25/01/2018 - 15:02

Triển khai kỹ thuật cao nhờ thiết bị hiện đại 

Sau 1 năm tiếp nhận gói trang thiết bị hiện đại từ nguồn vốn ODA do Chính phủ Pháp tài trợ, các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ đã triển khai hàng loạt kỹ thuật cao, chuyên sâu, góp phần nâng cao chất lượng điều trị cho người dân vùng ĐBSCL.

Kỹ thuật viên Khoa Chẩn đoán hình ảnh thao tác vận hành máy MRI hiện đại. Ảnh: THU SƯƠNG

Kỹ thuật viên Khoa Chẩn đoán hình ảnh thao tác vận hành máy MRI hiện đại. Ảnh: THU SƯƠNG

Cô Nguyễn Thị Ngọc Thu (61 tuổi, ở xã Thạnh Phú, huyện Cờ Đỏ, bị thông liên nhĩ), là bệnh nhân đầu tiên khi Bệnh viện (BV) Đa khoa TP Cần Thơ triển khai phẫu thuật tim vào cuối năm 2016. Sau 1 năm điều trị, cô Thu cho biết: “Trước khi phẫu thuật, suốt mấy năm liền tôi luôn nơm nớp lo sợ bệnh biến chứng nặng, lên TP Hồ Chí Minh phẫu thuật thì chi phí cao quá, nhà lại đơn chiếc, con cái bận bịu công chuyện làm ăn. Nhờ đội ngũ y bác sĩ của BV Đa khoa TP Cần Thơ, tôi được chữa lành bệnh”.

Bác sĩ CKII Phạm Văn Phương, Trưởng Khoa Ngoại lồng ngực - mạch máu chia sẻ, từ khi tiếp nhận gói trang thiết bị từ nguồn vốn ODA của Pháp, BV có điều kiện thuận lợi để triển khai nhiều kỹ thuật cao. Trước đây, với các bệnh nặng, bệnh khó, BV phải chuyển người bệnh lên tuyến trên thì nay, các bác sĩ có thể chẩn đoán chính xác bệnh và đưa ra phương pháp điều trị hiệu quả. Hệ thống máy DSA, máy CT160 lát cắt, với nhiều tính năng ưu việt, giúp bác sĩ chẩn đoán hiệu quả nhiều bệnh lý về mạch vành cũng như các bệnh lý về mạch máu lớn hay mạch máu ngoại biên, xác định tình trạng bệnh để có hướng can thiệp, điều trị. Trong gói trang thiết bị có nhiều máy móc phục vụ phẫu thuật tim, gồm: bộ dụng cụ mổ tim hở, máy tuần hoàn ngoài cơ thể, hệ thống đặt bóng đối xung, hệ thống mổ tim nội soi và cả những thiết bị hỗ trợ hồi sức tim sau mổ thuộc hàng đầu trong vùng ĐBSCL.

Một trong những khoa được phân bổ nhiều thiết bị từ gói trang thiết bị hiện đại là Khoa Chẩn đoán hình ảnh. Bác sĩ CKI Nguyễn Hoàng Anh, Phụ trách khoa chia sẻ: Trung bình mỗi ngày, BV tiếp nhận khoảng 2.000 lượt bệnh nhân ngoại trú của thành phố và các tỉnh trong vùng. Theo đó, Khoa chẩn đoán hình ảnh phục vụ các xét nghiệm cận lâm sàng cho khoảng 600- 1.000 lượt bệnh nhân/ ngày, bao gồm: chụp MRI cho 10- 20 bệnh nhân; chụp CT 30- 60 bệnh nhân; chụp Xquang từ 300- 500 bệnh nhân; siêu âm bụng tổng quát từ 200- 400 lượt; siêu âm tim mạch máu từ 50- 100 lượt; đo điện tim từ 50- 150 lượt,… Hầu hết các chẩn đoán cận lâm sàng với thiết bị hiện đại đều được Bảo hiểm y tế thanh toán chi phí cho người bệnh. Cùng với việc khai thác hiệu quả công năng của máy móc, Khoa Chẩn đoán hình ảnh còn kết hợp với Phòng Vật tư y tế BV quan tâm bảo trì vận hành để duy trì, kéo dài tuổi thọ của máy móc.

Theo bác sĩ CKII Lê Quang Võ, Giám đốc BV Đa khoa TP Cần Thơ, để phục vụ tốt việc chăm sóc sức khỏe cho người bệnh, cơ sở y tế phải đảm bảo 3 yếu tố: con người, cơ sở vật chất và trang thiết bị. Trong đó, yếu tố con người là quan trọng nhất. Khi BV ký hợp đồng gói trang thiết bị y tế từ nguồn ODA hỗ trợ của Chính phủ Pháp, Ban Giám đốc BV đã chủ động cử ê-kíp bác sĩ đi học ở BV Chợ Rẫy và BV Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh để sẵn sàng tiếp nhận thiết bị mới. Đầu năm 2016, gói trang thiết bị về tới BV, nhanh chóng được lắp đặt và đưa vào sử dụng ngay sau đó. Cuối năm 2016, BV được Bộ Y tế cấp phép thông qua 41 danh mục kỹ thuật cao, trên cơ sở đảm bảo đủ điều kiện về nhân lực và trang thiết bị, phòng ốc. Năm 2017 được xem là năm kỹ thuật cao của BV, với dấu ấn đặc biệt trong lĩnh vực phẫu thuật tim, góp phần nâng cao uy tín của BV đối với người bệnh Cần Thơ và các tỉnh trong vùng ĐBSCL.

Định hướng năm 2018, BV Đa khoa TP Cần Thơ tiếp tục triển khai các chương trình, đề án kỹ thuật cao đã ký kết với các BV tuyến trên, nhất là trong lĩnh vực phẫu thuật tim, can thiệp tim mạch và can thiệp mạch não, nội soi và phẫu thuật nội soi, lọc máu… BV cũng chú trọng chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới, giúp y tế cơ sở nâng cao chất lượng điều trị, giảm tải tuyến trên.

THU SƯƠNG

Chia sẻ bài viết