. Các bác sĩ cho bé cai máy thở và tiếp tục theo dõi để hỗ trợ sự phát triển tốt nhất cho trẻ.

Bác sĩ CKI Nguyễn Thị Ngọc Hà - Phó Trưởng khoa Sơ sinh, cho biết: “Bệnh não sơ sinh thiếu oxy, thiếu máu cục bộ là tình trạng thiếu oxy trước, trong hoặc ngay khi sanh, do nhiều nguyên nhân khác nhau. Bệnh lý này dẫn đến tỷ lệ trẻ tử vong cao và có thể để lại di chứng nặng về chậm phát triển tâm thần vận động”. Theo bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Hà, tác dụng của phương pháp hạ thân nhiệt chủ động ở trẻ bệnh não thiếu oxy, thiếu máu não cục bộ làm gián đoạn quá trình chuyển hóa của tế bào não trong tình trạng thiếu oxy; giảm nhu cầu sử dụng glucose, oxy, giảm sự mất năng lượng và ngăn sự chết theo chương trình của tế bào não, ngăn tiến trình phù não…

Bệnh não thiếu oxy, thiếu máu não cục bộ là một trong 3 nguyên nhân tử vong sơ sinh hàng đầu ở trẻ (chiếm hơn 80%) và ở các nước phát triển tỷ lệ này là 3- 5/1.000 trẻ sống, trong đó 75% trẻ tử vong ngay trong thời kỳ đầu tiên sau khi chào đời. Bác sĩ CKII Nguyễn Hữu Dự, Giám đốc BV Phụ sản TP Cần Thơ cho biết, kỹ thuật hạ thân nhiệt là kỹ thuật cao tuyến trung ương. BV Phụ sản TP Cần Thơ là đơn vị chuyên khoa sản nhi đầu tiên và duy nhất hiện nay của thành phố thực hiện kỹ thuật này, giúp các bệnh nhi có cơ hội được điều trị hiệu quả, giảm thiểu tối đa di chứng bệnh, đồng nghĩa với giảm gánh nặng về chi phí điều trị cũng như tinh thần cho gia đình và cộng đồng.

Bài, ảnh: THU SƯƠNG

Chia sẻ bài viết